Hồ sơ về “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương vào tháng 5.2016 vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức cho Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Ngày 11.6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ công bố Di sản tư liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và buổi tọa đàm để ghi nhận những ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh rằng: Sau sự vinh danh của UNESCO sẽ là nhiệm vụ và thách thức lớn dành cho chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, đó là: Phải định hướng chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu này cùng với các di sản văn hoá đã được công nhận một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế. Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã có năm di sản được UNESCO vinh danh, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế; Nhã nhạc cung đình Huế; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và hai di sản tư liệu xuất phát từ Huế là Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn.
Gửi thông điệp đến buổi lễ, bà Vize Susan, Q. Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí độc đáo về lịch sử của dân tộc Việt Nam trải qua 150 năm phát triển về chính trị, xã hội và văn hóa dưới dạng các áng thơ tuyệt tác được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên gỗ, sơn son thếp vàng và những hình thức trang trí khác… Phong cách trang trí độc đáo và ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ ca này, được phát triển dưới triều Nguyễn, thực sự là “chỉ duy nhất” tìm thấy ở Việt Nam tại cung đình Huế, với chất liệu và vẻ đẹp không gì so sánh được. Hình thức nghệ thuật tuyệt vời này cho chúng ta thấy được những phác họa về cuộc sống và thời đại của triều Nguyễn và cuộc sống của người dân Việt Nam. Nó thể hiện rõ những tư tưởng và niềm tự hào dân tộc từ xa xưa cũng như sự cam kết lâu dài của Việt Nam cho giáo dục, văn hóa, khoa học và phát triển bền vững.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Thơ văn trên phần chánh điện của di tích Điện Thái Hòa (ảnh trên) và trên mái nóc di tích Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế)
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đưa ra ý kiến rằng: Sự kiện UNESCO công nhận “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là di sản tư liệu không chỉ là vinh danh di sản nói trên mà chúng ta cũng nên nhớ và cần phải tôn vinh các tác giả đã tạo ra nó. Với đặc điểm “di sản trong lòng di sản” thì việc muốn bảo vệ hệ thống thơ văn trên di tích kiến trúc cung đình Huế thì ta phải bảo vệ được phần vỏ kiến trúc. Mà vỏ kiến trúc ấy với tư cách là một tác phẩm kiến trúc và nó cũng đã là di sản thế giới đã được UNESCO công nhận rồi. Cho nên phải bảo vệ kiến trúc ấy thành môi trường tối ưu nhất để bảo vệ di sản tư liệu về thơ văn. “Do kiến trúc cung đình Huế có nhiều loại chất liệu, nhưng cơ bản là bằng chất liệu gỗ. Và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng có nhiều loại chất liệu (chất mang thông tin) nhưng phần lớn là trên chất liệu gỗ; tôi xin đề nghị UNESCO, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nên quan tâm sớm xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học về chất liệu gỗ. Nếu chúng ta phát triển tốt, đây sẽ là cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực. Thực hiện được việc này, chúng ta vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa Huế, vừa thực hiện trách nhiệm đóng góp đào tạo cho nguồn nhân lực bảo tồn văn hóa cho khu vực”, ông Bài nhấn mạnh.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng việc cần thiết trước hết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản tư liệu nói trên, làm cho họ hiểu đầy đủ và sâu sắc về hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế để thấy được sự quý giá, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị.
Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, đưa ra ý kiến: Không chỉ phát huy giá trị của từng di sản tư liệu, mà nên phát huy cùng lúc ba di sản có nguồn gốc ở Huế (Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn). Chẳng hạn như việc in ấn các đầu sách, tư liệu nên lồng cả ba di sản này; hoặc là tổ chức việc trưng bày một lúc cả ba di sản… Điều này, cần có sự kết hợp giữa các đơn vị Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1- đơn vị đang bảo quản Châu bản triều Nguyễn và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt)- đơn vị bảo quản và lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn. Trong những năm gần đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cũng đã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm về di sản Châu bản triều Nguyễn…
Sơn Thùy