Theo bà Trần Kim Hoa, Trưởng Ban quản lý các dự án thành phần đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: ngày 2-9-2016, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức khánh thành. Đây là công trình có ý nghĩa, nhằm tri ân những người làm báo, đồng thời là nơi lưu giữ các kỷ vật báo chí qua các thời kỳ.
Trước đó, ngày 21-8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Được thai nghén trong suốt 22 tháng, đến nay, công trình này đang dần đi đến đích khi hai trong ba chặng đường đã hoàn thành. Riêng dự án sưu tầm thì hiện tại vẫn đang thực hiện và đang được đẩy nhanh tiến độ hơn để kịp ngày ra mắt.
Nhà báo Phan Khắc Hiển hiến tặng hiện vật thời chiến cho Bảo tàng Báo chí.
Sau bốn đợt trao tặng hiện vật, hiện BQL các dự án thành phần đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có trong tay hơn 7.000 hiện vật.
Đó là thành quả của một quá trình lao động nghiêm túc của các thành viên trong BQL dự án cùng với sự đóng góp và hỗ trợ tích cực từ phía các địa phương, các cơ quan báo chí và đặc biệt là các nhà báo kì cựu, có thể kể đến như gia đình nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Hồng Hà…
Trong những hiện vật đó, có nhiều hiện vật có giá trị lớn, như những ấn phẩm báo chí hoặc măng sét báo chí cổ, cũ từ trước Cách mạng tháng 8, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; máy đánh chữ của nhà thơ, nhà báo Giang Nam; đồ dùng sinh hoạt của những nhà báo hoạt động trong chiến trường, những mẩu báo cũ được cắt dán thành bộ sưu tập của nhà báo Nguyễn Trung Thành…
Một góc trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Với diện tích 1.500m2 trong khuôn viên của Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là nơi để tri ân các thế hệ nhà báo, đặc biệt là các nhà báo cách mạng có những cống hiến trong các cuộc đấu tranh độc lập, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. Đây cũng sẽ là món quà để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí, thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp ở thế hệ phóng viên trẻ hiện nay.
Minh Vượng