Những kỷ vật – nắm giữ vết dấu phố xưa, đang từng ngày quy về một mối. Ở đó, từ tàng thư ố vàng với những ký tự Hán Nôm, đến những hình ảnh, hiện vật đã hoen ố bởi thời gian… được sắp xếp trật tự bài bản, và mỗi ngày lại đến gần hơn với đông đảo người yêu phố Hội.
Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, chừng đôi ba ngày, lại tiếp vài người khách lạ. Họ - có khi là cư dân đang sống ở phố cổ, có khi tất tả từ xa xôi về lại phố nhỏ, có khi tít tận ở phương Tây, với hành lý mang đến cơ quan văn hóa này, là những kỷ vật mang dáng hình phố cũ.
Cảo thơm lần giở
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, mỗi lần nhắc chuyện thu thập hiện vật, lại nói ngay đến tấm lòng của những cư dân đô thị cổ. Họ là thành tố góp những “bằng chứng” để các công trình nghiên cứu văn hóa về Hội An luôn đạt mức chuẩn xác cao nhất có thể. Mỗi năm như vậy, trung tâm tiếp nhận số lượng hình ảnh, hiện vật lên đến con số hàng trăm. Câu chuyện tìm cách thu hút sự chú ý của người dân vào công việc bảo tồn di sản, đặt ra cho những người quản lý văn hóa thêm một sự quan tâm mới, đó là làm sao để những “kỷ vật” gia đình góp thêm tiếng nói vào chiều sâu của vùng đất? May mắn khi trong phần việc của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An có cả hạng mục của những phòng chuyên đề, trưng bày triển lãm. Đây được coi như một dạng bảo tàng mini ở cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Và những hiện vật người dân góp tặng, sẽ được quy về một mối tại trung tâm.
Ông Nguyễn Tường Mạnh với câu chuyện về gia tộc của mình.
Từ khoảng đầu năm 2010 đến nay, số lượng hiện vật trung tâm nhận được nhiều nhất là những tàng thư, thư tịch cổ. Những ấn bản của tuyển tập Di sản tư liệu Hán Nôm Hội An phần lớn được dịch thuật từ các nguồn này. Đặc biệt, ông Nguyễn Chí Trung tiết lộ, trong năm 2015, một người dân đã sao tặng cho trung tâm hàng trăm thư tịch là gia phả, tấu trình, hành trạng của các nhân vật trong tộc Nguyễn Tường. Người đàn ông được ông Nguyễn Chí Trung trân trọng nhắc đến với sự hiểu biết và tấm lòng dành cho di sản cha ông để lại, là ông Nguyễn Tường Mạnh – cháu đời thứ 12, hiện trông coi nhà thờ tộc Nguyễn Tường. Nguyễn Tường là một tộc họ nổi tiếng cả nước, với 3 đời đều giữ những chức quan lớn của triều đình, cũng là dòng tộc của những văn nhân Tự lực văn đoàn.
Hiện tại, tộc Nguyễn Tường có 2 nhà thờ tọa lạc tại phố cổ, riêng ông Nguyễn Tường Mạnh đang coi sóc nhà thờ phái 1 của tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ - vị tiến sĩ thứ 3 người Quảng Nam. Ông Mạnh nói, những tư liệu này được gìn giữ qua nhiều đời, có những tư liệu được gìn giữ từ đời nhà Lê, đời chúa Nguyễn niên hiệu Thái Đức. “Đây là những hiện vật rất quý giá, tiền bạc khi tản cư có thể không mang theo nhưng gia phả, sắc phong, thơ từ của các cụ thì phải mang theo bên mình” - ông chia sẻ. Và bây giờ, sau rất nhiều năm, nhận thức được giá trị quý hiếm của nguồn thư tịch này trong công cuộc bảo tồn văn hóa quê hương, ông sao chụp và gửi tặng hàng ngàn bản cho Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Trong kho tư liệu ông Nguyễn Tường Mạnh gìn giữ cho gia tộc Nguyễn Tường, có những di vật của cụ Nguyễn Tường Phổ đại diện cho khoa bảng Quảng Nam, có thư cụ Phạm Phú Thứ gửi cụ Nguyễn Tường Phổ về ý nghĩa của việc học, chuyện khuyến học và không đặt nặng thành tích thi cử…
Hội An năm 1969 - ảnh của Jochen Voigt.
Những người nặng lòng với Hội An
Ông Nguyễn Chí Trung đến bây giờ vẫn còn giữ liên lạc với một phóng viên chiến trường người Đức, Jochen Voigt. Năm 2011, Jochen mang tặng trung tâm 125 bức ảnh mà ông gọi bằng tên “Nhịp cầu thời gian - ký ức của tương lai”. Những khuôn hình trong suốt quãng thời gian chiến tranh ác liệt mà Jochen ghi nhặt được, đã trao lại cho chính những chủ nhân của vùng đất mà ông ít nhiều gắn bó. Năm 2003, sau 41 năm rời Việt Nam về quê nhà, Jochen Voigt trở lại mảnh đất đã từng ám ảnh ông bởi những cái chết, và súng đạn. Ông dong ruổi từ Nam chí Bắc, dừng ở Hội An để kiếm tìm ký ức. Và đến năm 2011, ông trao gửi phần lớn ký ức bằng ảnh của mình cho người dân Hội An. Những bức ảnh mà theo ông Trung, nó đã góp phần dựng lại một diện mạo thị xã tỉnh lỵ trong chiến tranh khá toàn diện. Đã từng tổ chức một cuộc triển lãm khá thành công tại Sài Gòn, và bây giờ, nhiều người Hội An vẫn đang hy vọng người phóng viên chiến trường nặng lòng với Việt Nam này sẽ thêm một lần trở lại Hội An bằng một cuộc triển lãm ký ức mà người dân phố cổ chính là nhân vật trong ấy.
Và mới đây, khi ý tưởng thành lập một bảo tàng nghề y bắt tay vào thực hiện, thì một người nước ngoài khác đã “dạm ý” để được gửi tặng một bộ sưu tập nghề y xứ Quảng đầu thế kỷ XX từ Pháp. Jean Cousso, cháu ngoại của vị bác sĩ Albert Sallet - bác sĩ đầu tiên được Chính phủ Pháp giao nghiên cứu khoa học về y học dân tộc ở miền Trung Việt Nam (An Nam xưa) trong suốt 3 năm 1927-1930, trong những bức thư qua lại giữa ông và trung tâm, đã có một lời hứa chắc nịch về việc mang về Hội An những tư liệu, hình ảnh cổ ông có được. Chắc chắn, một bảo tàng nghề y đầy chiều sâu sẽ cuốn hút người tìm đến trong nay mai. Và còn nữa, một “bảo tàng hàng hải” thu nhỏ, với những tri thức về tàu bè được gom nhặt bởi John Doney – người khởi xướng Quỹ Di sản thuyền bè Việt Nam, hay người tiếp nối công việc của ông, Ken Preston đều là những người Mỹ nặng lòng với các di sản quá khứ của Việt Nam. Họ đều đã góp phần rất lớn cho công tác dựng lại dáng hình của một không gian cảng thị, phố chợ xuyên suốt các quãng thời gian.
Và những câu chuyện ảnh, với một kho tàng ảnh Hội An xưa, mà đến hôm nay, cứ mỗi lần cần câu chuyện ký ức bằng ảnh, những người ở Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An phải nghĩ ngay đến ông Thái Tế Thông. Ông cụ là người được biết nhiều đến qua hiệu ảnh Vĩnh Tân, vẫn luôn là một kho tàng ký ức không chỉ có những bức hình trắng đen. Và nhiều lắm, những ông bà cụ - những thư viện “sống” của hành trình phố thị. Câu chuyện hồi ức họ san sẻ trong mỗi cuộc gặp gỡ, sẽ là những chỉ dấu để cuộc tìm về quá khứ không lạc lối, để những bước đi tương lai không phai nhạt bởi thiếu sự kế thừa.
SONG ANH