Ngày 17/6, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ bàn giao thư tịch cổ Chăm cho gia đình ông Quảng Văn Đại ở thôn Chất Thường, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).
Ông Quảng Văn Đại nhận bàn giao thư tịch cổ.
Đây là 45 quyển thư tịch cổ Chăm, gồm 2.424 trang đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 tại TP Hồ Chí Minh xử lý phục hồi, tu bổ, bồi nền và số hóa, nhằm giúp cho việc bảo quản thư tịch cổ Chăm tốt hơn.
Đầu năm 2015, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức cuộc khảo sát, kiểm kê thư tịch cổ Chăm tại 11 làng Chăm ở Ninh Thuận. Tổng số kiểm kê bước đầu gồm 1.118 quyển của 123 chủ tư liệu.
Trong quá trình khảo sát, hầu hết các chủ tư liệu đều bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ kỹ thuật để giúp cho số thư tịch này giảm hư hỏng trong quá trình đồng bào bảo quản, lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Chăm.
Các trang thư tịch cổ đã được tu bổ.
Tháng 7/2015, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 đã ký biên bản nhận để tiến hành xử lý phục hồi, tu bổ, bồi nền và số hóa 2.424 trang thư tịch cổ của gia đình ông Quảng Văn Đại với mục đích làm tăng thêm tuổi thọ của tư liệu lên 100 năm và đóng thành 45 quyển để dễ dàng bảo quản. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 hỗ trợ toàn bộ chi phí phục hồi.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Nguyễn Thị Thu cho biết: “Sau gần một năm xử lý phục hồi, tư liệu đã hoàn tất, ngoài việc bàn giao số lượng thư tịch cổ Chăm nói trên cho chủ tư liệu, chúng tôi còn in sao toàn bộ để lưu giữ tại đơn vị”.
Tại buổi lễ, ông Quảng Văn Đại bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các cơ quan chuyên môn đã giúp gia đình ông và cộng đồng Chăm tỉnh Ninh Thuận có điều kiện để bảo quản thư tịch cổ Chăm tốt hơn, góp phần giữ gìn kho di sản văn hóa của cộng đồng Chăm nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
“Theo thời gian và do cách thức bảo quản đơn giản, như cất trong giỏ Ciết, túi vải… cho nên không tránh khỏi tác động của môi trường và côn trùng gây hại, làm cho nhiều tư liệu cổ của người Chăm bị hư hỏng, rách nát, mờ chữ rất khó đọc. Nay, được xử lý phục hồi, tu bổ, bồi nền đóng thành quyển và số hóa, không chỉ giúp bảo quản tốt mà còn giúp cho con cháu đời sau, các nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận với văn bản gốc để nghiên cứu khoa học”, ông Quảng Văn Đại bộc bạch.
Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận và lưu giữ 52 quyển thư tịch với tổng số 12.334 trang; 500 tấm ảnh tư liệu của đơn vị giai đoạn trước năm 1975, 92 cuộn phim tư liệu thư tịch cổ do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 đã xử lý phục hồi, tu bổ, bồi nền, số hóa và scan, góp phần tích cực trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa của người Chăm qua tư liệu thư tịch cổ.
Theo Nhân Dân