Ngày 20-6, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khánh thành đền thờ và lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại khu II, Công viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ và dâng hương có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố...
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và các đ/c lãnh đạo thành phố cắt băng khánh thành đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại TP Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và các đ/c lãnh đạo thành phố dâng hương Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại TP Hồ Chí Minh.
Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị anh hùng có công khai phá bờ cõi phương Nam, xác lập chủ quyền ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định...
Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, tại đây, ông đã thi hành chính sách an dân, cư xử ôn hòa, đoàn kết dân tộc, lấy nhân đức thu phục lòng người, được nhân dân yêu mến.
Với những chiến công hiển hách, Nguyễn Hữu Cảnh đã được chúa Nguyễn Phúc Chu phong tặng Hiệp tấn công thần, đặc tiến Chưởng Doanh, thụy Trung Cẩn. Năm 1763, ông được chúa Nguyễn Phúc Khoát truy cấp 50 người làm dân ngụ tộc. Năm Gia Long thứ 4 (1805), ông được truy tặng Tuyên Lực Công Thần, đặc tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ ty…, liệt vào hàng thượng đẳng công thần, thờ phụ vào Thái Miếu…
Người dân thập phương về dự lễ khánh thành.
Đức Lễ Thành Hầu đã được nhân dân kính phục, nhớ ơn, tôn thờ bao đời nay. Đền thờ ông được xây dựng, bảo tồn ở nhiều địa phương: An Giang, Đồng Nai, Quảng Bình.
Đền thờ ông tại TP Hồ Chí Minh là công trình nhằm tưởng nhớ công lao vị tướng đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định và đã có công khai phá mở rộng bờ cõi phía Nam.
Đền thờ được xây dựng trên khuôn viên của Công viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc, quận 9, theo kiến trúc truyền thống của người Việt bằng các vật liệu gỗ, nền lót gạch nung, lợp mái ngói lưu ly, cửa thiết kế cách điệu lá cây vùng sông nước Nam Bộ. Có tổng diện tích trên 7.443m2, đền thờ bao gồm các hạng mục chính: Khối đền đặc biệt, nhà điều hành, cổng Tam quan, văn bia, hồ nước…
N.Nguyễn