Trong Thông báo kết luận số 1064/TB-BVHTTDL ngày 29/3/2016 của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên tại Hội nghị Sơ kết 10 năm Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020:
Về phía Bộ VHTTDL: Sẽ tập trung chỉ đạo và triển khai một số công tác trọng tâm cần thực hiện như: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL; Tiếp tục thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25.6.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28.10.2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn; Kiện toàn bộ máy chức năng quản lý di sản: Giao phòng chức năng thuộc Sở VHTTDL tham mưu giúp lãnh đạo Sở thực hiện quản lý nhà nước đối với Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng; Các địa phương cần củng cố và phát triển các câu lạc bộ Cồng Chiêng.
Đối với các tình, thành phố có Cồng Chiêng: Sở VHTTDL các tỉnh có Di sản Cồng chiêng: Tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO, trong giai đoạn 2016-2020; Sở VHTTDL các tỉnh đã xây dựng Đề án cần tiếp tục xem xét, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn 2016-2020; đối với Sở chưa xây dựng Đề án cần khẩn trương xây dựng Đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong kế hoạch chung hàng năm của các Sở. Đề án được phê duyệt gửi về Sở VHTTDL Đắk Lắk để tổng hợp, báo cáo Bộ. Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk là đầu mối tổng hợp xây dựng đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, báo cáo Bộ để Bộ trình Thủ tướng phê duyệt. Hoàn thành việc xây dựng đề án tổng thể trước ngày 31.8.2016.
Một đội Cồng Chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: Internet)
Các địa phương hằng năm tổ chức Festival văn hóa Cồng Chiêng 1năm/1 lần, thời điểm tổ chức do Giám đốc Sở quyết định; các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức liên hoan Cồng Chiêng 2 năm/1lần cấp khu vực. Bắt đầu năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đăng cai; Các tỉnh cân đối kinh phí sự nghiệp và đưa vào kế hoạch cụ thể hàng năm; Các tỉnh có ngân hàng dữ liệu về Di sản văn hóa phi vật thể (Kon Tum và Lâm Đồng) tiếp tục khai thác và hỗ trợ các tỉnh chưa có.
Về phía Cục Di sản văn hóa: Hỗ trợ, chỉ đạo, giám sát 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng, thực hiện Đề án bảo tồn di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25.6.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể và Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30.6.2010 của Bộ trưởng VHTTDL quy định việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ và UNESCO.
Văn phòng Bộ (Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng) phối hợp với Cục Di sản văn hóa theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo kết luận Hội nghị, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ định kỳ hàng quý về tình hình bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên. Hỗ trợ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cập nhật và khai thác hiệu quả ngân hàng dữ liệu Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Tây Nguyên.
Đối với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Chuyển giao và giúp các tỉnh Tây Nguyên trong việc tái bản các sách, ấn phẩm, tư liệu số hóa đã và đang được lưu giữ tại Viện đối với tỉnh có nhu cầu tái bản; Hoàn thiện báo cáo 10 năm bảo tồn Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, báo cáo Bộ; Phối hợp với Cục Di sản văn hóa giám sát các tỉnh thực hiện đề án, dự án của các tỉnh; Phối hợp với Sở VHTTDL 05 tỉnh Tây Nguyên đề xuất, xây dựng các tài liệu, ấn phẩm quảng bá; Giao Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam liên hệ với Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể Nhật Bản chuẩn bị kế hoạch xây dựng dự án nâng cao năng lực bảo tồn cho đồng bào.
Đối với Học viện Âm nhạc Huế: Khẩn trương xây dựng giáo trình truyền dạy Cồng Chiêng Tây Nguyên để chuyển giao và đưa vào truyền dạy; Trong năm 2016 tổ chức tuyển sinh theo hai hình thức: học tập tại trường và truyền dạy tại địa phương; Giúp các tỉnh Tây Nguyên cân đối 20% thời lượng chương trình giảng dạy Cồng Chiêng Tây Nguyên trong chương trình đào tạo.
Minh Vượng