Từ ngày 19/5/2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành mở cửa liên thông giữa Bảo tàng và khu di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, kết nối tour du lịch, hỗ trợ nhau trong việc đón và phục vụ khách tham quan.
Từ ngày 19/5/2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành mở cửa liên thông giữa Bảo tàng và khu di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, kết nối tour du lịch, hỗ trợ nhau trong việc đón và phục vụ khách tham quan.
Hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm trong lễ mở cổng liên thông. (Ảnh: Trường Giang)
Không còn tình trạng “gần nhà xa ngõ”
Chỉ cách nhau có một bức tường, cách nhau có một cái “dậu mùng tơi”, nhưng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và khu di sản Hoàng thành Thăng Long lại ở trong tình trạng “gần nhà xa ngõ”. Du khách đến Bảo tàng hay Hoàng thành Thăng Long chỉ biết đứng từ bên này trông sang bên kia vì đường đi chưa thuận lợi, mặc dù Cột cờ Hà Nội là một bộ phận của khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng lưu giữ những di tích cách mạng quý giá, gắn với hoạt động của Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương và quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội. Được thành lập ngày 17/7/1956, bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 04 bảo vật quốc gia, gồm: Máy bay MIC 21 số hiệu 4324; Máy bay MIC 21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; Xe tăng T54B số hiệu 843.
Hệ thống trưng bày của bảo tàng giới thiệu hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học bổ trợ, phim tư liệu, sa bàn phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nội dung trưng bày đặc sắc với các chủ đề: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Dân tộc Việt Nam anh hùng, Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, Truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam, Vũ khí, công cụ sản xuất vũ khí của Việt Nam, Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến và Quan hệ giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân đội các nước. Đây cũng là Bảo tàng duy nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam trưng bày các hiện vật thể khối lớn, các vũ khí, phương tiện chiến tranh của cả Việt Nam và đối phương ở ngoài trời. Khách quốc tế rất quan tâm đến các sự kiện lớn như Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hiện Bảo tàng đang lưu giữ hai sa bàn về hai chiến dịch lớn này và được biên dịch, trình bày bằng 6 thứ tiếng.
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới từ năm 2010. Đây là khu di tích có bề dày lịch sử hơn 1000 năm với các di tích khảo cổ học độc đáo. Khu di sản có diện tích rộng hơn 18,3 ha, vì vậy có đủ khả năng để đón tiếp một lưu lượng khách du lịch lớn ( theo khảo sát của các chuyên gia Pháp: ở khu Thành cổ có thể tiếp đón 5000 người/ngày, ở khu khảo cổ là 1500 người/ ngày). Trên thực tế thì vào những dịp lễ hội, sự kiện lớn, Hoàng thành Thăng Long có thể đón tiếp hàng vạn khách/ ngày.
Hiện nay, Hoàng thành Thăng Long đang từng bước trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của Thủ đô để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhiệu chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách như: Ký ức Hà Nội, Hội sách Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề, Lễ hội hoa anh đào, Festival Áo dài Hà Nội…
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, văn hóa truyền thống để phục vụ khách tham quan. Đồng thời từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn để thu hút khách tham quan như chương trình Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long, Vui Tết trung thu, Em làm nhà khảo cổ…
Khu vực cổng liên thông, kết nối hai điểm tham quan.
Là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, mỗi năm Bảo tàng đón hơn 300.000 lượt khách tham quan. Trong những năm gần đây, số lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng tăng nhanh, hứa hẹn những tiềm năng phát triển về du lịch. Vì vậy việc mở cửa liên thông, tạo thuận lợi cho khách tham quan của hai đơn vị không chỉ là việc khắc phục tình trạng “gần nhà xa ngõ” mà là bước khởi đầu cho sự hợp tác và phát triển bền vững, cùng một mục tiêu hướng đến du khách, nâng cao chất lượng phục vụ của điểm đến, từng bước tạo sự hài lòng cho khách tham quan.
Hợp tác để cùng phát triển
Trên thực tế, từ trước đến nay cũng có một số đơn vị đã tự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về hoạt động chuyên môn như phối hợp tổ chức trưng bày hiện vật, kết nối điểm tham quan, nhưng đều là tự phát, đơn lẻ, chưa có sự liên kết một cách hệ thống và chỉ đạo đồng bộ.
Mới đây, 17 bảo tàng và di tích đã cùng ký một biên bản hợp tác nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, bắt tay nhau để cùng phát huy thế mạnh, ưu điểm của mỗi đơn vị và hỗ trợ nhau trong công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Sáng kiến này được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị. Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã khẳng định: “Một trong những hạn chế làm giảm sức hút và hiệu quả hoạt động của các bảo tàng, di tích trong thời gian qua là phương thức “mạnh ai nấy làm”, rời rạc, đơn lẻ. Vì vậy, ký kết hợp tác sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp, các bên cùng hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, cách làm để hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng cường hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong nước và quốc tế”.
Khách thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam giờ đây sẽ rất dễ dàng sang thăm Hoàng thành Thăng Long và ngược lại.
Việc mở cửa liên thông, kết nối tham quan giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã góp phần xóa bỏ rào cản du lịch cho khách tham quan và chắc chắn rằng lượng khách đến với mỗi điểm sẽ ngày càng tăng. Từ sự kết nối này sẽ mở ra nhiều hướng hợp tác chuyên sâu hơn giữa hai đơn vị như: liên kết quảng bá chung, kết nối các công ty du lịch, chia sẻ hiện vật để giới thiệu rộng rãi tới công chúng.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội