Trong mấy năm gần đây, cái tên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, thanh niên và các gia đình. Bảo tàng đã không còn là một không gian chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu hay những người đến tham quan do “bắt buộc”.
Trong mấy năm gần đây, cái tên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, thanh niên và các gia đình. Bảo tàng đã không còn là một không gian chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu hay những người đến tham quan do “bắt buộc”.
Hai từ “bảo tàng” nói chung đã được hiểu theo nhiều nghĩa mới, không chỉ là nơi để lưu giữ những cái đã qua, những cái cũ, những cổ vật hay như một “nơi tàng trữ”, mà công chúng ngày nay tìm đến Bảo tàng để trải nghiệm, để học hỏi những kiến thức mới và để có những phút giây thoải mái. Bảo tàng đã là nơi mà công chúng lựa chọn... Tại sao lại có sự đổi thay như vậy? Bằng những phân tích về việc đa dạng hoá các hoạt động của BTDTHVN cũng như kinh nghiệm chung trên thế giới, tôi mong muốn đưa ra một số lý giải cho những câu hỏi nêu trên.
1- Tại sao phải đa dạng hoá các hoạt động?
Giống như bất cứ bảo tàng nào khác, BTDTHVN cũng có những chức năng chính như nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và giáo dục (hay phổ biến kiến thức). Khác với nhiều bảo tàng ra đời trước đó, BTDTHVN thành lập trong bối cảnh không còn chiến tranh, đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới gần một thập kỷ. Chính sách mở cửa của nhà nước đã dẫn đến những đổi thay về kinh tế, sự mở rộng giao lưu, những ứng dụng của tiến bộ khoa học kỹ thuật và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Nhu cầu thưởng thức văn hoá và nhu cầu giải trí của người dân ngày một tăng lên. Sự phổ biến của tivi và đài phát thanh với các chương trình ngày càng hấp dẫn tới từng gia đình giải quyết được phần nào nhu cầu đó của người dân, nhưng không ngăn họ ra khỏi nhà và tìm đến các địa điểm du lịch gần hay xa, các cơ sở văn hoá hay các nơi vui chơi giải trí. Trình độ thưởng thức văn hoá của người dân cũng được nâng lên rất nhiều, đòi hỏi chất lượng của các dịch vụ văn hoá và giải trí cũng phải được nâng cao. Chính nhu cầu này của người dân là một điều kiện thuận lợi để Bảo tàng có thể mở rộng cánh cửa của mình đón chào du khách. Nhưng đó cũng lại là một thách thức lớn vì người ta phải lựa chọn nên đi đâu, xem gì với quỹ thời gian rất eo hẹp của mỗi người.
Trước đây, trong thời kỳ còn bao cấp, các bảo tàng chưa phải nghĩ nhiều đền việc “tự nuôi sống mình”. Sự bao cấp đã dẫn đến tình trạng trì trệ của các bảo tàng, làm mất đi tính năng động trong các hoạt động bảo tàng. Giờ đây, các bảo tàng không còn đứng ngoài quy luật kinh tế thị trường nữa. Bảo tàng không thể coi nhẹ đối tượng phục vụ của mình, mà phải vận động và tìm cách lôi kéo công chúng đến thăm bảo tàng vì chính họ mang lại nguồn thu quan trọng cho bảo tàng. Như vậy, do nhu cầu khách quan (nhu cầu thưởng thức văn hoá của công chúng) và nhu cầu chủ quan của bảo tàng (nhu cầu nâng cao nguồn thu để nuôi dưỡng các hoạt động nghiệp vụ) mà bảo tàng phải đa dạng hoá các hoạt động của mình với chất lượng cao.
Như đã nói ở trên, công chúng giữ vai trò sống còn đối với bảo tàng nên việc tìm hiểu nhu cầu của công chúng là điều không thể thiếu. Công chúng giờ đây không còn dễ dãi chấp nhận bất cứ “món ăn” nào mà bảo tàng cung cấp, mà họ có lựa chọn của mình. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu và truyền bá về cuộc sống và văn hoá của 54 dân tộc ở Việt Nam, BTDTHVN hướng tới lượng công chúng phức hợp, bao gồm cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, người dân thủ đô và người dân các tỉnh, công chúng thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính và trình độ văn hoá.
Đặc biệt, là một bảo tàng quốc gia nhưng lại nằm tại thủ đô Hà Nội nên BTDTHVN xác định nhiệm vụ phải thu hút và phục vụ nhân dân Thủ đô một cách hiệu quả nhất. Thủ đô Hà Nội vốn tập trung nhiều bảo tàng, nhưng thực tế cho thấy là người dân vẫn còn thờ ơ với bảo tàng. Nhiều người Hà Nội chọn cách đi du lịch ở các địa phương hay đến các hội chợ thay vì đến với bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng phải cạnh tranh với nhiều nơi vui chơi giải trí khác của thủ đô (nhà hát, rạp chiếu bóng, các tụ điểm trình diễn văn nghệ, công viên nước...). Đây là một thách thức với các bảo tàng nói chung, BTDTHVN nói riêng. Theo kinh nghiệm của các bảo tàng trên thế giới, bảo tàng “sống” được là nhờ vào lượng công chúng thường xuyên đến với bảo tàng. Đó là ”công chúng tại chỗ”, công chúng “địa phương” nơi bảo tàng toạ lạc. Họ là những người đầu tiên đón nhận và chịu ảnh hưởng trực tiếp những hoạt động của bảo tàng, là những người có điều kiện để đến với bảo tàng nhiều lần hơn do lợi thế về khoảng cách.
Bên cạnh đó, lượng du khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng tăng là một thuận lợi đối với Bảo tàng vì nhu cầu thăm bảo tàng đã trở thành thói quen của họ. Đặc biệt, những du khách mong muốn tìm hiểu về nền văn hoá và con người Việt Nam thường tìm đến BTDTHVN trước khi đi đến các vùng miền khác...
Để thu hút được công chúng đến với bảo tàng, trước hết, bảo tàng phải hiểu rõ, để từ đó đáp ứng, những yêu cầu của công chúng, nghĩa là bảo tàng không chỉ đơn thuần đưa ra những trưng bày hay hoạt động mang tính chủ quan mà không quan tâm đến sở thích, nhu cầu hay ý kiến của công chúng. Do vậy, chỉ khi nào có được những trưng bày và hoạt động đa dạng, đều kỳ, hấp dẫn, nhiều thông tin và đầy tính giáo dục, đồng thời, những thông tin về những hoạt động ấy được truyền bá tới đông đảo công chúng, thì bảo tàng mới thực sự “vươn tới” công chúng của mình.
2- Thế nào là đa dạng hoá các hoạt động bảo tàng?
Nhận thức bảo tàng phải tìm đến với công chúng đã làm thay đổi nhiều cách tổ chức hoạt động của bảo tàng so với những năm trước đây. Như đã đề cập, trước kia, các bảo tàng cũng tiến hành các hoạt động chuyên môn của mình như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục..., nhưng vai trò của công chúng, của cộng đồng chưa được đề cao. Nếu như trước đây nghiên cứu chủ yếu chỉ hướng đến cộng đồng để lấy thông tin thì nay nghiên cứu lại chú trọng nhiều đến sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá. Đa số các trưng bày thời kỳ trước thiên về mục đích tuyên truyền thuần tuý, đơn giản, nên thường khô cứng và kém hấp dẫn, thường thiếu những chương trình giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh. Không những thế, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm của bảo tàng, nên sau khi cắt băng khai mạc, thì các cuộc trưng bày đều được coi như đã hoàn thành, mà không thấy phải có các hoạt động đa dạng để lôi cuốn khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày. Đó là các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, toạ đàm, chiếu phim và nhiều loại hoạt động khác nhau của chương trình giáo dục. Hiện nay, những hoạt động đi kèm theo trưng bày như vậy đã trở nên thường xuyên và không thể thiếu của BTDTHVN.
3- BTDTHVN đa dạng hoá các hoạt động cụ thể của Bảo tàng như thế nào?
Nghiên cứu phục vụ cho các hoạt động trưng bày:
Cách tiếp cận nghiên cứu có gì mới?
Bên cạnh những nghiên cứu mang tính truyền thống như nghiên cứu cơ bản để hiểu sự kiện, hiểu hiện vật, nhằm nâng cao chất lượng các trưng bày, đưa lại những thông tin, những kiến thức mới, đúng đắn cho khách tham quan, thì những cách tiếp cận mới đã được BTDTHVN áp dụng. Đó là xu hướng tiếp cận khuyến khích sự tham gia của các chủ thể văn hoá vào các hoạt động của bảo tàng; khuyến khích các chủ thể văn hoá tự trình bày văn hoá và những suy nghĩ của mình (photovoice), nghiên cứu gắn với cộng đồng và nghiên cứu gắn với phát triển (bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian như rối Tày, múa rối nước). Ngày nay, bảo tàng không chỉ là nơi trình bày những kết quả nghiên cứu của mình về văn hoá các dân tộc, mà còn là diễn đàn để những người dân tự thể hiện mình, tự giới thiệu mình với công chúng. Điều này giúp cho người xem có điều kiện được tiếp xúc trực tiếp với những chủ thể văn hoá, tạo những trải nghiệm với, khác và lý thú cho du khách.
Trưng bày: Yêu cầu đòi hỏi là hấp dẫn, đổi mới thường xuyên.
Trưng bày thường xuyên: Đây là hoạt động cần thiết của bất cứ bảo tàng nào. Các trưng bày thường xuyên phải đảm bảo chất lượng cao, có quy chuẩn rõ ràng; cập nhật, phù hợp với các xu thế hiện đại trong quan niệm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; cung cấp nhiều thông tin; song/đa ngữ với chất lượng cao.
Trưng bày chuyên đề: Trưng bày chuyên đề giữ vai trò rất quan trọng trong mỗi bảo tàng, là một trong những hoạt động then chốt của bảo tàng. Nếu như trưng bày thường xuyên chỉ có thể giới thiệu/nêu vấn đề một cách chung chung, điểm xuyết thì trưng bày chuyên đề/tạm thời là dịp để bảo tàng có thể khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được. Ví dụ, trong trưng bày thường xuyên của BTDTHVN, phần “người Lào” chỉ được giới thiệu sơ qua, nhưng với trưng bày chuyên đề “thợ thủ công chụp ảnh”, Bảo tàng đã khắc hoạ rõ nét cuộc sống và nghề dệt vải truyền thống của người Lào ở bản Na Sang 2, tỉnh Lai Châu. Không những thế, du khách đến thăm bảo tàng còn có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với chính những người thợ dệt bản Na Sang ấy trong hai ngày đầu tiên sau khi trưng bày được khai trương. Ngoài ra, những hoạt động khác đi kèm theo trưng bày như hội thảo, trình diễn... cũng được tổ chức. Như vậy, chính những trưng bày chuyên đề như trưng bày về nghề dệt vải ở bản Na Sang 2 (hoặc về làng thuốc nam Đại Yên, về nghề đan lát của người Khơ Mú,...) là động lực thu hút công chúng đến với Bảo tàng, tạo ra những hoạt động mới, thường xuyên, đều kỳ, hấp dẫn công chúng không chỉ một lần. Vậy nên, bảo tàng cần thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề vì chính các trưng bày chuyên đề cùng với các hoạt động kèm theo của chúng sẽ tạo ra sức hấp dẫn công chúng đến với bảo tàng.
Cũng rất cần đa dạng hoá và mở rộng không gian của các trưng bày chuyên đề để có thể đồng thời tiếp cận nhiều trưng bày khác nhau. Nhưng làm thế nào cho các trưng bày chuyên đề hấp dẫn? Sự hấp dẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật trưng bày ánh sáng, màu sắc, nội dung... Nhưng, chúng ta chỉ xuất phát từ những hiện vật mà bảo tàng có thể đưa ra cho công chúng hay còn xuất phát từ nhu cầu của công chúng, nhu cầu của xã hội? Xu hướng mới của các bảo tàng trên thế giới là trưng bày phải đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Đơn giản là người ta quan tâm thì mới đến xem. Cho nên, bảo tàng phải tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của công chúng trước mỗi cuộc trưng bày để đưa ra thông điệp đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của họ.
Trưng bày phải gắn với nhu cầu của xã hội đương đại. Có như vậy, trưng bày mới thu hút được khách. Khách càng đông thì không những thoả mãn được hiệu quả văn hoá, xã hội, mà còn thoả mãn được hiệu qủa kinh tế nữa. Chúng ta phải dần dần tính toán sự bù đắp, cân đối thu chi cho mỗi cuộc trưng bày.
Để biết được nhu cầu của công chúng, cần phải coi trọng việc nghiên cứu, đánh giá khách tham quan ở tất cả các công đoạn trước, trong và sau khi tổ chức trưng bày. Chính những ý kiến đóng góp của họ sẽ giúp cho quá trình tổ chức trưng bày của bảo tàng thành công hơn.
Chương trình giáo dục:
Bảo tàng ngày nay cần nhận thức đúng đắn vai trò của chương trình giáo dục trong hoạt động bảo tàng. Đó không phải là hoạt động tuyên truyền mà là hoạt động mang tính sư phạm, có tính chuyên nghiệp cao, không thể thiếu được đối với mỗi bảo tàng hiện đại.
Các chương trình giáo dục trong bảo tàng cần quan tâm trước hết đến đối tượng tuổi trẻ, đặc biệt là học sinh. Giáo dục trong bảo tàng được coi là “giáo dục không chính thức”, tức là không phải “giáo dục chính thức” trong nhà trường. Giáo dục ở bảo tàng là tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá những kiến thức mới; các em được học tập trong bối cảnh “không chính thức” nên không bị gò ép, mà học tập một cách tự nguyện. Ngoài ra, bảo tàng còn cung cấp những giáo cụ trực quan cho học sinh (những hiện vật để các em sờ mó, trải nghiệm...), nên các em thường có được những hiểu biết sâu sắc về vấn đề mình quan tâm. Môi trường giáo dục đó bổ trợ thêm những kiến thức còn thiếu trong nhà trường của các em nên các nhân viên giáo dục của bảo tàng phải tìm hiểu kỹ chương trình học trong nhà trường để từ đó đưa ra những chương trình giáo dục phù hợp, bổ ích. Những chương trình giáo dục như: chương trình dạy trẻ em làm đồ gốm, tìm hiểu tri thức về cây thuốc nam, hay chơi các trò chơi dân gian, của BTDTHVN, là những ví dụ về sự kết hợp giữa hiểu biết về kiến thức, tâm lý, tình cảm, nhu cầu của các em và mục tiêu truyền bá và lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống của bảo tàng.
Ngoài ra, bảo tàng còn quan tâm tới chất lượng của các cuộc tham quan. Bảo tàng có quan niệm mới khi ứng xử với học sinh thăm bảo tàng như: phát huy tính chủ động, sáng tạo của các em; tổ chức các hoạt động hấp dẫn, sinh động, phù hợp với tâm lý, sức khoẻ và sở nguyện của trẻ em trước, trong và sau khi tham quan.
Từ những quan niệm và nhận thức mới về giáo dục bảo tàng mà BTDTHVN đã và đang xây dựng các hoạt động phù hợp với các đối tượng khác nhau, như:
- Xây dựng các chương trình tham quan có định hướng dành cho nhà trường, cho học sinh: có tài liệu dành riêng cho học sinh thuộc các lứa tuổi khác nhau, có tài liệu hướng dẫn giáo viên.
- Xây dựng chương trình tham quan dành cho gia đình, tài liệu giúp bố mẹ hướng dẫn con cái thăm và chơi trong bảo tàng.
- Xây dựng các hoạt động giáo dục đa dạng như: hoạt động gắn với các cuộc trưng bày thường xuyên hay chuyên đề; xây dựng Phòng khám phá và các hình thức khám phá tại chỗ với các xe lưu động phù hợp từng gian trưng bày; xây dựng chương trình giáo dục về di sản văn hoá như: dạy nghề thủ công truyền thống cho học sinh: (dạy làm gốm, in tranh Đông Hồ), biểu diễn âm nhạc dân gian...
Chương trình công chúng:
Bên cạnh những chương trình giáo dục dành cho các lứa tuổi học sinh khác nhau, bảo tàng còn có nhiều chương trình khác dành cho công chúng như:
- Tập trung xây dựng và hình thành các hoạt động trình diễn và biểu diễn gắn với trưng bày chủ thể văn hoá và cộng đồng: Bảo tàng đã mời những người dân thuộc các cộng đồng khác nhau đến để giới thiệu về văn hoá của họ (những chương trình biểu diễn riêng như: chương trình biểu diễn rối nước diễn ra đều kỳ hàng tháng trong vòng 2 năm; những buổi trình diễn nghề thủ công đi kèm với trưng bày). Đây là những hoạt động thu hút rất nhiều du khách.
- Chương trình nghe nhìn/thị giác: Các phương tiện thị giác (video, âm nhạc) giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động của bảo tàng hiện đại, đặc biệt trong trưng bày nói chung. Chúng giúp cho trưng bày trở nên sinh động, hấp dẫn và người xem dễ dàng cảm thụ. Bảo tàng phải tổ chức các chương trình nghe nhìn gắn với trưng bày chuyên đề, chẳng hạn như chiếu phim (taọ ra các bộ phim mới và nghiên cứu tìm các bộ phim có nội dung gắn với chuyên đề).
- Các hoạt động thuyết trình, hội thảo, toạ đàm gắn liền với nội dung chủ đề của trưng bày chuyên đề.
Như vậy, với các hoạt động đa dạng và sáng tạo, bảo tàng đã chủ động tìm các giải pháp nhằm thoả mãn những nhu cầu thưởng thức và nâng cao hiểu biết của công chúng với chất lượng cao, từ đó duy trì được công chúng thường xuyên đến bảo tàng và tiếp cận được những đối tượng công chúng mới.
Hoạt động tiếp thị:
Hoạt động tiếp thị không thể thiếu trong một bảo tàng hiện đại. Tiếp thị để tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, về các hoạt động của bảo tàng nhằm thu hút khách và tăng uy tín của bảo tàng. Mỗi bảo tàng cần có chiến lược tiếp thị phù hợp với mục tiêu và điều kiện của mình. Có thể tiếp thị dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, marketing thông qua các ấn phẩm (sách giới thiệu trưng bày, catalogue, các tờ rơi giới thiệu, các panô, áp phích, quảng cáo), hay các hoạt động tiếp thị thông qua báo chí, truyền thông (hoạt động tiếp thị thông qua báo chí, truyền thông giữ vai trò cực kỳ quan trọng vì nó có thể đến được với rất nhiều đối tượng công chúng và bản thân nó có sức hấp dẫn riêng). Để có được những tiếp thị qua báo chí, truyền thông có hiệu quả, bảo tàng cần:
- Chuẩn bị kỹ các thông tin cho báo chí, như: thông cáo báo chí về trưng bày, về bảo tàng và các đối tác, ảnh hiện vật.
- Tổ chức họp báo dành riêng cho báo chí trước ngày khai trương trưng bày để thông tin có thể đến được với công chúng kịp thời.
- Phát hành bản tin của bảo tàng thông báo về những hoạt động sắp tới, từ đó giúp cho công chúng lựa chọn và có kế hoạch đến thăm bảo tàng.
Cửa hàng lưu niệm:
Bảo tàng cần có nhận thức mới về vai trò của cửa hàng lưu niệm. Đó không phải là nơi cho thuê đơn thuần lấy lãi, mà là nơi để giới thiệu các mặt hàng có liên quan tới các hiện vật hay đề tài trong trưng bày. Những món quà lưu niệm có thương hiệu của bảo tàng sẽ nhắc nhở người xem về cuộc trưng bày mà họ đã xem và về bảo tàng mà họ đã đến thăm, từ đó giúp họ có mối quan hệ thân thiết hơn đối với bảo tàng. Mục tiêu của cửa hàng lưu niệm là sự tiếp nối giáo dục văn hoá theo mục tiêu của trưng bày và kinh doanh mang lại lợi nhuận cho bảo tàng. Dĩ nhiên, hàng hoá được bán tại các cửa hàng lưu niệm này phải gắn với trưng bày của bảo tàng, phải đạt chất lượng cao, thích ứng với các nhu cầu kỷ niệm khác nhau. Uy tín của cửa hàng bảo tàng cũng chính là thương hiệu của mỗi bảo tàng.
Các dịch vụ ăn uống:
Thời gian du khách lưu lại ở bảo tàng cũng là một tiêu chí để đánh giá thành công của bảo tàng. Nếu du khách ở lại bảo tàng lâu, họ có điều kiện để xem trưng bày kỹ, đọc các bài viết trưng bày, như vậy kiến thức sẽ được nâng cao. Muốn giữ chân khách ở bảo tàng lâu hơn, bên cạnh việc tổ chức những hoạt động hấp dẫn và các điều kiện cơ sở vật chất tạo sự thoải mái cho du khách, cần có các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống của khách. Bảo tàng cần có cửa hàng cà phê, giải khát, ăn uống chất lượng cao. Đặc biệt, bảo tàng nên giới thiệu văn hoá ẩm thực gắn với trưng bày, tạo những cảm nhận bằng các giác quan và những trải nghiệm mới cho công chúng.
4- Làm thế nào để tạo ra được các hoạt động đa dạng ở bảo tàng?
Để đa dạng hoá các hoạt động, bảo tàng cần xây dựng nguồn nhân lực, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và đa dạng hoá các nguồn tài trợ.
Học tập, đào tạo để nâng cao nhận thức, trình độ.
Bảo tàng cần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ phù hợp với trình độ chung trong nước và quốc tế, tiến dần tới trình độ chuyên nghiệp cao để đáp ứng các nhu cầu đa dạng hoá hoạt động bảo tàng, đồng thời cần nhận thức và thực hiện:
- Tương lai một bảo tàng hiện đại phải hướng đến việc trở thành cơ sở nghiên cứu, đào tạo liên đại học, liên viện (liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học).
- Là cơ sở học tập của sinh viên.
- Là cơ sở đào tạo thực hành sau đại học: thạc sĩ và tiến sĩ.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đặc biệt là việc phát triển các dự án quốc tế để tạo điều kiện cho các cán bộ của Bảo tàng được tiếp xúc, học hỏi các chuyên gia, từ đó nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn.
Đa dạng hoá các nguồn tài trợ.
Xoá bỏ cơ chế bao cấp, cơ chế mới của thời kỳ đổi mới đòi hỏi phải tranh thủ được các nguồn vốn/kinh phí khác nhau, như:
- Tài trợ của nhà nước;
- Tài trợ của các doanh nghiệp trong nước;
- Tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, quốc tế;
- Đóng góp của cá nhân;
- Nguồn thu từ các hoạt động của bảo tàng.
Làm thế nào tranh thủ được các nguồn tài trợ?
- Phải hiểu rõ mục tiêu của các nhà tài trợ.
- Phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng của các dự án tài trợ về nội dung, tiến độ, tài chính...
- Giữ uy tín với các nhà tài trợ.
- Kinh nghiệm của nhiều bảo tàng trên thế giới cho thấy, họ rất coi trọng lễ khai mạc dành riêng cho các nhà tài trợ. Nhà tài trợ được ưu tiên xem trước mọi cuộc trưng bày và được hướng dẫn đặc biệt. Bảo tàng cần ứng xử văn minh, tôn trọng các nhà tài trợ nhằm củng cố và mở rộng quan hệ với các nhà tài trợ.
Thực tế cho thấy, chỉ có các nguồn tài trợ phong phú chúng ta mới đủ sức để đa dạng hoá các hoạt động của bảo tàng.
Kết luận:
Đa dạng hoá các hoạt động của bảo tàng đòi hỏi phải hướng đến công chúng với tính chuyên nghiệp cao.
Trước hết, cần có quan niệm mới về một bảo tàng hiện đại; trong đó, một vấn đề quan trọng là bảo tàng cần thoả mãn được những nhu cầu của công chúng đương đại; bảo tàng phải tham gia vào cuộc cạnh tranh với vô vàn các hoạt động khác của xã hội để lôi kéo công chúng đến với mình.
Tiếp đó, bảo tàng phải đề ra mục tiêu là hướng tới công chúng, vì công chúng và cho công chúng.
Bảo tàng phải nhận thức sâu sắc là công chúng rất đa dạng, có nhiều nhu cầu khác nhau mà bảo tàng phải đáp ứng. Bảo tàng cần quan tâm đặc biệt đến công chúng trẻ tuổi.
Bảo tàng cần phải nhận thức sâu sắc việc đổi mới các hoạt động của bảo tàng, đa dạng hoá các hoạt động của bảo tàng mà công chúng cộng đồng là trọng tâm.
Các cán bộ của bảo tàng cần có trình độ cao, chuyên môn hoá để thoả mãn các yêu cầu của việc hướng tới công chúng.
Cuối cùng, bảo tàng cần mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và đa dạng hoá các nguồn tài trợ để có thể tổ chức những hoạt động mà bảo tàng mong muốn với chất lượng cao.
(Tạp chí Di sản văn hóa số 6 - 2004)
Nguyễn Văn Huy