Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/02/2017 00:00 442
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày xuân, có dịp đến với miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc, cùng với những làn điệu quan họ sâu lắng, du khách thập phương sẽ thực sự bị thu hút bởi những trò chơi dân gian độc đáo. Thi nấu cơm là một trong những trò chơi như thế.

Ngày xuân, có dịp đến với miền quê Bắc Ninh - Kinh Bắc, cùng với những làn điệu quan họ sâu lắng, du khách thập phương sẽ thực sự bị thu hút bởi những trò chơi dân gian độc đáo. Thi nấu cơm là một trong những trò chơi như thế.

tro-choi-dan-gian

Trò chơi thi nấu cơm đã được phục dựng trong nhiều lễ hội đầu xuân ở Bắc Ninh. (Ảnh: baobacninh.com.vn)

Không biết từ khi nào, thi nấu cơm đã trở thành một trong những trò chơi dân gian phổ biến tại các làng quê ở Bắc Ninh. Theo lời kể của nhiều bậc cao niên, trò chơi thi nấu cơm được tổ chức sớm nhất là ở những làng nhỏ ven sông Cầu, nơi xưa kia tướng quân Lý Thường Kiệt xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh giặc Tống xâm lược. Khi quân nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đi qua, rất nhiều người dân trong làng đã tình nguyện tham gia bảo đảm hậu cần để phục vụ binh lính. Nhằm lựa chọn người nuôi quân giỏi để tuyển vào phục vụ quân lính, Lý Thường Kiệt đã mở cuộc thi thổi cơm với những quy định khá khắt khe. Từ đó về sau, vào dịp đầu xuân, các làng đều tổ chức hội thi nấu cơm để nhắc lại tích xưa và nhớ đến công ơn của tướng quân Lý Thường Kiệt.
Được tổ chức ở hầu hết các hội làng ở Bắc Ninh, nhưng cách thức tổ chức, quy định về người chơi, luật chơi… khi tham gia thi nấu cơm ở mỗi nơi lại có những nét riêng. Có nơi cuộc thi nấu cơm được chia riêng theo đội nam, đội nữ với 3 công đoạn tách biệt rõ ràng: thi lấy nước, thi kéo lửa và thi nấu cơm. Cũng có nơi, trò chơi thi nấu cơm lại chỉ dành cho những cô gái trẻ chưa chồng… Song dù tổ chức với cách thức nào thì thi nấu cơm vẫn là một trò chơi dân gian độc đáo trong lễ hội ở một số làng Quan họ cổ và luôn cuốn hút được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo dân làng và du khách thập phương.
Sau nhiều năm vắng bóng, trò chơi thi nấu cơm đã được phục dựng lại trong khá nhiều lễ hội đầu xuân ở Bắc Ninh. Phổ biến nhất hiện nay là cách tổ chức thi nấu cơm giữa những liền chị duyên dáng đại diện cho các xóm, các làng, các khu dân cư… Trước thời điểm tổ chức hội xuân, các làng phải đăng ký với Ban tổ chức danh sách đội thi của làng mình gồm 2 liền chị khéo léo nhất. Quy định bắt buộc là các cô gái khi tham gia thi nấu cơm đều phải mặc trang phục truyền thống (áo tứ thân, váy lụa đen, yếm trắng, đầu chít khăn mỏ quạ, lưng thắt dải lụa) và đi chân đất. Trong khoảng thời gian hơn 30 phút (tương đương với thời gian cháy hết một nén hương dài 30 cm), người thi phải thực hiện tất cả các khâu từ đầu đến cuối nên phải chuẩn bị đầy đủ các thứ như quang gánh, hũ đựng sẵn nước, bó đóm bằng tre ngâm phơi khô, bùi nhùi rơm có ủ lửa, rá vo gạo, đũa bếp để khuấy cơm... Khi nghe trống lệnh, theo phân công, một liền chị của mỗi đội sẽ nhanh chóng quảy gánh lên vai đi vòng quanh khu vực thi đã được xác định từ trước. Từ đó trở đi, các đội sẽ thực hiện phần thi nấu cơm của mình theo nhịp trống. Phần việc của liền chị còn lại là lấy gạo, rót nước từ hũ ra vò và phải giữ không để gạo rơi ra ngoài. Nếu rơi thì sẽ bị Ban Giám khảo trừ điểm. Tiếp theo là rót nước vào niêu cho vừa, không được rơi một giọt nào ra ngoài. Sau đó lấy lửa từ mồi rơm ra bùi nhùi, ra đóm mà đốt vào đáy niêu. Nước bắt đầu sôi thì lấy gạo ở phía sau đổ vào rồi tiếp tục điều khiển cho đến khi cơm chín. Yêu cầu đặt ra ở đây đó là sự phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn giữa hai liền chị trong từng đội thi nấu cơm. Vì niêu cơm luôn luôn chuyển động theo nhịp bước của người quảy quang gánh nên người chơi còn lại cũng phải đi theo đúng nhịp bước ấy thì ngọn lửa mới kề sát được đáy niêu. Nhưng nếu người quảy quang gánh bước không đều, không nhẹ nhàng thì niêu sẽ lủng lẳng, ngọn lửa không bám được dễ dẫn đến tình trạng cơm sống hoặc chín không đều hay chín nhưng không bảo đảm yêu cầu về thời gian. Rồi khi cơm đã cạn nước thì người đun phải biết bớt lửa kẻo cơm cháy. Bớt lửa nhưng không được phép rút bớt đóm quăng đi mà phải điều chỉnh bằng cách xoay bó đóm hoặc tiến lùi bước chân. Do vậy, để hoàn thành tốt phần thi nấu cơm đòi hỏi hai người chơi phải phối hợp chặt chẽ với nhau, phải hiểu ý nhau, điều tiết cho nhau trong các động tác đun nấu. Liền chị Nguyễn Thị Thơm ở làng Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) chia sẻ: “Những quy định của trò chơi thi nấu cơm tại các hội làng đầu xuân thường rất khắt khe. Do vậy, xưa kia trò chơi thi nấu cơm thường là dịp để các cô gái thể hiện sự đảm đang, khéo léo của mình; đồng thời, cũng là cơ hội để các đấng quân tử lựa chọn ý trung nhân”.
Thi nấu cơm là trò chơi dân gian độc đáo, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống gắn với những nét đặc trưng riêng có của nền nông nghiệp lúa nước. Cùng với đó, thi nấu cơm còn phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm. Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân xứ Kinh Bắc, những niêu cơm chín dẻo, thơm ngon chính là hình ảnh tượng trưng tiêu biểu cho một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa khiến cho nhân dân cả làng vui mừng, hân hoan và có thêm niềm tin cũng như hăng say trong lao động, sản xuất. Những niêu cơm đoạt giải cao trong cuộc thi nấu cơm đầu xuân luôn được coi là vật phẩm quý giá để dâng cúng, tạ ơn thần linh, cầu cho mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh. Bởi vật phẩm ấy đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, mất nhiều công sức và được cả cộng đồng ủng hộ từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm biểu trưng cho lòng thành kính của cộng đồng đối với thần linh. Không khí tưng bừng náo nhiệt, sự gay cấn, quyết tâm trong từng người, từng đội cùng mùi cơm thơm phức khi cuộc thi nấu cơm khép lại đã tạo nên sức hút, sức hấp dẫn đối với tất cả người tham dự lễ hội trên miền quê quan họ./.

dangcongsan.vn

Chia sẻ: