Thứ Bảy, 26/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/04/2016 07:09 915
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhiều câu chuyện, ký ức về những năm đầu Đổi Mới đã được chia sẻ trong cuộc gặp gỡ đầu tiên do chính người dân Thủ đô kể lại, thông qua những hiện vật, kỷ vật mà họ hiến tặng đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) vào sáng ngày 23 tháng 4 năm 2016. Những hiện vật đó kết hợp với các hình ảnh, tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại BTLSQG sẽ được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề vào tháng 8 năm 2016 sắp tới.

Buổigặp gỡ chia sẻ ký ức tại BTLSQG, sáng ngày 23/4/2016.

Cuộc gặp gỡ thu hút sự tham gia của nhiều người dân đến từ các ngành nghề, lứa tuổi khác nhau. Tổng số hiện vật được người dân cho mượn và hiến tặng cho BTLSQG trong đợt đầu tiên lên đến gần 100 hiện vật, kỷ vật. Đó là những đồ dùng sinh hoạt gắn bó hàng ngày như: chiếc phích đá, đài catssette Sony, Tivi JVC vỏ đỏ, đồng hồ SK, bếp điện, bát, đĩa, vải vóc... Các hiện vật này tưởng chừng rất cũ kỹ, vô tri nhưng đằng sau nó lại chứa đựng rất nhiều kỷ niệm và tâm tư của cả một thế hệ.

Một số hiện vật được người dân hiến tặng.

Như đối với cô Trần Hải Nhị - một người dân Hà Nội đã trải qua cả thời bao cấp và thời đầu Đổi Mới, ấn tượng của cô về thời Đổi mới chỉ đơn giản là không phải xếp hàng, hàng hóa được tự do chọn lựa. Sau này, khi kinh tế khá hơn, tài sản giá trị đầu tiên mà cô có là chiếc phích đá, chiếc vô tuyến vỏ đỏ và cái nồi áp suất. Hồi tưởng lại những năm tháng đã qua, cô chia sẻ: “Từ khi nhà cô có Tivi, cô luôn mở rộng cửa cho trẻ em hàng xóm sang xem. Nhà cô lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười…”. “Ngày xưa không có tủ lạnh, cô dùng phích đá ra phố Tràng Tiền mua kem, đựng kem mang về cho các con. Lũ trẻ nhà cô vô cùng thích thú!... Do vậy, dù có khó khăn hay giờ không dùng đến cô vẫn không bán mà cất đi để làm kỷ niệm”.

Cô Trần Hải Nhị kể chuyện về chiếc phích đá được cô lưu giữ đến nay.

Cô Nhị cũng tâm sự: “Nhìn thấy các con vui mừng như vậy, cô tự nhủ mình phải cố gắng để đảm bảo cuộc sống cho các con. Có một điều cô rất tự hào, đó là dù trải qua khó khăn, nhưng cô đã nuôi dạy bọn trẻ tự lập, biết trân trọng những giá trị và biết yêu thương những người xung quanh”.

Bạn Đinh Phương Chi – Sinh viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia chia sẻ cảm tưởng: Qua những câu chuyện của các bác hôm nay, em có thể hình dung được phần nào cuộc sống trước đây, em thấy rất khâm phục các bác vì đã cùng đất nước trải qua những giai đoạn đầu khó khăn. Qua đó, giới trẻ chúng em có thể trân trọng cuộc sống hiện tại hơn nữa cũng như biết ơn về sự vất vả và công lao của các bậc cha chú.

Bạn Đinh Phương Chi – Sinh viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia chia sẻ cảm tưởng.

Có thể thấy, cách tiếp cận mới này đã bước đầu đi theo đúng hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại ngày nay. Trong đó, người dân không chỉ là công chúng tham quan mà còn là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên trưng bày. Trưng bày lần này hứa hẹn sẽ mang đậm hơi thở của cuộc sống, là nơi truyền tải những ký ức, tâm sự của người dân và những vấn đề đương đại.

Cô Hà Vị Thủy tại buổi gặp gỡ sáng ngày 23/4.

Cô Hà Vị Thủy - một cán bộ đã nghỉ hưu xúc động chia sẻ: Cuộc gặp gỡ này giúp gợi lại những kỷ niệm sâu sắc và là cơ hội chia sẻ về những thăng trầm của cuộc đời mình gắn liền với vận mệnh đất nước ở bước chuyển mình quan trọng.

Các câu chuyện, ký ức, kỷ vật của người dân về thời kỳ Đổi Mới là những đóng góp không nhỏ giúp BTLSQG có một trưng bày chuyên đề hấp dẫn và thành công. Bảo tàng rất mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu và thực hiện trưng bày. Qua trưng bày này, BTLSQG mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là những người trẻ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng, những đổi thay, thành tựu của công cuộc đổi mới, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thái độ tích cực, sáng tạo và luôn đổi mới trong mỗi người, góp sức vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.

An Nhiên

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: