Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/04/2016 08:58 793
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhân dịp tròn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 – 2016), sáng ngày 15/4/2016, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức chương trình tọa đàm “30 năm – một chặng đường đổi mới”. Đây là hoạt động đầu tiên chuẩn bị cho cuộc trưng bày cùng chủ đề dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 năm 2016 tại Bảo tàng.

Tham dự và cũng là diễn giả chương trình tọa đàm có sự hiện diện của nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử và nhà văn Y Ban – Phó Trưởng ban Biên tập báo Giáo dục và Thời đại, với mục đích nhằm cung cấp những thông tin về công cuộc đổi mới dưới các góc nhìn lịch sử và văn học, đồng thời họ cũng là những “nhân chứng sống” trong bối cảnh đất nước thời bấy giờ. Ngoài ra, nhiều cán bộ hưu trí đến từ Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, cán bộ đang công tác tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cùng các bạn học viên, sinh viên thuộc các trường đại học và Học viện quân sự trên địa bàn Hà Nội, cán bộ chuyên môn trong cơ quan và các bảo tàng bạn cũng tham dự chương trình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà văn Y Ban trao đổi với người nghe trong buổi tọa đàm

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chính sách khoán trong nông nghiệp, xóa bỏ chế độ bao cấp, tự do lưu thông hàng hóa, kêu gọi đầu tư nước ngoài..... Sau 30 năm (1986 – 2016), những thành quả của công cuộc đổi mới rất đáng tự hào, song những khó khăn của những ngày đầu đổi mới dường như thế hệ trẻ chưa nhiều người hiểu hết được.

Nói về thời kỳ tiền đổi mới, dưới góc nhìn lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đã phân tích những khó khăn mà cả dân tộc đã phải gánh chịu, đó là chiến tranh nối tiếp chiến tranh: từ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) đến chiến tranh Biên giới Tây Nam, Tây Bắc.... Chiến tranh đã làm cho đất nước mất đi nhiều cơ hội để phát triển, những di sản còn lại của chiến tranh đó là sự lạc hậu trì trệ, đó là những vết thương chưa biết ngày lành; đó là sự cấm vận kinh tế của Mỹ, và theo diễn giả di sản nặng nề nhất mà chiến tranh để lại đó là tư duy trong chiến tranh: những con người 30 năm chuyên cầm súng, sau khi bỏ cây súng xuống cầm lấy cái bút thì không thể ngay lập tức thích nghi”. Song trước những thực tế của đất nước, những người cộng sản chân chính đã quyết định từ bỏ cái tôi của mình để tiến hành đổi mới, trong đó trước hết chính là sự đổi mới về tư duy… Còn đối với nhà văn Y Ban, cuộc sống thời kỳ trước đổi mới khi phải vật lộn với cái ăn, cái mặc đã được bà khắc họa trong tác phẩm “Cẩm cù”, cũng chính là những điều mà bà và nhiều người dân đã trải qua trong thời khắc đất nước vận động chuyển mình. Họ mới thấy được giá trị to lớn của sự đổi mới và đó cũng chính là sự phản ánh chân thực, khách quan dưới các góc độ sinh động của cuộc sống.

Sau 30 năm đất nước vẫn tiếp tục đổi mới, hành trình đổi mới chắc chắn sẽ còn dài ở phía trước. Đối với những người trẻ tuổi đặc biệt là thế hệ được sinh ra từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, được thụ hưởng những giá trị, thành quả của ngày hôm nay, song những khó khăn trước đó thì dường như không hiểu hết được. Tọa đàm "30 năm – một chặng đường đổi mới” đã góp phần bổ sung thêm những hiểu biết về tình hình đất trước trước đổi mới cho một bộ phận người trẻ, thấy được ý nghĩa của sự “đổi mới” từ đó có những định hướng, nhận thức tốt hơn cho bản thân. Đó chính là hành trang cần thiết để mỗi công dân vững bước cùng đất nước tiếp tục cuộc hành trình đổi mới.

Thu Nhuần

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: