Sáng ngày 24/2/2016, tại Viện Goeth Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: “Thiết kế chuyển động 3D cho các bảo tàng và trưng bày” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Viện Goethe tổ chức.
Đến dự buổi Hội thảo có mặt của đại diện Cục Di sản văn hóa- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Ths. Họa sĩ Nguyễn Hải Ninh- Phó trưởng phòng Quản lý Bảo tàng; TS. Almuth Meyer Zollitsch- Viện trưởng Viện Goethe; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tham dự buổi hôi thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý, đông đảo cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Nhân học, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Bắc Giang, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Công ty Vietsoftpro....
Đặc biệt là sự có mặt của GS. Thomas Kersten – đến từ Trường Đại học Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức), ông đến và chia sẻ với các đại biểu dự hội thảo về kinh nghiệm thiết kế chuyển động 3D cho các hiện vật khảo cổ.
GS. Thomas Kersten – Trường Đại học Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức) trình bày tham luận tại Hội thảo, Hà Nội, ngày 24/2/2016.
Ngay sau bài phát biểu chào mừng của TS. Almuth Meyer Zollitsch- Viện trưởng Viện Goethe là báo cáo của GS. Thomas Kersten giới thiệu quá trình cũng như kinh nghiệm mà ông và các đồng nghiệp Đức đã thực hiện để đưa các hiện vật - di vật khảo cổ vào thế giới thị giác - mô hình 3D thông qua ví dụ thực tế chính là việc thiết kế chuyển động 3D cho các hiện vật trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam" sẽ khai mạc tại CHLB Đức cuối năm 2016 được thực hiện bởi các đối tác phía Đức là Bảo tàng Khảo cổ học Herne, Bảo tàng Khảo cổ quốc gia Chemnitz, Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim, Viện Khảo cổ Đức- Ban Khảo cổ các nền văn hóa ngoài Châu Âu, Viện Goethe Hà Nội; Đối tác phía Việt Nam là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học.
Tiếp theo Báo cáo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 3D trong giới thiệu trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia” do Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan- Trưởng phòng Giáo dục- Công chúng và Ths Hoàng Quốc Việt- Giám đốc Công ty Vietsoftpro trình bày là phần trao đổi, thảo luận.
Trong vài năm trở lại đây, một số bảo tàng ở Việt Nam trong đó tiêu biểu là Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng công nghệ 3D vào việc bảo quản các sưu tập hiện vật quý mà bước đầu là 16 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng, và đặc biệt là xây dựng bảo tàng ảo 3D các trưng bày chuyên đề và từng phần của hệ thống trưng bày cố định. Thông qua ứng dụng công nghệ 3D, xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D, Bảo tàng giúp công chúng không có điều kiện đến bảo tàng, thông qua mạng internet có thể tiếp cận với bảo tàng, có thể tương tác để xem thông tin chi tiết, lịch sử các hiện vật và tư liệu trưng bày và đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp các bảo tàng quản lý các hiện vật một cách linh hoạt, thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản quốc gia.
Hội thảo thực sự là cơ hội hữu ích giúp các bảo tàng, cơ quan di sản văn hóa ở Việt Nam có cơ hội trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm, góp phần vào việc giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam tới công chúng ngày một hiệu quả hơn./.
Mai Thủy