Ngày nay khi đến Huế chúng ta thấy quốc kỳ Việt Nam sừng sững tung bay trên kỳ đài Ngọ Môn kinh thành Huế. 70 năm trước vào ngày 21/8/1945, Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được kéo lên kỳ đài Ngọ Môn Huế bởi anh sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến (TNTT) Huế - Đặng Văn Việt, ngoài ra ông còn được mệnh danh là “Con hùm xám của đường số 4”.
Chúng tôi được gặp cụ trong buổi giao lưu nhân chứng do phòng Tư liệu - Thư viện, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức. Chàng sinh viên năm ấy giờ đây đã trở thành một vị lão thành Cách mạng ở tuổi 96, mặc dù vậy nhưng cụ vẫn giữ được vẻ minh mẫn, tinh anh và hài hước, khác với những suy nghĩ của chúng tôi trước khi gặp cụ. Cùng đến với cụ có sự xuất hiện của nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Hồng Chân với tư cách là người dẫn chương trình, một nhân chứng gián tiếp.
Cụ Đặng Văn Việt (phải) và nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Hồng Chân (trái) tại buổi giao lưu nhân chứng.
Mở đầu câu chuyện cụ hài hước “tôi năm nay 96 tuổi, huyết áp 75/120, đường huyết 4,1”. Khi được hỏi về cơ duyên đến với trường TNTT Huế, sự kiện kéo cờ lên Kỳ đài Ngọ Môn kinh đô Huế cách đây 70 năm và những trận đánh trên con đường số 4 tử lửa, khuôn mặt cụ bừng lên với những cảm xúc như mới ngày hôm qua. Cụ nói:
“Tôi là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Y Hà Nội, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) trường đóng của, sinh viên ở miền Trung hầu hết trở về, riêng tôi chưa về ngay mà ở lại Hà Nội chôn xác người chết đói sau đó về Phủ Tổng đốc Nghệ An (cha ông là cụ Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Phủ Nghệ An của chính phủ Trần Trọng Kim), khi về đây tất cả những tài liệu của Việt Minh tôi cất trên hiên nhà nên thông tin được đảm bảo tuyệt đối an toàn”.
Ở Vinh một thời gian ông nhận được giấy triệu tập của cụ Tạ Quang Bửu vào tham gia trường TNTT Huế. Trường được thành lập ngày 1/7/1945, Hiệu trưởng của trường lúc này là cụ Phan Tự Lăng với 43 học viên, về sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập dần số học viên này ra Bộ Tổng tham mưu, ông và cụ Phạm Hàm ra Cục tác chiến, cụ Cao Pha ra Cục tình báo…
Toàn cảnh cuộc giao lưu nhân chứng.
Học được hơn 1 tháng, Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Huế (23/8/1945), trước khi cách mạng nổ ra 3 ngày thì ngày 20/8 ông nhận được lệnh đi lên Nam Giao gặp chí Trần Hữu Dực, tại đây ông Trần Hữu Dực giao cho ông lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả một gian nhà và nói “ngày mai anh có nhiệm vụ treo lên cột cờ Ngọ Môn của kinh đô Huế cho tôi”. Đưa lá cờ về trường giấu đi, ông liên lạc với ông Nguyễn Thế Lâm hay còn gọi là Lâm Kèn (tổ trưởng tổ Việt Minh), sau khi bàn bạc hai người quyết định gọi thêm ông Nguyễn Thế Lương cùng tham gia.
Sáng ngày 21/8 ông, Nguyễn Thế Lương cùng ông đi xe đạp đến Ngọ Môn Huế, ông Nguyễn Thế Lương ở ngoài trông xe và cờ, còn ông đi đến cột cờ “lúc này hai bên có 12 anh lính được trang bị vũ khí có nhiệm vụ bảo vệ kỳ đài và sẵn sàng nổ súng, thấy vậy tôi liền nói: tôi có lệnh của Ủy ban khởi nghĩa lên hạ cờ nhà vua và treo cờ Cách mạng, đề nghị các anh giúp đỡ”, 10 phút sau cờ được đưa đến chân kỳ đài, 6 anh lính đến kéo cờ quẻ ly xuống và cột cờ đỏ sao vàng vào và kéo lên. Hoàn thành nhiệm vụ được giao cả hai cùng trở về trường.
Sau này, trong ngày vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị (30/8/1945) theo đề nghị của nhà vua xin được hạ cờ đỏ sao vàng xuống và kéo cờ quẻ ly lên lần cuối cùng. Hôm đó ông được lãnh binh của đội quân áo vàng cho biết “trong ngày các ông treo cờ tôi được lệnh của vua Bảo Đại cho 12 lính áo vàng chuẩn vị nổ súng vào người treo cờ, tôi quay sang xin vua được bóp cò, thì vua quay sang hỏi Hoàng hậu thì Hoàng hậu trả lời: Ngài học ở Tây, ngài biết sử Tây trong ngày cách mạng Pháp thành công, vua Louis 16 đã cho nổ súng vào quân cách mạng và kết quả là bị xử trảm. Nghe hoàng hậu nói vậy vua hét lên “chớ chớ, Việt Minh đấy, các người mà bắn thì trẫm là người chết trước đó”, ông lại hài hước “nếu hôm đó lính mà bắn thì hôm nay là ngày giỗ thứ 70 của tôi rồi”.
Khi được hỏi về cảm xúc của ông khi treo lá cờ đó ông nói: “khi chúng tôi ở trong rừng mỗi lần treo cờ to bằng bàn tay thằng Pháp nhìn thấy là đã cho là phản động rồi, vậy mà hôm nay lại được treo cả một là cờ to bằng cả gian nhà quang minh chính đại như thế này quả thực không tả được”.
Cuộc đời chinh nghiệp của ông “đánh 120 trận thắng 116 trận” được mệnh danh là “Con hùm xám của đường số 4”, một trong những trận đánh đáng nhớ nhất đó là “trận ra mắt trung đoàn 174” tại Bông Lau - Lũng Phầy. Tháng 8/1945, Bộ Tổng tư lệnh cho thành lập Trung đoàn chủ lực 174 Cao - Bắc - Lạng với 5.500 quân, 6 tiểu đoàn, 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, trở thành trung đoàn quân đội mạnh nhất, Đặng Văn Việt được cử làm Trung đoàn trưởng trung đoàn 174.
Theo kế hoạch đã được vạch, Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng đến tập trung tại đường số 4 ở những điểm đã chốt, biết ta hành quân trong rừng để chuẩn bị phục kích nên địch không di chuyển, sau 2 ngày không thấy địch di chuyển, đến ngày thứ 3 thì hết gạo, ông phải động viên chiến sĩ vượt qua khó khăn và kêu gọi nhân dân giã thóc giống nấu cơm cho chiến sĩ ăn, và cũng là ngày địch bắt đầu di chuyển, các ụ núi cao, các chân đèo, dọc theo đường số 5, 6 đều bị địch chiếm, chúng trang bị rất nhiều xe bọc thép vừa đi vừa sục tìm Việt Minh. Trước tình hình đó ông đã cho quân lùi sâu vào trong hang núi và vận dụng phương pháp vận động phục kích. Địch di chuyển bằng xe theo từng tốp, mỗi tốp khoảng 10 xe kéo dài từ Thất Khê đến Cao Bằng, nhận thấy lực lượng của địch rất mạnh, không thể chiến đấu trực diện, ông đã chỉ đạo công binh làm đinh 3 chạc rải xuống đường, địch đi qua trận địa phục kích thì bị hỏng lốp, tốp đầu dừng lại các tốp phía sau cũng bị chững lại. Lúc này các Tiểu đoàn Trưởng xin ý kiến được bắn, nhưng ông nhất định không cho vì lực lượng địch rất mạnh, vũ khí lại hiện đại, nếu chúng ta bắn sẽ thương vong rất nhiều. Ông quyết định chờ sau khi địch thay xong lốp, bắt đầu di chuyển tiếp thì ra lệnh quân ta từ hai phía xả súng vào đoàn xe của địch, bị đánh bất ngờ, địch thương vong và bỏ trốn. Ta thu được nhiều chiến lợi phẩm như vũ khí, giày, thực phẩm, trận đánh ra mắt Trung đoàn 174 hoàn toàn thắng lợi.
Nói đoạn giọng ông chùng xuống “chiến tranh đã lùi xa, tất cả rồi cũng sẽ thành quá khứ, nhưng chúng ta không được quên cuộc kháng chiến 30 năm của dân tộc, không đuợc quên xương máu của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ, không được quên xương máu của hàng vạn đảng viên đã đổ xuống cho độc lập ngày hôm này” đó cũng chính là thông điệp của cụ gửi đến các thế, đặc biệt là thế hệ trẻ để biết trân trọng những giá trị mà cha anh đã phải đánh đổi.
Cuộc gặp gỡ giao lưu với cụ Đặng Văn Việt là dịp chúng ta hiểu rõ hơn về một thời kỳ bi tráng nhưng rất hào hùng của dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bổ sung thông tin, tư liệu một cách khách quan thông qua những nhân chứng lịch sử trực tiếp đi ra từ cuộc chiến.
Bài, ảnh: Thu Nhuần – Nguyễn Hưng