Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng Tám hằng năm. Tại Việt Nam, Trung Thu ngày nay đã dần trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên. Trẻ em Việt Nam rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Không khí thêm vui tươi, rộn rã với những đội múa lân - sư - rồng để các em vui chơi thoả thích.
Ý nghĩa tết trung thu
Tết Trung Thu theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh nướng, bánh dẻo, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để mọi người tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và những phong tục lễ nghĩa của người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Người xưa có câu rằng:
"Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm"
Với ý nghĩa đó, hàng năm vào dịp tết Trung thu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đều tổ chức chương trình vui chơi cho các cháu thiếu nhi là con cán bộ viên chức và người lao động tại bảo tàng. Hơn thế nữa, chương trình ngày càng được mở rộng, giao lưu, phối hợp với các đơn vị khách mời cho thêm phần ý nghĩa, hấp dẫn. Đặc biệt, chương trình “Trung thu yêu thương - 2015” được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức vào chiều ngày 26/9 (Tức ngày 14/8 Âm lịch) còn có sự tham gia của 100 em học sinh khuyết tật vươn lên trong học tập trên địa bàn Hà Nội. Chương trình đã thể hiện rõ ý nghĩa thiết thực vì trẻ em, góp phần động viên tinh thần các cháu thiếu nhi, giáo dục truyền thống tương thân, tương ái và thể hiện sự quan tâm đối với trẻ em nói chung, và sự chia sẻ đối với trẻ em thiệt thòi nói riêng. Đây cũng là một trong những hoạt động hướng tới mục tiêu xã hội hóa các hoạt động, sự kiện, góp phần từng bước đa dạng hóa các hoạt động dành cho công chúng tại bảo tàng.
Với nội dung phong phú bao gồm các trò chơi tìm hiểu về Tết Trung thu và nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của Câu lạc bộ Đồng dao Tuổi Thơ và đặc biệt là phần trình diễn ấn tượng của các bạn thiếu nhi khuyết tật tới từ các trường chuyên biệt trên địa bàn Hà Nội như: Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường THCS Xã Đàn, Trường THCS Hy Vọng, Trường Tiểu học Bình Minh, Làng trẻ Hòa Bình – Thanh Xuân. Các em đã góp phần làm cho một tết Trung thu thêm ấm áp tình người, chia sẻ với những bạn thiệt thòi, làm cuộc sống thêm tốt đẹp.
Góp phần cho thành công của chương trình “Trung thu yêu thương”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị dịch vụ tại bảo tàng, các đơn vị đoàn thanh niên thuộc Bộ VHTTDL, Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông RICH Việt Nam đã tham gia hỗ trợ chương trình bằng những phần quà cho các cháu là trẻ em khuyết tật, góp phần động viên tinh thần để các cháu cố gắng phấn đấu, học tập, khắc phục tật nguyền để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Một số hình ảnh trong chương trình “Trung thu yêu thương” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia:





Tin, ảnh: Nguyễn Hữu - Quang Hưng (Phòng Truyền Thông)