Từ lâu, sen đã trở thành một hình tượng đặc biệt trong đời sống của người Việt. Sen mang ý nghĩa tốt đẹp, là biểu tượng cho những gì cao quý, thanh tao.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có khí chất thanh bạch, thâm trầm nhưng đầy bản lĩnh, sống nơi bụi trần nhưng không bị ràng buộc, cám dỗ bởi lợi, danh… Vì vậy, sen là loài hoa được đưa vào mỹ thuật từ rất sớm, đọng lại đậm đặc trong nghệ thuật tạo hình và trang trí truyền thống. Hoa sen ở các trạng thái được thể hiện trên từng loại hình cổ vật khác nhau cũng sẽ mang một ý nghĩa khác nhau.
Nhằm giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa và vẻ đẹp của hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, ngày 23/8/2015, tại Hội trường số 1 Phạm Ngũ Lão, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức buổi tọa đàm khoa học cho sinh viên với chủ đề “Vài nét về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt”.
Toàn cảnh tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, hai diễn giả là PGS.TS Trần Lâm Biền - Tạp chí Di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL và PGS. TS Triệu Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã cùng chia sẻ, giao lưu, thảo luận với các bạn sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội về những vấn đề liên quan đến hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống như: hình tượng hoa sen xuất hiện trên các loại hình cổ vật, kiến trúc qua từng thời kỳ lịch sử; ý nghĩa của hoa sen trên cổ vật, giá trị văn hóa – lịch sử - nhân văn của hoa sen dưới nhiều góc độ khác…
Hai diễn giả PGS. TS Trần Lâm Biền(phải) và PGS. TS Triệu Thế Hùng tại chương trình tọa đàm.
PGS. TS. Triệu Thế Hùng – người đã có nhiều công trình nghiên cứu về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình dân gian của người Việt, chia sẻ tại tọa đàm: Sen là một trong những giống thực vật bản địa. Họa tiết sen xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình truyền thống khá sớm, từ thời Đinh – Tiền Lê đã phát hiện những viên gạch có hình bông sen nở tám cánh. Trong nghệ thuật tạo hình của người Việt qua các thời đại, sen là họa tiết hằng xuyên, được sử dụng ở mức độ nghệ thuật rất cao với nhiều hình dáng, cách thức khác nhau.
Khi đề cập đến hình tượng sen trong kiến trúc chùa Một Cột, PGS. TS Trần Lâm Biền phân tích: ngôi chùa đặt trên trụ bằng đá (trụ đá tượng trưng cho cây cầu nối đưa sinh lực giữa trời và đất), phía trên có một bông sen ngàn cánh tượng trưng cho trí tuệ tuyệt luân, ngôi chùa được sơn đỏ chứa đựng sức mạnh linh thiêng vô bờ bến. Chùa Một Cột thể hiện ước muốn của cư dân nông nghiệp, đó là sự mong muốn Đức Phật đem nguồn năng lượng vô lượng, vô biên của đất trời ban xuống cho đất nước được phì nhiêu, và đưa đến những vụ mùa bội thu. PGS. TS Triệu Thế Hùng khẳng định: “Sử dụng hoa sen trong mô-típ trang trí kiến trúc hay trong nghệ thuật tạo hình thì nhiều nước trên thế giới đã có. Nhưng sử dụng hình ảnh hoa sen để làm thành một hình ảnh kiến trúc như chùa Một Cột thì tôi cho đây là một công trình độc đáo và đặc sắc của người Việt”.
Trong tọa đàm, PGS. TS Trần Lâm Biền cũng giải thích ý nghĩa của một số hiện vật trong trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật” tại BTLSQG. Lý giải về tượng Phật Thích ca sinh ra từ hoa sen, ông cho biết: Hình tượng này mang ý nghĩa triết lý tịnh độ tâm. Con người giải thoát ra khỏi phiền não, sẽ được tiếp dẫn về miền cực lạc. Khi đi vào thế giới của Tây phương cực lạc, người được tái sinh từ đây đều được sinh ra từ bông hoa sen, tùy phật quả mà sinh ra từ những bông sen to nhỏ khác nhau…
Tượng Phật Thích ca sinh ra từ hoa sen bằng gỗ sơn, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18. Trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật” tại BTLSQG.
Tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Bạn Nguyễn Anh Tuấn – Khoa Đông Phương học, trường đại học KHXH&NV vui vẻ cho biết: trước đây, em nghĩ hoa sen chủ yếu vẫn mang ý nghĩa của một loài hoa Phật giáo. Nhưng khi được nghe bài thuyết trình của hai diễn giả, em mới biết hoa sen còn mang trong mình ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực, của nguồn gốc sinh thành vũ trụ hay ý nghĩa về trí tuệ và hạnh phúc...
Bạn Nguyễn Anh Tuấn – Khoa Đông Phương học, trường đại học KHXH&NV rất tâm đắc với bài thuyết trình của hai diễn giả.
Tọa đàm “vài nét về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt” đã đề cập được nhiều vấn đề từ bao quát đến cụ thể về hình tượng hoa sen; từ đó góp phần định hướng lối sống cho lớp trẻ tới chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức của giới trẻ về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, cũng như niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc. Như PGS. TS Triệu Thế Hùng chia sẻ: chúng tôi mong muốn thông qua tọa đàm, thổi bùng lên sự đam mê về nghệ thuật trong các bạn sinh viên qua hình ảnh hoa sen, để các bạn thêm yêu mến và tiếp tục tìm hiểu về loài hoa đẹp đẽ và linh thiêng này…
Lan Phương