Đó là tên buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm do Hội Sử học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà trí thức cách mạng Đỗ Đức Dục (15/8/1915 - 15/8/2015), tại BTLSQG, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đỗ Đức Dục sinh ra tại làng Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông là một người thầy, nhà trí thức cách mạng, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả; nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Pháp; nguyên Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Nghiên cứu viên Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam; Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Toàn cảnh tọa đàm.
Đến tham dự buổi sinh hoạt ngoài sự xuất hiện của gia đình con cháu Đỗ Đức Dục; các em học sinh Câu lạc bộ Sử học trường Trung học Phổ thông Chu Văn An; con của những người cùng thời với ông như con của Bộ trưởng Xuân Thủy, con của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, thành viên hội sử học Việt Nam... còn có sự xuất hiện của những người từng có thời gian được làm việc, được sống cùng với Đỗ Đức Dục. Mở đầu chương trình là một tham luận có tên gọi “Đỗ Đức Dục - Nhà hùng biện lãng mạn đầy chất thơ” được trích trong hồi ký của cố GS. Vũ Đình Hòe - một con người được xem là thân thiết gần gũi nhất với Đỗ Đức Dục trong đời sống, trong quan hệ xã hội và trong lý tưởng yêu nước. Những người đã có thời gian được làm việc, tiếp xúc và nghiên cứu về ông như: TS - nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Văn Khoan; GS. Hồ Sỹ Vịnh, người đã có thời trai trẻ được làm việc với Đỗ Đức Dục; PGS.TS Lê Phong Tuyết người tham gia biên tập cuốn sách của Đỗ Đức Dục “Hành trình văn học” xuất bản năm 2003; nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn người đã có những nghiên cứu về Đỗ Đức Dục trong hoạt động báo chí; Ông Đỗ Xuân Chước đại diện gia tộc họ Đỗ Đại Phu ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội; nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ em rể của Đỗ Đức Dục; ông Nguyễn Thế Thiện gọi Đỗ Đức Dục bằng cậu. Với họ, hoài niệm về ông là một người bạn, người đồng chí bộc trực, ngay thẳng, một người đồng nghiệp tâm huyết, một người anh thân thiện, người cháu hiếu nghĩa.
Ông Nguyễn Thế Thiện nhớ lại khoảnh khắc cậu của mình (tức Đỗ Đức Dục) nói với ông rằng “Đảng Dân chủ của cậu bị ngừng hoạt động và giải tán rồi”, “tôi nhìn thấy trên khuôn mặt cậu một nỗi buồn không nói thành lời, và tôi cũng hiểu được nhiệt huyết của cậu đối với cách mạng”. Ở phương diện là một nhà trí thức ông nhận mình là người có tình yêu với từng con chữ, như ông đã từng nói “khởi đầu bằng văn học và kết thúc cũng bằng văn học âu cũng là định mệnh”.
Với những chia sẻ thực tế từ những con người thực đã có thời gian được sống, được tiếp xúc với ông giúp cho chúng ta có những hiểu biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Đỗ Đức Dục. Ôn lại cuộc đời sự nghiệp của ông cũng là nhắc lại một đội ngũ, một tổ chức (Đảng dân chủ Việt Nam) đã từng tồn tại và có vai trò to lớn trong lịch sử dân tộc, tạo thêm hành trang cho những thế hệ sau trên con đường đổi mới và hội nhập đất nước.
Thu Nhuần – Nguyễn Hương