Sáng 25/6 Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành nghiệm thu hai đề tài khoa học cấp Viện: “Nghiên cứu sưu tập Gốm Đặng Huyền Thông thời Mạc, 1527-1592” và “Nghiên cứu quá trình hình thành mẫu Quốc huy Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ”.
Tham dự chương trình có sự hiện diện của TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Lịch sử quốc gia (HĐKH-BTLSQG); TS. Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc, Phó chủ tịch HĐKH - BTLSQG; TS. Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; các thành viên thuộc Hội đồng nghiệm thu đề tài; thành viên Hội đồng khoa học BTLSQG, cùng cán bộ các phòng ban chuyên môn.

TS. Nguyễn Văn Cường (bên trái), TS. Phạm Quốc Quân (bên phải) tại buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện.
Đề tài “Nghiên cứu sưu tập Gốm Đặng Huyền Thông thời Mạc, 1527 -1592”, được TS Nguyễn Đình Chiến và cộng sự thực hiện trong nhiều năm. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu về gốm Đặng Huyền Thông thời Mạc. Đề tài đã nghiên cứu 24 tác phẩm gốm có lưu danh họ tên, quê quán, và thời gian sản xuất của Đặng Huyền Thông đang được lưu giữ tại BTLSQG, Bảo tàng Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Mỹ thuật cung đình Huế… cùng một số sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước. Đề tài tập trung vào các nội dung: Tình hình sưu tập tài liệu về các tác phẩm gốm Đặng Huyền Thông; Loại hình và trang trí; Hiện trạng và nội dung minh văn trên các tác phẩm gốm; Những giá trị lịch sử văn hóa từ kết quả nghiên cứu sưu tập gốm Đặng Huyền Thông.

TS. Nguyễn Đình Chiến, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu sưu tập gốm Đặng Huyền Thông thời Mạc, 1527-1592” báo cáo kết quả nghiên cứu.
Đề tài đã xác lập hệ thống loại hình, hoa văn, dòng men lam xám hoặc kết hợp men vàng rất riêng biệt của Đặng Huyền Thông, góp phần xác định niên đại cho 19 tác phẩm khác mang phong cách của ông. Trên cơ sở đó đề tài sẽ góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử gốm Việt Nam, Phật giáo Việt Nam và nhiều giá trị lịch sử văn hóa khác.
Mặc dù vẫn còn tồn tại một số tiểu tiết, tuy nhiên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá xếp loại xuất sắc, đồng thời hy vọng đề tài sẽ nhanh chóng được xuất bản thành sách, trở thành một nguồn tài liệu tham khảo, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu về sau.

Thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sưu tập gốm Đặng Huyền Thông thời Mạc, 1527-1592”.
Tiếp theo là đề tài: “Nghiên cứu quá trình hình thành mẫu Quốc huy Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ”, do Ths. Nguyễn Thị Huyền - Phó trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm làm chủ nhiệm.
Xuất phát từ tình trạng sử dụng hình Quốc huy Việt Nam trong các cơ quan chính quyền nhà nước ở Trung ương và địa phương còn có nhiều sai lệch, tùy tiện không giống với mẫu Quốc huy được ban hành theo sắc lệnh số 254-SL, ngày 14/01/1956 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và Điệu lệ 973-TTG về việc dùng Quốc huy do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký. Điều đó dẫn đến việc làm mất đi sự chuẩn xác, trang nghiêm của Quốc huy Việt Nam.
Đề tài đã nêu rõ nội dung, ý nghĩa của Quốc huy Việt Nam; Hoàn cảnh lịch sử và những tư liệu liên quan đến việc lựa chọn mẫu Quốc huy; Tiến hành tư liệu hóa các tư liệu, mẫu phác thảo hình thành mẫu Quốc huy. Ngoài ra, đề tài cũng đã nêu rõ thực trạng sử dụng Quốc huy Việt Nam hiện nay tại các cơ quan chính quyền nhà nước, đồng thời đưa ra một số kiến nghị về sử dụng Quốc huy một cách thống nhất.
Bên cạnh đó, đề tài còn một số hạn chế như: Chưa tổng hợp được tất cả những kết quả và đóng góp của đề tài trong việc nghiên cứu, xây dựng sưu tập, tư liệu hóa và phát huy giá trị sưu tập, nhất là trong trưng bày phục vụ công chúng; Thiếu kiến nghị giải pháp phát triển và xây dựng sưu tập tư liệu về Quốc huy Việt Nam tại BTLSQG, cũng như giải pháp phát huy giá trị sưu tập.
Chương trình nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện là một buổi sinh hoạt khoa học bổ ích, nhiều vấn đề liên quan đã được đưa ra trao đổi trên cơ sở đóng góp và ghi nhận, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính khoa học và tính thực tiễn của hai đề tài.
Bài, ảnh: Thu Nhuần