Thứ Hai, 21/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/05/2015 22:54 1881
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bộ sưu tập bảo vật Triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận từ triều đình nhà Nguyễn sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Hiện vật được chuyển qua lưu giữ nhiều nơi thuộc khu III và khu IV trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong sổ Đăng ký các bảo vật năm 1960, sưu tập những bảo vật của Triều Nguyễn gồm các chất liệu vàng, bạc, đá ngọc với nhiều loại hình thuộc đồ ngự dụng của vua và hoàng gia. Trong đó, loại hình đặc biệt nhất là bảo tỷ, kim sách, mũ, kiếm… Sưu tập bảo vật Triều Nguyễn này do Bộ Tài chính Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) vào ngày 17/12/1959.

Sau khi được tiếp nhận, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã lựa chọn trưng bày trong hệ thống chính để giới thiệu với khách tham quan trong và ngoài nước. Sau đó, do hoàn cảnh lịch sử, toàn bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn được chuyển đi cất giữ theo chế độ đặc biệt. Từ năm 1962 đến năm 2007, bộ sưu tập được cất giữ tại Ngân hàng Nhà nước. Năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được Bộ Văn hoá Thông tin cấp kinh phí nâng cấp khu vực cất giữ và để có điều kiện nghiên cứu, bảo quản các bảo vật này, Chính phủ đã đồng ý giao lại bộ sưu tập này cho Bảo tàng. Từ đó đến nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và đang tưng bước nghiên cứu, tổ chức bảo quản, phục hồi và giới thiệu bộ sưu tập đến với công chúng.

Do điều kiện lưu giữ, bảo quản còn nhiều thiếu thốn trong suốt giai đoạn kháng chiến cũng như trong kho của Ngân hàng Nhà nước nên hầu hết hiện vật bị bụi bẩn, mối xông, nhiều tạp chất bám trên bề mặt. Một số hiện vật đã bị hư hại, xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là các hiện vật chất liệu hữu cơ vốn rất nhạy cảm với sự biến đổi của môi trường. Đặc biệt là bộ sưu tập vương miện của các vua triều Nguyễn, khi bàn giao về Bảo tàng lịch sử Việt Nam năm 2007 chỉ còn lại những chi tiết trang trí bằng vàng và đá quý đã bị biến dạng, không thể nhận rõ hình hài với hàng ngàn các chi tiết không rõ ví trí, chức năng. Toàn bộ phần chất liệu hữu cơ trên mũ đã bị phân hủy hoàn toàn dưới sự tác động của môi trường và côn trùng.

Bộ sưu tập bảo vật Triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia khá đa dạng về loại hình, chức năng sử dụng, với nhiều chất liệu khác nhau. Hiện nay, bộ sưu tập này vẫn đang được nghiên cứu, phân loại dựa trên các tiêu chí khác nhau phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu. Vì mỗi loại chất liệu sẽ có một phương pháp bảo quản khác nhau nên để thuận tiện cho công tác bảo quản, chúng tôi tiến phân loại hiện vật theo chất liệu. Dưới góc nhìn và theo cách phân loại của bảo quản thì sưu tập bảo vật Triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia gồm các nhóm chất liệu chính sau:

Nhóm hiện vật chất liệu kim loại bao gồm các kim sách, ấn, huy chương, tiền xu, đài thờ, lư hương, đỉnh, nghiên bút,… Đây là nhóm hiện vật chiếm số lượng lớn nhất trong bộ sưu tập bảo vật Triều Nguyễn, chúng gồm 4 loại chất liệu chính là: hợp kim vàng, hợp kim bạc, hợp kim đồng và hợp kim mạ vàng, bạc. Đa số hiện vật bị bụi bẩn, dính nhiều tạp chất và sự oxi hóa làm hoen ố, xỉn bề mặt. Các hiện vật mạ vàng, bạc, do sự tác động của môi trường và các phản ứng điện hóa nên phần cốt của hiện vật đã và đang bị phá hủy tạo ra các sản phẩm ăn mòn sủi lên trên bề mặt của lớp mạ. Một số cuốn kim sách có khuyên tròn chốt gáy bị móp méo, trang sách bị thủng, nhăn, cong vênh, xước bề mặt. Hầu hết hộp bạc đựng kim sách bị oixi hóa làm xỉn bề mặt và tạo thành lớp sản phẩm màu đen của Ag2S, làm giảm vẻ đẹp và sự sang trọng của hiện vật hoàng cung; một số hộp bạc bị hỏng khóa, mất chốt bản lề. Ngoài ra, số kiểm kê cũ có kích thước quá lớn, chất lượng mực không đảm bảo, lại được ghi trực tiếp trên bề mặt hiện vật không những làm giảm tính thẩm mỹ mà còn gây hại cho bề mặt hiện vật; qua các thử nghiệm và quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy lớp mực ghi số kiểm kê đã bị lão hóa và có phản ứng trực tiếp với bề mặt hiện vật, gây ra những sự biến đổi không thể phục hồi được ngay cả khi lớp mực đã bị loại bỏ hoàn toàn.

Nhóm hiện vật chất liệu đá quý bao gồm các loại ấn, đồ ngự dụng, nghiên, gác bút, thẻ bài, ngọc bội,… Nhiều hiện vật thuộc nhóm này cũng có tình trạng ghi số kiểm kê sai quy cách giống nhóm hiện vật kim loại. Ngoài ra, hiện vật còn bị đất bẩn và tạp chất bám chặt vào bề mặt làm mờ hoặc che khuất các chi tiết hoa văn chạm khắc. Một số chén ngọc bị nứt vỡ thành nhiều mảnh.

Nhóm hiện vật chất liệu ngà, đồi mồi gồm một số đồ ngự dụng và đồ dùng hoàng gia, đồ trang trí làm từ ngà, đồi mồi,… nhiều hiện vật có bề mặt bị bẩn, ố vàng, một số hiện vật bị dính nhiều đất bẩn và các tạp chất (do mối xông) ở các chi tiết trạm trổ. Lớp keo và mực ghi số kiểm kê cũ đã bị lão hóa, biến đổi màu sắc trên bề mặt hiện vật.

Nhóm hiện vật đa chất liệu.

Nhóm hiện vật này bao gồm bốn vương miện, một số bảo kiếm, khay ngà bịt vàng... Bảo kiếm có lưỡi là hợp kim sắt, chuôi bằng hợp kim vàng hoặc ngọc nạm đá quý, bao kiếm là gỗ bọc vàng và đồi mồi bên ngoài. Vương miện được làm từ vải sợi, đồi mồi, hợp kim vàng, đá quý,… đây là nhóm hiện vật bị hư hại nặng nhất.

Nhóm bảo kiếm cũng ở trong tình trạng rất kém, toàn bộ phần bao kiếm bằng gỗ và đồi mồi đã bị mối xông, nhiều vị trí bị mủn, bở hoàn toàn, phần lưỡi kiếm bị oxi hóa tạo ra các lớp sản phẩm ăn mòn dẫn đến tăng thể tích, làm cho lưỡi kiếm dính chặt vào bao kiếm không rút ra được; các chi tiết bằng vàng ở bao kiếm và chuôi kiếm bị oxi hóa toàn bộ, bề mặt bám đầy bụi bẩn và các tạp chất

Nhóm hiện vật chất liệu gốm sứ bao gồm một số đĩa gốm men Nhật Bản nhiều màu, đây là nhóm hiện vật có tình trạng khá tốt và ổn định.

Sau khi tiếp nhận bộ sưu tập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khẩn chương thực hiện các công việc cần thiết để có thể bảo quản lâu dài bộ sưu tập phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như giới thiệu di sản quí giá này đến với công chúng. Về công tác bảo quản, chúng tôi đã thực hiện các bước sau:

- Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình trạng chung của bộ sưu tập.

- Xác định những hiện vật cần bảo quản cấp thiết.

- Trên cơ sở đó xây dựng các phương án bảo quản.

- Thảo luận, thống nhất phương án bảo quản đối với từng hiện vật cụ thể.

- Tiến hành bảo quản hiện vật theo phương án đã được thống nhất.

- Trong quá trình bảo quản, tư liệu hóa quá trình thực hiện: Chụp ảnh hiện vật, ghi chép lại quá trình trước, trong và sau khi hoàn thành việc bảo quản.

- Sau khi bảo quản, bộ sưu tập được lưu giữ trong một kho đặc biệt với đầy đủ các thiết bị cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn cho hiện vật, cũng như kiểm soát môi trường để bảo quản lâu dài bộ sưu tập bảo vật Triều Nguyễn.

Nghiên cứu đánh giá tình trạng hiện vật

Sau khi kế hoạch, phương án bảo quản đã được phê duyệt, chúng tôi tiến hành bảo quản hiện vật và đã thu được những kết quả nhất định. Xin được giới thiệu qui trình thực hiện bảo quản 400 hiện vật có minh văn thuộc sưu tập Bảo vật triều Nguyễn trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện:“Giải minh văn trên các bảo vật Triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia” như sau:

a. Nhóm hiện vật chất liệu kim loại.

- Làm sạch hiện vật, loại bỏ các tạp chất làm ố, xỉn bề mặt hiện vật: sử dụng các dụng cụ làm sạch chuyên dụng kết hợp với máy siêu âm và các loại dung môi (Ethanol, Ethanol/nước, Axetone,…), các dung dịch EDTA, Thiourea,... để làm sạch, loại bỏ vết ố, xỉn, trả lại bề mặt nguyên gốc cho hiện vật.

- Loại bỏ số kiểm kê cũ không phù hợp: sử dụng tăm bông tẩm các dung môi Axetone, Ethanol, White spirite, để loại bỏ dần các vết mực và keo cũ. Một số hiện vật có lớp mực bám chắc hơn thì kết hợp với các dụng cụ cơ học và máy siêu âm để làm sạch.

- Làm phẳng các hộp bạc, trang kim sách bị nhăn, cong vênh, móp méo: sử dụng các dụng cụ nắn chính từng chi tiết lồi lõm, móp méo có kích thước nhỏ trước, sau đó nắn chỉnh các mảng lớn hơn, cuối cùng, nắn chỉnh tổng thể hiện vật và lựa chọn ép phẳng một số hiện vật. Tất cả các can thiệp cơ học này đều được thực hiện gián tiếp qua một lớp vải lót để tránh gây xước bề mặt hiện vật.

- Nắn chỉnh các khuyên tròn chốt gáy sách bị móp méo: chế tạo các trục hình trụ có đường kính rộng gần bằng đường kính mặt trong của các khuyên tròn. Sử dụng các dụng cụ (kìm, panh kẹp, ê tô,…) để nắn chỉnh tạo đường tròn một cách tương đối, sau đó, làm tròn khuyên dựa vào các trục hình trụ. Các tao tác này cũng được thực hiện gián tiếp qua một lớp vải lót để tránh trầy xước bề mặt hiện vật.

- Sửa chữa, gắn chắp các bản lề, núm khóa bị hỏng của một số hộp đựng kim sách: nắn chỉnh, cố định các chốt bị cong vênh; các bản lề và chốt bị bong ra hoặc quá lỏng lẻo được gia cố gắn chắp bằng keo Paraloid B72 45%.

- Ức chế ăn mòn hiện vật: đối với hiện vật chất liệu đồng, nhằm hạn chế sự ăn mòn do tác động của môi trường và các tạp chất, chúng tôi xử lý bề mặt hiện vật bằng dung dịch Benzotriazole 3% (dung môi là ethanol).

- Làm khô hiện vật: Nước là môi trường thúc đẩy các phản ứng ăn mòn xảy ra, do vậy, cần phải loại bỏ nước sau khi xử lý một cách triệt để. Làm khô hiện vật cũng là một công đoạn bắt buộc trước khi tạo lớp màng polymer trên bề mặt hiện vật nhằm tránh hiện tượng lớp màng phủ bị mờ đục, cũng như tăng tính hiệu quả của lớp phủ. Chúng tôi thường dùng tủ sấy để sấy khô hiện vật hoặc nhúng hiện vật qua các dung dịch ethanol, axetone sau đó để làm khô tự nhiên.

- Tạo lớp màng polymer bảo vệ bề mặt hiện vật: Nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc của hiện vật với môi trường bên ngoài, toàn bộ bề mặt của hiện vật được phủ một lớp Paraloid B72 (nồng độ từ 1- 3% tùy từng loại bề mặt hiện vật), đây là một loại polymer tổng hợp trong suốt, độ ổn định cao, không biến màu theo thời gian; đặc biệt, đây là một loại keo thuận nghịch nên có thể loại bỏ an toàn khỏi hiện vật khi cần thiết.

- Ghi lại số kiểm kê theo nguyên tắc khoa học: Số kiểm kê được ghi có kích thước phù hợp với kích thước hiện vật, vị trí ghi số không bị lộ rõ khi trưng bày nhưng có thể dễ dàng quan sát mà không phải quay, lật hiện vật nhiều. Nhằm hạn chế sự tác động của mực (màu) ghi số lên hiện vật và dễ dàng loại bỏ chúng khi cần, chúng tôi sử dụng dung dịch Paraloid B72 10% tạo một lớp lót hình chữ nhật trên bề mặt hiện vật, sau đó, dùng màu acylic ghi số kiểm kê lên trên lớp lót và kết thúc là một lớp phủ Paraloid B72 10% lên trên bề mặt khu vực ghi số để bảo vệ tránh sự bay màu, bong tróc.

b. Nhóm hiện vật chất liệu ngọc, đá quý.

- Dùng máy hút bụi và chổi mềm làm sạch khô toàn bộ hiện vật.

- Làm sạch các vết bẩn và tạp chất bám trên trên bề mặt hiện vật: sử dụng que tre, bông y tế và các loại dung môi (ethanol/nước, ethanol, axetone) nhẹ nhàng làm sạch bề mặt hiện vật

- Loại bỏ số kiểm kê cũ không phù hợp: sử dụng một số dụng cụ cơ học, kết hợp với các loại dung môi (ethanol, axetone), loại bỏ một cách nhẹ nhàng lớp keo và mực cũ.

- Sử dụng máy siêu âm và các dụng cụ bảo quản chuyên dụng để loại bỏ đất bẩn và các tạp chất bám chặt trong khe và khoang trống giữa các chi tiết chạm trổ.

- Gia cố các hiện vật bị rạn nứt: sử dụng dung dịch paraloid B72 nồng độ thấp bơm từ từ vào các vị trí bị rạn nứt để gia cố tăng độ bền vững.

- Gắn chắp các mảnh vỡ: sắp xếp các mảnh vỡ theo đúng thứ tự, vị trí; sau đó, sử dụng keo paraloid B72 45% gắn các mảnh vỡ lại với nhau, cố định vết gắn trong 24 giờ để keo gắn khô hoàn toàn, cuối cùng, loại bỏ phần keo dư (nếu có) xung quanh vết gắn.

- Ghi lại số kiểm kê theo nguyên tắc khoa học.

c. Nhóm hiện vật chất liệu ngà, đồi mồi.

- Dùng máy hút bụi và chổi mềm làm sạch khô toàn bộ hiện vật.

- Sử dụng các dung môi (ethanol/nước, ethanol), que tre, bông y tế, nhẹ nhàng làm sạch bề mặt hiện vật

- Loại bỏ các vết ố vàng trên hiện vật ngà: Sử dụng ethanol/nước, ethanol, xà phòng trung tính, que tre, bông y tế và một số dụng cụ cơ học để làm sạch.

- Loại bỏ số kiểm kê cũ không phù hợp.

- Gia cố các vị trí xốp, yếu.

- Ghi lại số kiểm kê theo nguyên tắc khoa học.

d. Nhóm hiện vật đa chất liệu.

Nhóm vương miện và bảo kiếm đã được bảo quản, phục chế trong một dự án lớn riêng biệt với sự tham gia của các cán bộ thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (cũ), các nhà nghiên cứu lịch sử, các nghệ nhân kim hoàn, các họa sỹ sơn mài…

e. Nhóm hiện vật gốm sứ.

Nhóm hiện vật này khá ổn định và bền vững nên chúng tôi tiến hành làm sạch bụi bẩn, loại bỏ số kiểm kê cũ không phù hợp và ghi lại số kiểm kê mới.

Toàn bộ hiện vật sau khi bảo quản được tả về lưu giữ trong kho đặc biệt và sẵn sàng cho các công tác nghiên cứu và phát huy giá trị của chúng.

Hình ảnh một số hiện vật trước và sau bảo quản:

Một vài suy nghĩ qua công tác bảo quản sưu tập bảo vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngay từ những ngày đầu khi được tiếp xúc với bộ sưu tập để nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi không khỏi xúc động trước một di sản quí giá của dân tộc và xót xa khi nhìn thấy nhiều hiện vật đã bị hư hại, xuống cấp, trong đó, có một số hiện vật bị hư hại rất trầm trọng không thể bảo quản, phục hồi nguyên trạng được nữa. Có thể thấy, nguyên nhân chính của những hư hại này do công tác bảo quản phòng ngừa bộ sưu tập trên không được thực hiện trong suốt một thời gian dài. Điều này có thể lý giải là do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh kéo dài, sự thiếu thốn về kinh tế hay sự quan tâm đến di sản chưa đúng mức. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có đủ điều kiện để thực hiện tốt công tác bảo quản phòng ngừa, do vậy, trước tiên cần tập trung nguồn lực cho công tác bảo quản phòng ngừa (kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, không khí, ánh sáng, côn trùng; sắp xếp hiện vật khoa học, an toàn; đảm bảo an ninh,…) để tránh lặp lại những hư hại trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngành khoa học bảo quản tại các bảo tàng ở nước ta còn khá mới mẻ, khái niệm bảo quản hay bảo quản phòng ngừa tuy không mới lạ song chưa phải đã được hiểu đúng và thấu đáo. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả công việc, chúng ta nên quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nên tiếp tục cử cán bộ bảo tàng tham gia đào tạo trung và dài hạn tại các nước tiến tiến về bảo quản hiện vật. Cùng với đó thông qua các dự án hợp tác quốc tế, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về công tác bảo quản phòng ngừa và quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ bảo tàng nói chung và đặc biệt là những cán bộ trực tiếp quản lý kho hiện vật, cán bộ bảo quản nhằm nâng cao kiến thức cũng như nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo quản hiện vật.

Bảo quản hiện vật bảo tàng là một lĩnh vực đa ngành, không chỉ bảo quản các giá trị vật thể mà còn bảo tồn cả những giá trị phi vật thể của hiện vật, những câu chuyên lịch sử gắn với mỗi cổ vật, bảo tồn những kỹ thuật truyền thống đã tạo tác nên những hiện vật như kỹ thuật kim hoàn, làm gốm, dệt lụa, sơn thếp,…. Do vậy, ngoài việc đầu tư đào tạo chuyên sâu cho từng cán bộ bảo quản, để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo quản đặt ra chúng ta cần phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, các nghệ nhân làng nghề truyền thống. Thành công trong việc bảo quản các vương miện và bảo kiếm triều Nguyễn hay dự án tu sửa, phục dựng sưu tập gỗ sơn thếp thế kỷ XVIII- XIX do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện là những ví dụ cho việc kết hợp giữa các nhà khoa học xã hội, chuyên gia bảo quản hiện vật bảo tàng, các nghệ nhân làng nghề truyền thống.

Vũ Văn Dương – Nguyễn Thị Hương Thơm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức vòng thi phỏng vấn tuyển thành viên đợt I năm 2015

Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức vòng thi phỏng vấn tuyển thành viên đợt I năm 2015

  • 27/04/2015 18:14
  • 1483

Ngày 25/04/2015, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tại hội trường tầng 2, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Câu lạc bộ Tình nguyện viên BTLSQG đã tổ chức vòng thi phỏng vấn tuyển chọn thành viên đợt I năm 2015 nhằm củng cố và phát triển mạng lưới truyền thông trung gian cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.