Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sáng 14/5 BTLSQG đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”. Đây là lần đầu tiên họa tiết sen trên cổ vật được đưa ra trưng bày giới thiệu với công chúng. Trưng bày mở của từ ngày 14/5 đến hết tháng 9/2015 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu khai mạc trưng bày "Sen trên cổ vật".
Tham dự cắt băng khai mạc chương trình có sự hiện diện của ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; PGS.TS. Đỗ Văn Trụ - Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa; ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Công đoàn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Trưởng đại diện một số tổ chức phi Chính phủ nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam như: Canada, Mỹ, Thái Lan...; ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tham dự khai mạc trưng bày còn có sự góp mặt của các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ hưu trí, đại diện các bảo tàng bạn, các cơ quan truyền thông báo chí trung ương và địa phương, cùng toàn thể cán bộ viên chức người lao động BTLSQG.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”.
Như chúng ta đã biết, Sen là một loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, cao quý, thanh tao; cho ý chí vươn lên. Người Việt đã dành cho hoa sen một câu nói rất dung dị nhưng đầy ý nghĩa: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có lẽ chính vì vậy, hoa sen trở thành một đề tài phổ biến trong nghệ thuật trang trí Việt Nam. Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hình ảnh sen xuất hiện trong các trang trí kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình. Trên các chất liệu từ đơn giản như gỗ, vải, gốm, đến những chất liệu quý như ngọc, vàng, bạc… hình tượng sen cũng được thể hiện với những đường nét chạm trổ, thêu, vẽ tinh tế.

khách mời tham quan trưng bày “Sen trên cổ vật”.
Với khoảng 100 hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được chia thành 5 nhóm, đây là những hiện vật mà theo đánh gia của TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG là “những hiện vật tiêu biểu trong nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam”.
- Nhóm Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn tiêu biểu có những hiện vật như: Đôi chân nến hình khóm sen, thế kỷ 19-20; ống bút đúc nổi hình hoa sen, thế kỷ 19-20…

Ấm bạc đúc nổi hoa sen - rồng - cúc - phượng - trúc - rùa, đồ dùng trong cung đình triều Nguyễn, thế kỷ 19.
- Nhóm Sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng tiêu biểu có những hiện vật như: Tượng Phật Thích Ca sinh từ hoa sen làm bằng gỗ sơn, có từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18; Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen đồng khảm tam khí, có từ thời Nguyễn, thế kỷ 19-20….

Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen đồng khảm tam khí, thế kỷ 19-20.
- Nhóm Sen trên vật liệu kiến trúc, tại cuộc trưng bày tiêu biểu có Bệ đá kê chân cột trang trí hoa sen tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh, năm 1057 (thời Lý); Miệng giếng chạm nổi bằng đất nung thế kỷ 13 - 14...

Bệ kê chân cột trang trí hoa sen, tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh, năm 1057 (thời Lý)
- Nhóm Sen trong đời sống xã hội: không chỉ xuất hiện trong phật giáo và cung đình, hình ảnh sen còn được thể hiện phong phú và đa dạng trên các hiện vật đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như bình, ấm, hũ, chân đèn, đĩa…

Ấm đúc nổi băng cánh sen, thế kỷ 17-18.
- Tranh thêu với các đề tài như: Sen - cò; hoa sen - vật báu.

Sen – hạc thêu trên lụa, thời Nguyễn (1935).
Bộ sưu tập tại trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật” đã phản ánh sự đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu cùng với những giá trị nghệ thuật gắn với quyền lực, với tâm linh và với đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trưng bày là cơ hội để khách tham quan chiêm ngưỡng những giá trị độc đáo, những giá trị mà cha ông đã dày công sáng tạo nhằm hướng đến Chân - Thiện - Mỹ.
Tin, ảnh: Thu Nhuần – Nguyễn Hương