Sưu tập hiện vật điêu khắc đá Chăm và Khơme tại BTLSQG chiếm một số lượng lớn, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên hiện nay các sưu tập hiện vật này đang bị xuống cấp do tác động bên ngoài và kỹ thuật bảo quản còn nhiều hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, BTLSQG lên kế hoạch cho dự án hợp tác với Viện Viễn Đông Bác cổ (EFO) trong việc phân tích hiện vật đá, từ đó có kế hoạch bảo quản tốt hơn.
Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, chiều ngày 04/03/2015 tại BTLSQG đã diễn ra buổi thuyết trình “Các yếu tố về công tác bảo tồn tượng và về phân tích chất liệu đá hình thành”. Chương trình do TS. Christian Fiescher, Viện Khảo Cổ học Costen, Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ và Ông Bertrand Porte, Chuyên gia bảo tồn điêu khắc Viện Viễn Đông Bác cổ tại Campuchia chủ trì. Đây là một hoạt động trong chương trình làm việc tại BTLSQG diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 02 - 04/3/2015). Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đại diện các Trưởng, Phó phòng, các cán bộ chuyên môn của BTLSQG và sinh viên, tình nguyện viên.
Trong buổi thuyết trình các chuyên gia đã giới thiệu kết quả bảo quản hiện vật điêu khắc đá Chăm và Khơme bằng phổ kế (phương pháp phân tích không xâm lấn) và phương pháp chụp quang phổ mà họ đã thực hiện tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; Bảo tàng quốc gia Campuchia và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là hai thiết bị giúp phân tích thành phần, cấu tạo, niên đại của chất liệu (chủ yếu là đá)… cũng như xác định được nguyên nhân gây ăn mòn các hiện vật đá mà không cần lấy mẫu hiện vật (không xâm lấn hiện vật), từ đó đưa ra được những biện pháp bảo quản hiện vật tốt hơn.
Hiện nay nhiều bộ sưu tập hiện vật đặc biệt là sưu tập hiện vật đá Chăm và Khơme tại BTLSQG gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo quản do nhiều yếu tố như khí hậu, cơ sở vật chất… Chính vì vậy hai phương pháp trên mở ra một triển vọng mới cho việc bảo quản những hiện vật đá hiện đang được lưu giữ tại BTLSQG.
Một số hỉnh ảnh trong chương trình làm việc :

TS. Christian Fiescher (trái) và Ông Bertrand Porte (phải) quan sát hiện vật điêu khắc đá trưng bày ngoài trời, BTLSQG.

Bệ đỡ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sau khi tiến hành phân tích chất liệu và bảo quản.

Kết quả phân tích hiện vật đá (tại Bảo tàng quốc gia Campuchia).

Kết quả phân tích hiện vật BTLSVN (TP.HCM) và hiện vật ở Phnom Da (Campuchia).

Linga tại BTLSQG, hiện vật sẽ được tiến hành phân tích chất liệu để có biện pháp bảo quản tốt hơn.
Tin, ảnh: Thu Nhuần