Thứ Hai, 21/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/03/2025 14:03 305
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ, tập hợp lực lượng quần chúng tạo nên sức mạnh đoàn kết, là nền tảng vững chắc cho những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử”. Trưng bày giới thiệu hơn 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, thể hiện những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ sáng suốt; những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là nhóm sưu tập hiện vật của nhân dân tham gia, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng từ 1930 đến 1945.

 

Một góc trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
 
 
Nhóm sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Công đoàn thực hiện bài tập nhóm môn Lịch sử Đảng tại BTLSQG.
Những vật dụng đơn giản trong gia đình như chiếc đèn đất, chiếc nồi hay chiếc đèn pin… có lẽ không còn xa lạ với chúng ta ngày nay. Nhưng hơn 90 năm trước, trong thời kỳ đầy khó khăn, đó lại là những vật dụng giá trị mà không phải gia đình nào cũng mua được. Tuy vậy, với niềm tin vào đường lối của Đảng và lòng yêu nước, không ít gia đình đã sẵn sàng mang những vật dụng giá trị ấy để sử dụng trong quá trình nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. Họ không chỉ chia sẻ vật chất mà còn gửi gắm vào đó niềm tin tự do, độc lập.
 
Nhóm hiện vật là vật dụng sinh hoạt mà nhân dân sử dụng để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng trong giai đoạn 1930-1945 tại trưng bày chuyên đề.
Minh chứng rõ ràng cho những đóng góp đó là câu chuyện của gia đình cụ Kháng tại xóm Hòa Lạc, xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong những năm 1939-1945, gia đình Cụ là cơ sở cách mạng, nơi lui tới của các đồng chí lãnh đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, khu ủy D và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và là nơi nuôi dưỡng, che chở các nhà hoạt động cách mạng. Chiếc phạn đựng cơm của gia đình được sử dụng để phục vụ các nhà hoạt động cách mạng. Phạn làm bằng gỗ hình quả dừa, màu nâu sẫm, tình trạng hiện vật đã cũ, được cố định dây thép ở miệng.
 
 
 Phạn (đựng cơm). Gia đình cụ Đặng Thị Kháng, xóm Hòa Lạc, xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc dùng đựng cơm cho các đồng chí Xứ ủy Bắc kỳ… từ 1939-1945 được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử” tại BTLSQG.
Hay tại gia đình bà Trần Thị Khánh, vợ đồng chí Hoàng Văn Tuệ ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cũng là một cơ sở cách mạng. Gia đình ông bà có một chiếc đèn đất mua tại một hiệu buôn ở Hà Nội vào tháng 5/1937. Chiếc đèn được gia đình sử dụng khi gió bão. Từ năm 1939 đến năm 1940, gia đình đã sử dụng chiếc đèn thắp sáng để cán bộ cách mạng in truyền đơn và tài liệu mật. Năm 1941, cơ sở cách mạng Xuân Lội (hay còn gọi là Bến Vượt) hình thành, cách gia đình ông bà khoảng 8km. Đây là cơ sở cách mạng thứ hai dưới vỏ bọc là nơi sản xuất chè. Ở đây, địa hình xung quanh đều có núi rừng bao bọc, tương đối kín đáo nên các đồng chí Nguyễn Thành Diên, Trần Quý Kiên, Trần Văn Cầu đã ở lại để hoạt động, gia đình ông bà đã đem chiếc đèn cho các đồng chí sử dụng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, các nhà hoạt động cách mạng bị truy lùng gắt gao nên tất cả gia đình phải trốn vào chiến khu “Phục Cổ” hay còn gọi là chiến khu Vạn Thắng B. Khoảng tháng 6 năm 1945, chiếc đèn được ông Hoàng Văn Phiến, là em trai của đồng chí Hoàng Văn Tuệ cất giữ vào bảo quản. Năm 1965, khi cán bộ Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đi khảo sát các di tích thời kỳ cách mạng 1939-1945, ông Hoàng Văn Phiến đã đem chiếc đèn tặng lại cho Bảo tàng.
  

Đèn đất của gia đình bà Trần Thị Khánh, vợ đồng chí Hoàng Văn Tuệ ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử” tại BTLSQG 

Ngoài cụ Kháng ở Vĩnh Phúc, bà Khánh ở Phú Thọ ở các địa phương khác nhân dân cũng sẵn sàng hỗ trợ cách mang. Như tại Bắc Ninh, khi các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng hoạt động tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cụ Đám Thi, một người dân trong làng, đã dùng chiếc mâm đồng để dọn cơm cho các đồng chí ăn. Còn tại thôn Cẩm Giàng, gia đình cụ Tiệp cũng đã dùng chiếc nồi đồng để nấu cơm cho đồng chí Hoàng Quốc Việt trong thời gian đồng chí hoạt động tại đây. Tại Cao Bằng trong những năm 1942-1943, khi phong trào cách mạng ở đây bị khủng bố gắt gao, các đồng chí lãnh đạo phải lẩn trốn trong rừng để tiếp tục hoạt động. Trong thời điểm đó, diêm rất khan hiếm và đắt đỏ, hơn nữa việc sử dụng diêm không bảo đảm bí mật, vì thế, bà Nông Thị Den ở Kéo Yên, Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã đưa cho đồng chí Võ Nguyên Giáp một chiếc bật lửa để sử dụng. Chiếc bật được làm thủ công với cối làm bằng sừng trâu và chày làm bằng gỗ…khá độc đáo không chỉ nói lên câu chuyện về sự chia sẻ, đùm bọc, nuôi giấu cán bộ cách mạng mà nó còn mang đến cho người xem, nhất là thế hệ trẻ sự thú vị, tìm tòi khám phá về kỹ thuật chế tác “bật lửa” nay nó đã không còn hiện hữu trong đời sống mà được thay thế bởi những vật dụng tạo sáng hiện đại, qua đó hiểu hơn về đời sống sinh hoạt của người dân nước ta nửa đầu thế kỷ XX.
 
Nồi của gia đình cụ Tiệp ở thôn Cẩm Giàng, Từ Sơn, Bắc Ninh dùng nấu cơm cho đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 1940 được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử” tại BTLSQG.
 
Bật lửa tự chế của bà Nông Thị Den ở Kéo Yên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đưa cho đồng Võ Nguyên Giáp dùng năm 1942, 1943 được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Đảng cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử” tại BTLSQG.
Trong hoàn cảnh khó khăn, khi mà sự thiếu thốn về vật chất khiến cho mọi nguồn lực trở nên quý giá, nhân dân đã không ngần ngại hiến tặng vật dụng của mình để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. Những vật dụng đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày, đã trở thành “sợi dây” kết nối trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mỗi hiện vật, mỗi con người, mỗi câu chuyện trong trưng bày là những minh chứng sâu sắc cho sự đóng góp của nhân dân, những con người đã sẵn sàng hiến dâng tính mạng, tài sản cho lý tưởng của Đảng. Những câu chuyện này không chỉ khắc họa lòng yêu nước mà còn là bài học quý giá về sự hy sinh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Thu Nhuần

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8853

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Cuốn sổ tay của dân công tỉnh Phú Thọ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

Cuốn sổ tay của dân công tỉnh Phú Thọ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

  • 06/09/2024 09:04
  • 1668

Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có cuốn sổ tay của một dân công thuộc Tiểu đội xe thồ Phú Thọ II, tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Cuốn sổ tay), tham gia vận tải cho chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.