Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/09/2024 09:04 252
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có cuốn sổ tay của một dân công thuộc Tiểu đội xe thồ Phú Thọ II, tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Cuốn sổ tay), tham gia vận tải cho chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Sổ có số đăng ký 4701/Gy3202, kích thước: 13,5 x 18cm, dày 34 trang, bìa ngoài bọc vải đen, nền giấy kẻ dọc, trang đầu và cuối dán vào bìa, các trang đều được ghi chép với ba màu mực: xanh, xanh đen và tím. Cuốn sổ được đồng chí Bùi Quý Bảy - Phó trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) sưu tầm nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1964).

Cuốn sổ ghi chép những hoạt động của nhóm dân công như: ngày phát số lượng nhận phụ tùng xe đạp; nội dung các lần họp, nội quy, quy định khi tham gia chiến dịch; ngày, số lượng, danh sách mua thực phẩm và nhu yếu phẩm, trong đó nhiều nhất là ghi chép về số lượng gạo qua các đợt vận chuyển. Những ghi chép đó giúp người đọc phần nào hiểu thêm về cuộc sống dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
 
Một trang nội dung cuốn Sổ tay của dân công tỉnh Phú Thọ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954
Thời gian ghi chép bắt đầu từ tháng 2/1954. Theo nội dung ghi chép được biết, người ghi chép cuốn sổ tên Văn Chung - Tổ trưởng Tiểu đội xe thồ Phú Thọ II, thuộc Trung đội II Thanh Ba (nay thuộc thị xã Phú Thọ). Đội có 12 thành viên, chia theo nhóm tam giao gồm: Thức - Hồ - Bang (Bàng); Ninh - Thành - Thêm; Chung - Cho - Đạo; Thanh (Thành) - Hàm - Trường, có nhiệm vụ vận chuyển gạo từ Phú Thọ đến Yên Bái qua các điểm Yên Bình, Hào Gia, Lũng Lô. Ngoài các thành viên, đoàn còn có y tá và chữa xe.
Ghi chép cho biết, dân công khi tham gia chiến dịch phải tuân thủ nội quy, kỷ luật trú quân: Ngày 26/2/1954 (bảo mật): “Thời gian biểu: Từ 5 đến 7giờ sáng: nấu ăn và rửa mặt (phải ra suối). Từ 7 giờ sáng đến 5giờ chiều tuyệt đối không được phát hỏa; Phơi quần áo ở trong nhà; Phân tán xe và hàng ra những nơi kín đáo; che đậy ngụy trang cẩn thận; Ban ngày không được đi lại quá phạm vi trú quân
Thông qua nội dung, dễ dàng nhận thấy hàng hóa (chủ yếu là gạo) được ghi chép nhiều nhất, gạo được kiểm soát chặt chẽ từ số gạo ngày nhận, số gạo ngày giao, số gạo hao hụt. Thống kê theo nội dung ghi chép có các đợt giao nhận như sau:
Nhận cây số 4 (không ghi ngày)
Nhận ngày 26/3 1954 giao ngày 1/4/1954 
Nhận ngày 4/4/1954 giao ngày 9/4/1954 
Nhận ngày 11/4/1954 giao ngày 15/4/1954  
Lĩnh hàng chuyến thứ 7 (không rõ ngày nhận) giao ngày 23/4/1954
Nhận ngày 28/4/1954 giao ngày 2/5/1954
Nhận ngày 6/5/1954 giao ngày 11/5/1954
Nhận ngày 14/5/1954 không ghi ngày giao.
Sau mỗi đợt vận chuyển đều được tổng kết, đánh giá số lượng, kỷ luật hành trú quân, bảo mật, bảo vệ của công: “Họp ngày 24/4/1954 tổng kết đánh giá trung bình các chuyến: Chuyến thứ nhất 98kg; chuyến thứ hai 100kg; chuyến thứ ba 110kg; chuyến thứ tư trung bình 123kg, đặc biệt có đồng chí tải được 222kg. Tuy nhiên có tình trạng lấy gạo nấu chè, để lại gạo khi giã để ăn”
Ghi chép họp ngày 5/5/1954:
+ Mức quân bình 169kg
+ Kỷ luật hành trú quân không đúng
+ Kỷ luật bảo mật không đúng
+ Bảo vệ của công không được chu đáo (để gạo bị ướt)
Bên cạnh những ghi chép về nội quy, hàng hóa, sổ còn ghi chép ngày mua lương thưc, thực phẩm. Ngoài danh mục cơ bản như: cá mắm, trứng, cà mỡ, gạo… thì không thể thiếu thuốc lào. Vì dân công khi đó chủ yếu là nông dân, nhiều người hút thuốc lào, do đó ngoài đảm bảo lương thực, thực phẩm thì thuốc lào còn là nhu cầu thiết yếu.
Khi tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, trong hồi ký Điện Biên - Điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới".  Xe đạp thời kỳ này được huy động đến mức tối đa, mặc dù không phải là phương tiện chuyên chở, nhưng được cải tiến thành phương tiện có thể chuyên chở hàng hóa. Tính ưu việt của xe đạp thồ ngoài năng suất hơn dân công gánh bộ còn có thể hoạt động được trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể hoạt động được. Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương về công tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, số 893-BC, ngày 10 tháng 7 năm 1954 cho biết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ “xe đạp thồ giữ vai trò khả quan trong nhiều đoàn tổ chức chặt chẽ, nhất là các công đoàn ở các thị trấn. Xe đạp đã chiếm hơn 1/3 tổng số trọng lượng vận chuyển. Trong tình hình hiện tại và hoàn cảnh nước ta, từ nay cần chú trọng đặc biệt đến lực lượng vận tải này, tăng cường tổ chức lãnh đạo” (Lê Mậu Hãn, 2004:878). Báo cáo cũng cho biết, trong chiến dịch lịch sử, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã đóng góp hơn 260.000 dân công, 20.991 xe đạp thồ và hàng chục ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ và bán thô sơ khác: 25.004 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng ngàn tấn thực phẩm khác…
 
Trang viết trong sổ tay có nội dung bài thơ
Theo thời gian, những con số, những dòng chữ đã cũ nhòe song điều đó luôn làm cho người đọc mường tượng về những đoàn dân công với phương tiện xe đạp thô sơ, nhưng bằng tinh thần khẩn trương và kỷ luật chặt chẽ đã góp phần vận tải quân lương, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu xe đạp thồ với trang bị thô sơ nhưng có thể vận chuyển hàng hóa với số lượng khổng lồ đã viết nên thành “huyền thoại”, thì ở một khía cạnh nào đó những thông tin ít ỏi trong cuốn sổ cũng giúp người xem hiểu thêm về cuộc cuộc sống dân công trong điều kiện khó khăn thiếu thốn nhưng với quyết tâm đảm bảo cho bộ đội có đủ cơm ăn và đạn dược, góp công vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử như tinh thần trong bài thơ anh chị em dân công đã viết trong cuốn Sổ tay:
“Chúng ta phục vụ tiền phương
Quyết tăng năng suất tiếp lương cho nhiều
Lương nhiều bộ đội được no
Đánh tây thua lớn Nava co vòi
Điện Biên ta tiến lên thôi
Thu Nhuần
Tài liệu tham khảo:
1. BTLSQG,Sổ tay của dân công tỉnh Phú Thọ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
2. BTLSQG, Hồ sơ hiện vật.
3. Lê Mậu Hãn (chủ biên) 2004, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ Văn kiện Đảng, Nhà nước, nxb Chính trị Quốc gia)

1.  

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7794

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Sưu tập hiện vật về Tổng Bí thư Trường Chinh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Sưu tập hiện vật về Tổng Bí thư Trường Chinh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

  • 02/10/2023 15:10
  • 1525

Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927, đồng chí Trường Chinh là một trong những người tiên phong trong công tác vận động thành lập Đảng và là một trong những chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).