Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/05/2023 08:59 3419
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cuối năm 1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn "Lịch sử nước ta" bằng văn vần, dễ đọc, dễ hiểu để phát hành rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Tháng 2 - 1942, tác phẩm "Lịch sử nước ta" được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản lần thứ nhất.

 
Ảnh trang bìa của tác phẩm "Lịch sử nước ta"
Tác phẩm "Lịch sử nước ta" năm 1942 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được cụ An Định (tức Triều) ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng lưu giữ và trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1967. Cụ An Định là người tiếp đón và sắp xếp chỗ ở cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người đến Lam Sơn, Hòa An, Cao Bằng. Tác phẩm được in typo trên giấy dó, kích thước 13cm x 10cm. Đây là tập diễn ca lịch sử gồm 14 trang văn vần, 6 trang ký họa chân dung các Anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám.
 
 Hình vẽ minh họa trong tác phẩm "Lịch sử nước ta"
Với 210 câu lục bát, 30 mốc lịch sử quan trọng từ thời Hồng Bàng, năm 2879 trước Công nguyên, đến Nam kỳ khởi nghĩa và kết thúc là Việt Nam độc lập, năm 1945, tác phẩm đã khái quát những mốc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam theo lối diễn ca lịch sử, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng. Mở đầu tác phẩm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định tầm quan trọng của lịch sử dân tộc:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.

Khi ra đời, tác phẩm chỉ được lưu hành trong vòng bí mật, nhưng ngay sau đó đã trở thành tài liệu tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân cả nước đồng lòng tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tác phẩm đã điểm lại những mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc. Sau cùng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân tích diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới cuối năm 1941 và đưa ra những nhận định:
“…Bây giờ Pháp mất nước rồi,
 Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
 Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
 Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
 Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.
 Ấy là dịp tốt cho ta,
 Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông."
Người luôn đề cao sức mạnh đoàn kết toàn dân, coi đó là trung tâm của cuộc vận động cách mạng:
 "...Hỡi ai con Rồng cháu Tiên!
 Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
 Bất kỳ nam nữ nghèo giàu,
 Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
 Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
 Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta..." 
Phần kết của tác phẩm "Lịch sử nước ta" năm 1942,lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định nhân tố quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi đó là sự quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh):
 "... Trên vì nước, dưới vì nhà,
 Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh,
 Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh.
 Mai sau sự nghiệp hoàn thành,
Rõ tên Nam Việt rạng danh Lạc Hồng.
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
 Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!".
 Đồng thời, Người đưa ra dự báo thiên tài: Việt Nam độc lập - 1945 ở mục "Những năm quan trọng" tại trang cuối của tác phẩm.
Về thời điểm ra đời tác phẩm: Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ 2 cuốn "Lịch sử nước ta", gồm tác phẩm in lần thứ nhất, năm 1942 và tác phẩm in lần thứ hai được in cùng phụ lục ca kháng chiến. Trên cuốn in lần thứ hai không in năm xuất bản, tuy nhiên có bút tích của cụ Đặng Văn Cáp (tên thật là Đặng Văn Linh) là cơ sở để xác minh thời điểm ra đời của tác phẩm. Cụ Cáp nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, lão thành cách mạng, tham gia tổ chức Thanh niên Việt kiều yêu nước, tham gia thành lập Hội Thân ái, là một trong những người đi theo đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước năm 1941. Những ngày mới về nước ở Pác Bó, Cao Bằng, cụ Cáp được giao nhiệm vụ in tài liệu và giao dịch, vận động đồng bào địa phương giúp đỡ lương thực. Tại trang 5 của tác phẩm in lần thứ hai, cụ Cáp viết bằng bút mực xanh "Bản lịch sử này chính là đồng chí Z viết cuối năm 1941...". Z là mật danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1947, vì vậy có thể xác định tác phẩm "Lịch sử nước ta" do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1941, xuất bản lần thứ nhất vào tháng 2/1942 và xuất bản lần thứ hai năm 1947.
Ngày sau khi tác phẩm ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có bài viết giới thiệu về sách "Lịch sử nước ta" trên trang nhất báo Việt Nam độc lập (cơ quan của Việt Minh Cao Bằng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập) số 117, ngày 1 - 2 - 1942 với tên bài "Nên học sử ta". Như vậy, tác phẩm "Lịch sử nước ta" được viết cuối năm 1941 là có sức thuyết phục.
Sau đó, tác phẩm đã được in và tái bản nhiều lần. Tuy nhiên, ngay trong bản in lần thứ hai (gồm 20 trang) đã có những chữ in sai so với bản in lần thứ nhất ở các trang 11, 14, 16, 18, 20 và đã được cụ Đặng Văn Cáp sửa trực tiếp. Bản in này bổ sung 16 câu lục bát nhưng chưa xác định được là của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay của tác giả nào.
Toàn văn cuốn "Lịch sử nước ta" năm 1942, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 năm 2011 gồm 208 câu:Những chú thích giải nghĩa từ Hán - Việt đều được in lại, bổ sung một vài thông tin cập nhật và chỉnh sửa như: Bản in lần thứ nhất là "Quang Toản" sửa thành "Quốc Toản"; "như nen" thành "như nêm"... cho chuẩn nghĩa. Bên cạnh đó, còn đôi chỗ thiếu và chưa đúng với bản in lần thứ nhất ở các trang: 01, 06, 07, 08. Cụ thể, trang 6 của bản in lần thứ nhất là: "...Đời văn giỏi võ nhiều...", ở bản in mới là "...Đời Trần văn giỏi võ nhiều"; Trang 7 của bản in lần thứ nhất là: "...Bảy mươi năm vạn can qua...", ở bản in mới là "...Bảy mươi năm nạn can qua..."; Trang 8 của bản in lần thứ nhất là: "... Ông đà trí cả mưu cao...", ở bản in mới là "...Ông đà chí cả mưu cao...".
Như vậy, với kết quả tra soát các tư liệu liên quan đến tác phẩm "Lịch sử nước ta" xuất bản lần thứ nhất năm 1942 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đặc biệt với những sai sót, không thống nhất như đã nêu trên cho thấy việc in ấn và phát hành tác phẩm "Lịch sử nước ta" cần tiếp tục được nghiên cứu, kiểm soát để đảm bảo nội dung đúng với bản in lần thứ nhất.
 
Tác phẩm "Lịch sử nước ta" trưng bày tại phòng số 6 Phong trào Việt Minh 1941-1945
Bên cạnh các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận Bảo vật quốc gia như: Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), Đường Kách mệnh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tác phẩm "Lịch sử nước ta" do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản lần thứ nhất tháng 2 năm 1942 có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn học. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thông tin, thẩm định tính nguyên gốc, độc bản của hiện vật để hoàn thiện hồ sơ khoa học cho hiện vật. Đây là cơ sở cho việc tăng tần suất sử dụng hiện vật tại hệ thống trưng bày thường trực và trưng bày chuyên đề, truyền bá nội dung tác phẩm bằng nhiều hình thức, đồng thời phát huy giá trị hiện vật tới công chúng tham quan, đặc biệt là giúp thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa, giá trị của "dân ta phải biết sử ta".

ThS. Lê Hồng Thu

Tài liệu tham khảo:  

1.Báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1/2/2942.  
2.Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 2011, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.  
3.Lịch sử nước ta tháng 2/1942, Việt Minh tuyền truyền Bộ.  
4.Lịch sử nước ta in lần thứ hai.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8076

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Sưu tập hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Sưu tập hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 19/08/2022 13:03
  • 4704

Sưu tập hiện vật, tài liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1941-1945) gồm hơn 1000 hiện vật là sưu tập hiện vật phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Bộ sưu tập này gồm nhiều nhóm hiện vật như: Truyền đơn, báo chí trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (gần 700 hiện vật); Văn bản tài liệu phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh (gần 50 hiện vật); Vũ khí và các phương tiện nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (hơn 60 hiện vật); Hiện vật về các nhà cách mạng (gần 100 hiện vật); Hiện vật về nhân dân nuôi giấu, bảo vệ cách mạng (hơn 100 hiện vật); Tài liệu của địch theo dõi các hoạt động cách mạng của ta (hơn 20 hiện vật)...