Trưng bày chuyên đề “Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 - 19/12/2021 với nhiều tài liệu, hiện vật được lựa chọn là những tài liệu, hiện vật tiểu biểu làm nổi bật thông điệp, ý nghĩa của trưng bày, đặc biệt là những thông tin, câu chuyện từ hiện vật đã làm cho nội dung trưng bày càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc hơn không chỉ trong bối cảnh xã hội đương thời mà còn là bài học quý giá về tầm quan trọng của giáo dục truyền thống lịch sử ngày hôm nay, trong số đó không thể không kể đến hiện vật là những quyển vở bằng mo tre của học sinh trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) dùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thoạt nhìn, về hình thức, những quyển vở không thu hút người xem lắm nhưng với những thông tin, câu chuyện ẩn chứa trong những hiện vật ấy lại sinh động và lôi cuốn hơn rất nhiều. Chính những điều đó đã làm nên giá trị của những hiện vật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa này.
Trở lại lịch sử thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các nhiệm vụ diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu của chính quyền cách mạng non trẻ. Để từng bước thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân, các lớp “bình dân học vụ” đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Những quyển vở được làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời thường như mo cau, bẹ chuối, lá chuối được ép phẳng, phơi khô, đóng thành tập để làm giấy viết đã trở nên phổ biến, quen thuộc thời kỳ này.
Vở học bằng mo tre, bẹ chuối, của học sinh trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954 (hiện vật Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Không trắng tinh, thơm tho, đóng tập chắc chắn như những quyển vở ngày nay chúng ta vẫn thường dùng, thường thấy, những quyển vở mo tre, bẹ chuối thô sơ đã bị vàng ố, rách hỏng nhiều chỗ như một sự tất yếu của thời gian. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những trang vở dường như không có gì đặc biệt đó lại chứa đựng bên trong là câu chuyện sáng ngời tinh thần hiếu học của nhân dân Việt Nam, là minh chứng thuyết phục nhất cho quyết tâm của Đảng và Chính phủ với việc phát triển giáo dục dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, vì phương tiện học tập thiếu thốn nên các học sinh đã sáng tạo bằng cách lấy mo cau, bẹ chuối ép phẳng, phơi khô, đóng thành tập để làm giấy viết. Vở làm từ bẹ chuối (bên trái) có số đăng ký G1708, kích thước dài 15.5cm, rộng 10.5cm màu vàng ngà, bị rách, thủng nhiều lỗ nhỏ. Vở làm từ mo tre hay còn gọi là mo nang (bên phải) có số đăng ký G1708, hiện vật dài 24cm, rộng 9.5cm, màu vàng nâu, được gấp đôi lại, đã bị rách nhiều chỗ. Trên vở viết chữ đen, theo thứ tự hàng thứ nhất viết chữ “tà tà”, hàng thứ hai chữ đầu không rõ, chữ thứ hai “tá”, hàng thứ ba viết chữ “i, t”.
Sau ngày độc lập (2/9/1945) thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cho công tác phát triển giáo dục dù “trong hoàn cảnh éo le chúng ta cũng quả quyết tiến hành”1. Trong 9 năm, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp thích ứng với hoàn cảnh lịch sử để đưa giáo dục Việt Nam đi lên, trước hết là xóa mù chữ; xem giáo dục cũng là một mặt trận chính, là bước cụ thể hóa cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện lâu dài của Đảng và Chính phủ. Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có nền giáo dục hết sức lạc hậu với 90% dân số mù chữ, trước thực trạng đó tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách là “diệt gặc dốt”, theo đó hàng loạt sắc lệnh đã được Chính phủ thông qua, trong đó 3 sắc lệnh được cho là những bước đột phá đầu tiên trong việc xây dựng nền giáo dục mới, cụ thể:
1./ Sắc lệnh số 17, ban hành ngày 8/9/1945 về việc: “Đặt ra một bình dân học vụ trên toàn cõi Việt Nam”2.
2./ Sắc lệnh số 19, ban hành ngày 8/9/1945 yêu cầu: “Trong toàn cõi nước Việt Nam, sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối” và “Trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng đã phải có ít ra là một lớp học dạy được ít nhất là ba mươi người”3.
3./ Sắc lệnh số 20, ban hành ngày 8/9/1945 về việc “học chữ Quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người”. “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”4.
Sau khi các sắc lệnh được ban hành, phong trào toàn dân tham gia bình dân học vụ phát triển khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng, miền biển đến rừng núi xa xôi hẻo lánh. Phong trào đã lôi cuốn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tham gia. Ở các địa phương, từ đình chùa đến cổng làng, bờ ruộng, xưởng máy… nơi nào cũng có thể trở thành lớp học. Vì thiếu thốn nên đồ dùng học tập thường được tận dụng từ đồ dùng hàng ngày như lấy chõng tre thay cho bàn học; bảng có khi là bức tường, cánh cửa hay tấm phản dựng lên. Gạch non, than củi và đất sét làm phấn; bút là nhành cây vót nhọn; lá chuối, bẹ chuối, mo cau dùng thay giấy viết; mực là nước lá cây và quả rừng vắt ra…
Cùng với bình dân học vụ các trường học từ hệ tiểu học, trung học đến đại học bắt đầu khai giảng trở lại. Ở Bắc Ninh, ngày 14/02/1946, Bộ trưởng Bộ giáo dục Vũ Đình Hòe đã ký nghị định thành lập trường Trung học Hàn Thuyên trên cơ sở đổi tên Trường Thành Chung, khóa học đầu tiên có 5 lớp, 5 giáo viên và 200 học sinh.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các cơ quan, trường học được di tản lên chiến khu Việt Bắc nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, Trường Hàn Thuyên cũng không là ngoại lệ. Tại Việt Bắc, mặc dù bom đạn chiến tranh, phương tiện học thiếu thốn, trường lớp đơn sơ, tạm bợ nhưng với đường lối phát triển giáo dục của Đảng cùng sự đồng hành của thầy cô và học sinh, nhà trường đã thích ứng với hoàn cảnh để duy trì hoạt động.
Tại Hội nghị cán bộ Trung ương diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6/4/1947, sau khi phân tích tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị đã ra chủ trương và chính sách đoàn thể trong kháng chiến trong đó có vấn đề giáo dục là “mở mang giáo dục kháng chiến chiến”, bằng các nhiệm vụ cụ thể:
1. Chương trình học phải thiết thực, nhằm đào tạo nhân tài, cần dùng cho kháng chiến trước hết, về tất cả các ngành y tế, canh nông, quân giới cũngnhư thương mại;
2. Học sinh phải vừa học vừa tham gia sản xuất để tự túc tự cấp một phần nào…;
3. Tiếp tục phát triển bình dân học vụ;
4. Chú ý mở trường ở các vùng dân thiểu số5.
Để thích nghi với điều kiện kháng chiến, trong 9 năm, Trường Hàn Thuyên đã phải thay đổi địa điểm học 4 lần. Không những vậy, các lớp không được học tập trung mà địa điểm học phải phân chia rải rác ở các nơi, có lớp học ở đình làng, có lớp là nhà dân cho mượn, có lớp được dựng từ tre nứa học trong rừng. Sách giáo khoa rất hiếm, các thầy cô giáo, bằng thế mạnh chuyên môn của mình, mỗi người tự soạn giáo án rồi đem cho học sinh chép. Ngoài thiếu thốn về vật chất, giáo viên và học sinh còn phải đối mặt với bom đạn chiến tranh. Để đảm bảo an toàn hầu hết các lớp học buổi tối, mỗi học sinh tự chuẩn bị một đèn dầu bằng cách tận dụng các vật dụng để làm thành các loại đèn dầu như đèn hộp gíp, đèn chai để học để học, ánh sáng chỉ đủ lọt vào trang sách nên người học phải tận dụng thêm cả ánh trăng, hoặc có những buổi lại đốt đuốc để học.
Đèn của học sinh trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) tự chế dùng đi học ban đêm tránh máy bay địch, năm 1951-1954 (hiện vật Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Năm 1949, Trường sơ tán lên huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, ngoài các lớp cấp I, cấp II, Trường đã có những lớp chuyên khoa đầu tiên. Năm 1950, Trường chuyển đến Xuân La - Đình Cả thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và đóng ở đây cho đến ngày miền Bắc được giải phóng (1954).
Tháng 4/1950, Chính phủ quyết định cải cách giáo dục phổ thông thay hệ thống giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục phổ thông mới 9 năm, đưa giáo dục phục vụ tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, đặt nền móng cho một nền giáo dục dân tộc dân chủ dựa trên nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Cuối năm 1951, Bộ Quốc gia giáo dục ra nghị định áp dụng kế hoạch giảng dạy theo chương trình mới, tập trung vào các môn Văn, Toán, Lý, Sinh (tuy nhiên môn Sinh bị hoãn vì thiếu điều kiện học tập), năm học theo chương trình mới bắt đầu từ tháng 1 dương lịch đến tháng 12 năm đó. Thời gian học chia làm 2 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng xen giữa 2 đợt nghỉ.
Từ sau cải cách giáo dục năm 1950, nền giáo dục mới đã có những bước phát triển vượt bậc: Nhiệm vụ chống nạn mù chữ về cơ bản đã hoàn thành.Tính đến năm 1952, có khoảng 14 triệu người đã thoát khỏi nạn mù chữ. Giáo dục phổ thông 9 năm đã phát triển mạnh mẽ theo phương châm và nội dung chương trình đào tạo của cuộc cải cách giáo dục năm 1950. Học sinh các trường phổ thông cấp I, cấp II và cấp III trong vùng tự do năm sau cao hơn năm trước. Ở Trường Hàn Thuyên, từ tháng 1/1952, các lớp chuyên khoa được thay thế bằng các lớp cấp III hệ phổ thông 9 năm. Cho tới năm 1954, quy mô nhà trường lên đến 17 lớp với 800 học sinh, trong đó có 4 lớp cấp 1, 9 lớp cấp II và 4 lớp cấp III. Theo nhiều cách, các thế hệ học sinh Trường Hàn Thuyên cũng đóng góp công sức của mình vào công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Trường Hàn Thuyên chúng ta cũng hình dung được, hiểu được phần nào về chặng đượng phát triển nền giáo dục Việt Nam sau ngày độc lập mà từ những điều kiện học hành khó khăn, gian khổ, đồ dùng học tập đơn sơ, những quyển vở mo tre ấy chính lại là nền tảng quan trọng hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc góp phần giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa đất nước từng bước phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”6 mọi người Việt Nam muốn tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà thì phải hiểu biết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mà muốn được như vậy thì phải học. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài đã coi văn hoá, giáo dục cũng là một mặt trận đấu tranh của nhân dân ta. Thực tế trong 9 năm kháng chiến với muôn vàn khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự đồng hành ủng hộ của nhân dân, ngành giáo dục nói chung, thầy cô và học sinh Trường Hàn Thuyên nói riêng đã thu được những thành tựu bước đầu. Đó là kết quả của nền giáo dục của dân, do dân và vì dân, thành quả đó, những “quyển vở mo tre” đó là nền tảng góp phần tạo nên nguồn nhân lực kháng chiến kiến quốc và chuẩn bị cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước tiếp tục phát triển ở những thời kỳ sau.
Thu Nhuần
1.https://tcnn.vn/news/detail/51683/Dien-van-cua-Bo-truong-Bo-Noi-vu-Vo-Nguyen-Giap-trong-Le-Doc-lap-ngay-0291945.html
2,3,4. Việt Nam công báo số 1, ngày 29/9/1945, trang 7-8
5. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 1945-1947, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr188.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 1945-1946, tr7.
- Hồ sơ hiện vật bảo tàng.
- http://thpthanthuyen.bacninh.edu.vn/