Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/05/2021 13:00 4694
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch được thành lập tại Đại hội quốc dân Tân Trào, tháng 8 năm 1945. Đại hội Tân Trào là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, đặt nền móng cơ bản cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa I.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đặt ra nhiệm vụ, biện pháp mới để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước phù hợp với tình hình. Đối tượng của cách mạng có chỗ thay đổi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù của nhân dân Đông Dương. Một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa đã phát triển trong toàn quốc. Khẩu hiệu "Đánh đuổi Pháp, Nhật" được thay bằng"Đánh đuổi phát xít Nhật", "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói" và coi đó là nhiệm vụ trung tâm để phát động quần chúng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Làn sóng khởi nghĩa từng phần đã phát triển đến cao trào, nhiều địa phương đã thành lập được chính quyền cách mạng của nhân dân. 

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp. Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam là Chính phủ Lâm thời cách mạng Việt Nam được thành lập ở các cấp từ cơ sở đến Trung ương.

Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng ra đời bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được chọn làm thủ đô của khu giải phóng. Khu giải phóng là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước.

Cao trào kháng Nhật cứu nước sục sôi trong cả nước. Lực lượng cách mạng cùng cả dân tộc đang gấp rút hoàn thành công việc chuẩn bị cuối cùng, đón thời cơ vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập. Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp đại hội đại biểu quốc dân.

Ngày 13-8, được tin Nhật hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngày Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và công bố mệnh lệnh khởi nghĩa. Cũng trong ngày 13 -8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Tham gia Hội nghị có đại biểu các đảng bộ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài.

Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.  Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 16-8-1945. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, Việt Kiều ở Thái Lan, Lào về dự đại hội.

 

Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tháng 8-1945
(Hiện vật gốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội đã ủng hộ chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đại hội bế mạc ngày 17-8-1945.

Quốc dân Đại hội diễn ra khẩn trương và thắng lợi trong đêm trước cuộc Cách mạng tháng Tám trên cơ sở thực hiện Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hiệu triệu quốc dân quyết tâm tổng khởi nghĩa giành chính quyền:

"Cuộc Quốc dân Đại hội đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Đại hội ấy do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Ủy ban Dân tộc giải phóng có nhiệm vụ như một chính phủ lâm thời Việt Nam lãnh đạo tất thảy nhân dân phấn đấu để thực hiện mục đích tối cao của mình là làm cho nước nhà được hoàn toàn độc lập.

Ủy ban lâm thời giải phóng có lời hiệu triệu quốc dân chặt chẽ đoàn kết dưới lá cờ giải phóng Đoàn kết là SỐNG không đoàn kết là CHẾT.

Trước tình thế cấp bức này, toàn dân phải muôn người như một, hãy tin cậy và phục tùng mệnh lệnh của Ủy ban, rập ràng phấn đấu, vượt qua tất cả bước khó khăn, đem lại vinh quang cho Tổ quốc.

Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ Trung ương lâm thời)"

Thực hiện Nghị quyết tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Quốc dân Đại hội và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước, triệu người như một nhất tề nổi dậy, khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt và thành công nhanh chóng.

Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập.

Lê Hồng Thu

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7755

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Về bốn số báo Thân Ái do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Thái Lan

Về bốn số báo Thân Ái do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Thái Lan

  • 26/06/2019 16:15
  • 5910

Kể từ ngày tờ Gia Định báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam - ra đời năm 1865, đến nay báo chí Việt Nam đã qua hơn 150 năm tồn tại và phát triển. Có thể nói rằng, ngày nay báo chí đã trở thành một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt kể từ ngày 21/6/1925 khi báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, thì dòng báo chí cách mạng ở Việt Nam liên tục phát triển.