Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/06/2019 16:15 5810
Điểm: 3/5 (2 đánh giá)
Kể từ ngày tờ Gia Định báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam - ra đời năm 1865, đến nay báo chí Việt Nam đã qua hơn 150 năm tồn tại và phát triển. Có thể nói rằng, ngày nay báo chí đã trở thành một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt kể từ ngày 21/6/1925 khi báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, thì dòng báo chí cách mạng ở Việt Nam liên tục phát triển.


Báo Thân ái, số 4 ra ngày 15-11-1928, cơ quan ngôn luận của HộiThân ái,
chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan, do Nguyễn ái Quốc sáng lập, năm 1928.

Trong kho Văn bản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập báo chí cách mạng quý hiếm. Với trên 100 đầu báo các loại bao gồm hàng ngàn số báo được xuất bản hoặc bí mật, hoặc công khai trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, ở nhiều địa điểm và hoàn cảnh khác nhau, sưu tập báo chí cách mạng là nguồn sử liệu thành văn đặc biệt quan trọng để nghiên cứu về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và đời sống của đất nước ta suốt thế kỷ XX. Trong số đó không thể không nhắc tới báo Thân Ái - một tờ báo ra đời tại Thái Lan trong những năm 1928-1930 và gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Song do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nên hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ mới sưu tầm được 4 số báo Thân Ái, đó là số 4 phát hành vào năm 1928 và các số 33-35-38 phát hành vào đầu năm 1930.

Về hình thức báo Thân Ái cơ bản cũng giống như các tờ báo khác được xuất bản trong thời kỳ bí mật: báo in li-tô, có 2 trang , kích thước 38,5 x 53,5cm. Nhưng có một điều rất đặc biệt và khác hẳn các tờ báo khác là trên mặt báo sử dụng chữ Việt rất linh hoạt, dùng chữ Z thay cho chữ D, chữ K thay cho chữ C, chữ F thay cho chữ Ph, chữ J hoặc chữ Z thay cho chữ Gi và vì khuôn khổ tờ báo, nên có khi ngắt giữa chữ để xuống dòng (Chẳng hạn chữ địa phương có chỗ báo in là Địa phư  và dòng dưới viết tiếp ơng; hoặc Chính sách in là Chí và dòng dưới in tiếp nh sách). Ngoài ra góc bên phải trên cùng của tờ báo thay vì Măngset của tờ báo là các câu thơ động viên tinh thần yêu nước, như: Nhiễu điều phủ lấy zá gương; Người chung một nước thì thương nhau kùng; hoặc Thương nòi nên phải gắng kông, nào ai xương sắt za đồng khác ai....

Còn về nội dung của tờ Thân Ái rất phong phú, cung cấp cho bạn đọc là các Việt kiều ở Thái Lan cũng như các cơ sở bí mật trong nước nhiều thông tin quí báu và rất dễ hiểu về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về phương pháp cách mạng, về kinh nghiệm hoạt động bí mật....Hầu như tất cả các số báo đều có các mục: Tin tức; Tự do diễn đàn; Giúp đỡ học vấn; Phụ nữ đàm; Văn uyển....Với cách viết theo kiểu kể chuyện đơn giản, dễ hiểu, các bài đăng trên báo Thân Ái lời lẽ giản dị, nhưng xúc tích, hàm chứa nhiều ý nghĩa vừa gợi mở, vừa giáo dục tuyên truyền cho đồng bào ta đang sinh sống, làm ăn ở Thái Lan về tinh thần tương thân tương ái, tinh thần yêu nước thương nòi, lòng căm thù giặc ngoại xâm. Chỉ riêng mục Tin tức đã cung cấp cho người đọc những thông tin về phong trào đấu tranh của đồng bào ta ở quê nhà, về các tội ác dã man của Thực dân Pháp và chính quyền tay sai phong kiến đối với nhân dân ta ở cả ba miền và nhiều tin quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Báo Thân Ái số 4 ra ngày 15-11-1928 mục Tin tức đã viết: Tin nứớc nhà: a) - Từ tháng ziêng đến kuối tháng 9 năm nay, chỉ xứ Nam kỳ mà Tây nó đã chở Kủa zân ta đến 1.325.000 tấn gạo đi bán kác nước.

b) Kũng ở Nam kỳ, sau lần hội đồng vừa rồi, nó đã tăng thêm: 2.300.000 đồng thuế nữa, làm zân mất nước kực thế là kùng.

c) Ở Trung Kỳ nó đã chiếm 213 sở đồn điền, rộng 317 mẫu tây. Nay nó lại định chiếm thêm 283.127 mẫu nữa! Nó kướp thế mãi, thì zân ta chẳng những sống không đất kày mà kòn đến nỗi chết không đất chôn nữa kia." (1) Hoặc báo Thân Ái số 38 phát hành vào đầu năm 1930 mục Tin tức lại viết: Nam Kỳ - Hồi tháng trước kó 150 người zồng kao xu trong làng số 14 ở sở kao xu Jầu Tiếng cùng nhau mang xuổng cuốc tới đánh thằng sếp Tây (thằng này vừa ở vườn kao xu Fú Riềng đổi tới rất là bạo ngược cho nên anh em kông nhân họ ghét) và yêu cầu chủ vườn lập tức fải đuổi thằng Tây này đi. Chủ rất sợ hãi đã nhận lời rồi. Kó fấn đấu thì mới kó thắng lợi.(2)

Còn mục Phụ nữ đàm là một mục viết cho các độc giả nữ giới, nên lời lẽ nhẹ nhàng, thường bàn những vấn đề rất cụ thể và có liên quan đến cuộc sống của chị em. Báo Thân Ái số 38 ở trang 2 có bài Thơ cho bạn gái của tác giả X.F. có đoạn viết:...chị em mình phần nhiều người vì sự suy nghĩ hẹp hòi, chỉ thấy hiện trước mắt kó kửa kao nhà rộng, chồng trẻ kon khôn, tưởng thế là kái đời mình đã được sung sướng mãi mãi. Kó biết đâu nòi tan nước mất thì zàu sang mấy kũng chẳng chắc zì. Lại kó phần nhiều người thấy kách mạng thì ghét, thấy nói kộng sản thì lo; sợ rằng kách mạng thành kông thực hành kộng sản...như thế là lầm. Thương ôi! non sông gấm vóc, biển bạc rừng tiền, chức trọng quyền kao, ngai vàng kiệu ngọc như ai kia, mà bị mất nước kũng chỉ fủi hai bàn tay trắng! Như mình thì chắc chi! Tiếc chi nữa mà không hy sinh phấn đấu, chị nghĩ có phải không?(3)

Còn mục Tự do diễn đàn lại tuyên truyền cách mạng dưới dạng hỏi đáp và tự nêu ý kiến rồi trả lời. Báo Thân Ái số 4 có bài Tổ chức sao cho bền của tác giả Hàm Rồng đã hướng quần chúng vào tổ chức cách mạng và nêu cao vai trò của đoàn kết. Sau khi điểm lại mấy câu ca dao Việt Nam về đoàn kết, tác giả viết: ở đời zù ai kó tài zỏi zì mấy mà đứng một mình thì kũng không làm zì được....Sau khi lấy ví dụ về sự gắn kết và chức năng nhiệm vụ của các bộ phận trong chiếc đồng hồ, tác giả bài Tổ chức sao cho bền viết tiếp: Nếu chúng ta muốn đoàn thể Thân Ái vững vàng thì fải lựa những người thiệt kó lòng thân ái, mà tổ chức nhau lại. Nếu để bọn "khẩu phật tâm xà" nó chen vào thì sẽ mau chán mà sinh lòng bậy bạ, tự nó hư đã đành, nó lại xúi zục làm cho người khác hư thế là hỏng việc! Vậy nên tổ chức lại fải chọn người.(4)


Báo Thân Ái số 35 phát hành vào tháng 3-1930

Đặc biệt, báo Thân Ái số 35 phát hành vào tháng 3 năm 1930 đã giành phần lớn nội dung phản ánh về sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Sí Sách, một chiến sĩ cách mạng kiên cường tại nhà tù Lao Bảo ngày 19-12-1929. Ngay sau khi đăng tin hy sinh của đồng chí Nguyễn Sĩ Sách ở mục Tin tức với nội dung: Ngày 19-12-1929, đồng chí Nguyễn Sĩ Sách tại trường hình Lao Bảo mưu đồ bạo động, nhưng việc không thành mà đồng chí bị Tây giết. Tiếc thay từ đây chúng ta mất một đồng chí tốt (5), số báo này đã có một bài viết dài chiếm gần hết trang 1 về thân thế và sự đóng góp của đồng chí Nguyễn Sĩ Sách đối với cách mạng Việt Nam. Phần cuối bài viết tác giả kết luận như sau: Than ôi! Mạng người kề miệng hùm mà vẫn kứ tháo lồng bể kũi; Thân kề rìu búa mà kòn zương zạ sắt gan vàng. Việc tuy không thành, nhưng vẫn đủ cho quân Pháp kinh hồn khiếp vía.....Nguyễn Sĩ Sách đương khi bị zam kùm mà kòn hăng hái như thế, huống chi ta kòn ở ngoài vòng mà đành chịu thụt lùi sao? Ai là kẻ kó tâm huyết đứng lên! Đứng lên !(6)


Báo Thân Ái số 38 phát hành năm 1930

Mặc dù, báo Thân Ái do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Thái Lan cách đây 94 năm, kỹ thuật in ấn còn thô sơ, bài vở, tin tức trong báo chưa nhiều, nhưng 4 số báo Thân Ái mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn giữ được, chắc chắn đây là nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX và chính bốn tờ báo Thân Ái sẽ góp phần không nhỏ cho công tác nghiên cứu lịch sử báo chí cách mạng./.

                                                                              Ngân Phương

Chú thích:

1; 4 - Báo Thân Ái, số 4, lưu tại BTLSQG, số đăng ký 6657/Gy.5016 (Trích trong nguyên bản)

2; 3 - Báo Thân Ái, số 38, lưu tại BTLSQG, số đăng ký 6660/Gy.5019 (trích trong nguyên bản).

5 - Báo Thân Ái, số 35, lưu tại BTLSQG, số đăng ký 6658/Gy.5017 (trích theo nguyên bản)

6 - Báo Thân Ái, số 35, lưu tại BTLSQG, số đăng ký 6658/Gy.5017, tr 1 (trích trong nguyên bản).

 

 

 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7626

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7626

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.