Thời Tây Sơn (1778 - 1802) gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789 đại phá quân Thanh, hoàng đế Quang Trung đã tập trung phục hồi đất nước, ổn định xã hội và ra sức phát triển văn hóa dân tộc.
Thời Tây Sơn (1778 - 1802) gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789 đại phá quân Thanh, hoàng đế Quang Trung đã tập trung phục hồi đất nước, ổn định xã hội và ra sức phát triển văn hóa dân tộc.
Bởi vậy, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng giai đoạn này đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc, những kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn thời đại rất rõ nét. Tiêu biểu trong đó là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800).
Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc theo kỹ thuật khuôn sáp, nặng 32 kg, cao 37,4 cm, đường kính khoảng 49 cm. Mặt trống cong vồng hình chỏm cầu, tâm mặt trống đúc nổihình vòng tròn kép. Thân trống hình trụ, phình nhẹ ở giữa, và được chia thành ba phần tương đối đều nhau, ngăn cách bằng hai đường gờ nổi hình sống trâu. Tương ứng với mỗi phần là một băng hoa văn trang trí. Ngoài các đồ án phụ trang trí đường diềm như băng hoa chanh, nhũ đinh, hồi văn chữ T và văn như ý, đề tài trang trí chủ đạo trên trống xuất hiện ở hai băng: băng trên cùng đúc nổi đề tài Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được no đủ, sống lâu… Băng dưới cùng trang trí hình Long Mã cõng Hà đồ, Thần Quy chở Lạc thư. Hà đồ (Tiên thiên bát quái đồ) và Lạc thư (Hậu thiên bát quái đồ) là hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như vũ trụ, thiên văn, địa lý, phong thủy, nhân mệnh, quản lý xã hội… Cũng ở băng hoa văn này còn có hình Thao Thiết. Đồ án Thao Thiết xuất hiện trong nghệ thuật cổ Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Theo truyền thuyết, Thao Thiết là một con vật ham ăn vô độ, thậm chí có thể ăn cả cơ thể mình. Ban đầu, hình trang trí này nhằm ý nhắc nhở việc ứng xử trong ăn uống, về sau trở thành biểu tượng của sức mạnh quyền uy hoặc sự no đủ, bền vững.
Hình lá hóa rồng.
Hình Lân.
Hình Phượng.
Trống đồng Cảnh Thịnh là hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam. Nếu trống đồng Đông Sơn (loại I Hêgơ, xuất hiện trong khoảng Thế kỷ 7 trước Công nguyên đến Thế kỷ 3 sau Công nguyên) và trống Mường (loại II Hêgơ, niên đại kéo dài từ đầu Công nguyên tới thế kỷ 15 - 17) có thân phình thắt tạo thành 3 phần tang, lưng và chân tách biệt rõ ràng thì trống đồng Cảnh Thịnh được tạo dáng theo kiểu trống da truyền thống. Cách tạo dáng này khiến cho thân trống chỉ gồm tang trống. Nói cách khác thân trống chính là tang trống.
Hình Long Mã cõng Hà đồ.
Hình Thần Quy chở Lạc thư.
Bên cạnh sự độc đáo trong tạo dáng thì nghệ thuật và đề tài trang trí trống cũng thể hiện đặc trưng nghệ thuật mang tính thời đại rất rõ nét. Đó là sự cân đối trong bố cục, sự khỏe khoắn trong đường nét, mảng khối. Đặc biệt, chúng ta thấy đề tài Tứ linh và Long Mã, Thần Quy nếu với tư cách là từng linh vật riêng lẻ thì chúng đã xuất hiện từ rất sớm trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Nhưng xếp thành bộ Tứ linh và thành cặp Long Mã - Thần Quy mang theo biểu tượng Hà đồ - Lạc thư trên cùng một hiện vật như thế này thì dường như đây sự khởi đầu để mở ra giai đoạn phát triển mạnh ngay sau đó trong nghệ thuật thời Nguyễn (1802 - 1945).
Đáng chú ý trong cách thể hiện các đề tài này là nghệ thuật cách điệu hóa qua đồ án các linh vật như hình lá hóa Rồng, lá hóa Thao Thiết… Cách điệu là khả năng sáng tạo, điều chế, nâng cao trên cơ sở hiện thực. Việc lấy hoa lá cỏ cây để cách điệu thành các linh vật như trên chiếc trống này có thể coi là sự xuất hiện đầu tiên trong nghệ thuật cổ Việt Nam, tạo nên sự khoáng đạt, tự nhiên và gần gũi. Để rồi ngay sau đó trong thời Nguyễn, phong cách nghệ thuật này đã nhanh chóng trở nên phổ biến, quen thuộc.
Bên cạnh sự độc đáo và những dấu ấn đặc trưng riêng, chúng ta vẫn nhận ra những yếu tố mang tính kế thừa, thể hiện bước phát triển liên tục trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Ở đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các băng hoa văn nhũ đinh, hoa chanh, hồi văn chữ T, như ý… là những mô típ phổ biến trong nghệ thuật Lý - Trần - Lê sơ (thế kỷ 11 - 15). Hình phượng bay ngang, đầu hướng về phía trước, hai cánh dang rộng gợi sự liên tưởng tới hình chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn. Hình vòng tròn kép trên mặt trống là cách thể hiện biến điệu, ước lệ hình mặt trời nhiều tia trên trống đồng truyền thống trước đó thành hình quầng mặt trời. Ngay cả thân trống với việc chia thành 3 phần ngăn cách bằng các đường gờ nổi cũng loáng thoáng gợi ra cho chúng ta hình ảnh về 3 phần của thân trống đồng Đông Sơn. Diễn biến này đã được thể hiện trước đó trên trống Mường. Cụ thể, lưng và chân trống Mường được tạo bởi một đường choãi đều liền mạch, nên sự phân tách đã không còn rõ ràng như trống đồng Đông Sơn trước đó mà chỉ được thể hiện bằng một đường gờ nổi.
Một giá trị đặc biệt khác của trống đồng Cảnh Thịnh chính là phần tư liệu. Các dòng lạc khoản khắc trên thân cho biết trống được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800) tại Chùa Cả (Linh Ứng tự), xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (tức Chùa Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Đặc biệt, một bài minh dài 222 chữ dẫn thuyết lý do, mục đích đúc trống nói về người trong xã là bà Nguyễn Thị Lộc, vợ của Tổng Thái giám Giao quận công vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) đã tập phúc góp công dựng chùa Linh Ứng. Ghi nhớ công lao của bà, nhân dân xã Phù Ninh đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của để đúc trống và những đồ thờ khác dâng lên ban Phật để lưu truyền, nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi nhớ công đức của tiền nhân.
Bài minh dài 222 chữ dẫn thuyết lý do, mục đích đúc trống.
Dòng lạc khoản khắc trên thân trống cho biết niên hiệu đúc trống.
Và nơi đúc trống.
Với hình thức độc đáo và những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là thể hiện sự bảo tồn, phát triển truyền thống đúc và sử dụng trống đồng của người Việt qua hơn hai ngàn năm lịch sử, trống đồng Cảnh Thịnh đã được Thủ tướng Chính phú công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Ở góc độ khác, trống đồng Cảnh Thịnh góp phần khẳng định mỹ thuật thời Tây Sơn xứng đáng là một nền mỹ thuật đặc sắc riêng biệt, làm giàu cho nghệ thuật dân tộc. Nó không những kế thừa, phát huy những giá trị của của mỹ thuật các thời đại trước mà còn tạo tiền đề cho mỹ thuật thời sau phát triển.
Quý độc giả muốn biết thêm chi tiết, xin mời truy cập vào đường link sau:
https://www.youtube.com/watch?v=4y1qXPlq6zM&list
Nguyễn Quốc Hữu (Phó trưởng Phòng Trưng bày)