Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2017 19:42 9495
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo những kết quả nghiên cứu, đàn tế trời được xây dựng vào thời Lý (năm 1152) ở phường An Thọ, huyện Thọ Xương (Thăng Long – Hà Nội). Đàn còn được gọi là đàn Hoàn Khâu hay Viên Khâu. Đây là đàn được lập ngay sau khi triều nhà Lý lập kinh đô ở Thăng Long (Hà Nội). Đến thời Hậu Lê, khi còn ở Thanh Hoa (Thanh Hóa), đàn Nam Giao được xây dựng ở cửa Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Theo những kết quả nghiên cứu, đàn tế trời được xây dựng vào thời Lý (năm 1152) ở phường An Thọ, huyện Thọ Xương (Thăng Long – Hà Nội). Đàn còn được gọi là đàn Hoàn Khâu hay Viên Khâu. Đây là đàn được lập ngay sau khi triều nhà Lý lập kinh đô ở Thăng Long (Hà Nội). Đến thời Hậu Lê, khi còn ở Thanh Hoa (Thanh Hóa), đàn Nam Giao được xây dựng ở cửa Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Đời vua Lê Thế Tông, sau khi sự nghiệp nhà Lê Trung Hưng thành công, nhà Lê trở lại kinh đô Thăng Long, tháng 9 năm 1663 cho sửa lại điện Chiêu sự và khôi phục các nghi lễ tế Nam Giao. Đến cuối thời Lê Trung Hưng, khi chúa Trịnh suy tàn, vua Lê Chiêu Thống cho đốt hết các công trình kiến trúc và đàn Nam Giao cũng dần trở nên hoang phế.

Bia điện Nam Giao.

Năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi, triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế) và cho đắp đàn tế ở làng An Ninh vào năm 1803, đến năm 1806 thì khởi công xây đàn mới ở phía Nam kinh thành thuộc phường Trường An, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế ngày nay). Thăng Long mất vai trò là kinh đô và bị đổi thành trấn thành rồi tỉnh thành. Từ đó đàn Nam Giao ở Thăng Long không còn tổ chức lễ tế nữa.

Năm 1804, người ta cho dỡ gạch ngói của Đàn để xây thành. Tại đây, chỉ còn sót lại nhà bia và tấm bia đá sau được Viện Viễn đông Bác cổ chuyển về đặt tại sân vườn Bảo tàng Louis Finot vào năm 1947 (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để mở đường và xây nhà máy diêm. Năm 1956, sau khi giải phóng thủ đô, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được chuyển tù Việt Bắc về và được xây dựng trên nền đất của đàn. Từ năm 2004, được sự đồng ý của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo di dời để nhường chỗ cho trung tâm thương mại lớn được xây dựng trên khu vực này.

Bản dập hoa văn trang trí trên bia.

Hoa văn trang trí trên bệ bia.

Bài ký bia điện Nam Giao.

Dưới đây là thông tin cụ thể về tấm bia này:

Tấm bia có số đăng ký: LSb.32852.

Kích thước: Cao: 213cm Rộng: 146cm Dày: 34cm

Chân đế: 214cm x 156cm x 51cm

Bia hình chữ nhật, trán cong hình bán nguyệt, đặt trên bệ hình khối hộp chữ nhật ba cấp. Diềm trán bia chạm khắc đề tài lưỡng long chầu nguyệt và mây. Diềm xung quanh bia chạm rồng, phượng, mây, hoa mẫu đơn, cúc, băng lá đề kép và vân mây hình khánh. Bệ chân đế bia chạm khắc nổi long mã và hoa lá. Mặt trước của bia khắc bài minh bằng chữ Hán, do TS. Nguyễn Tiến Triều soạn thảo, TS. Hồ Sĩ Dương nhuận chính.

Phiên âm của tấm bia như sau:

NAM GIAO ĐIỆN BI KÝ

Giao dĩ Chiêu Sự điện danh giả hà? Dĩ kỳ sự Thượng đế dã. Minh hồ Giao chi lễ trị quốc kỳ như thị chư chưởng hồ! Duy ngã Đại Việt chi triệu tạo yêm tư vạn lý chi đề phong. Lập đỉnh doanh thành, khắc minh ư kiến quốc; Biện phương chính vị, trí cẩn hồ kính thiên. Dĩ nam ngung sinh dục chi hương, sáng Nam Giao Chiêu Sự chi điện. Tuế chi thủ, đán chi nguyên, ư thử hồ nghênh chi tự chi. Cá lễ hành chi, lịch thế thủ chi, nhiên kinh doanh vị kiến tuấn kỳ công, đan hoạch vị kiến trí kỳ xảo, vị túc dĩ đại báo hồ thiên dã. Cầu kỳ triệu kiến tự cổ sở vô chi chế tác, hưng khởi tự cổ sở vô chi sự công, tất hữu đãi ư Thánh vương thi vi khí tượng đại quá nhân giả!

Tư kim Đại nguyên soái Chưởng quốc chỉnh Thượng sư Thái phụ, Đức công, Nhân uy. Minh thánh Tây Vương thiên tích thông minh, gia truyền trung hậu, Toản thừa vương nghiệp, bảo hựu hoàng đồ, dực phù đương kim Hoàng thượng đại thống toản thừa, phi hưu khắc thiệu. Chuyên ủy Nguyên soái Điển quốc chính. Định Nam vương sự cơ tài quyết, trị cụ khôi trương. Hằng lự phù vương giả, thượng thừa thiên địa, hạ phủ triệu dân. Duy kính thiên tắc thịnh trị khả dĩ thường bảo, thái bình khả dĩ thường thủ. Cố duy thời duy cơ, vị thủy bất tại hồ thiên. Đệ niên xuân chính nguyên thời, thân phù Hoàng giá, tổng suất thần liêu, túc nghệ điện đình, tái hành đại lễ. Kính chi kính chi, do dĩ thị vi vị túc dã. Ư thị hoán khởi thần đoán, miết quyên cát đán, cưu tập chúng công. Đống lương tuyển lão luyện chi tài, thằng mặc dẫn trường sinh chi xích. Chiết ngự cựu thời trần tích, kinh doanh tân dụng công phu. Dĩ Cảnh Trị nguyên niên Quí Mão thu tam nhi đường cấu, nhị niên Giáp Thìn, tuế diểu nhi cáo thành. Đãi kiến chuyên thế kỳ cơ, thạch kình kỳ trụ. Thần khoa diệm giác, long đầu kiến đường hạ song song; Huy lệ liêm ngung, ngao túc điện duy trung lưỡng lưỡng. Hoán nhĩ đỉnh tân chế độ; Y nhiên phục cựu càn khôn. Thị điện phi duy chiêu khâm kính ư đương thời, ức diệc dục vĩnh truyền ư lai thế. Nãi huề công lặc thành, dĩ chiếu hậu nhân, sử tri Vương thượng chi tâm, khâm tồn ư trung, cung kiến ư ngoại. Kỳ công hậu, kỳ đức mậu, hữu thị công đức, nghi kỳ hữu thị phúc thọ. Thiên chi phúc, thiên lộc thận trọng;Thiên chi thọ, thiên niên trường kiện. Thiên phúc bách phúc, tử tôn thiên ức vạn thế,duy Đế duy Vương chi nghiệp vĩnh kỳ thiên mệnh dã dư. Cẩn ký.

Thời Hoàng triều Vĩnh Trị vạn vạn niên chi tứ, đông thập nguyệt Quí Mùi cốc đán.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tham tụng Công bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ Duệ Quận công, Quỳnh Lưu Hoàn Hậu, Hồ Sĩ Dương phụng nhuận.

Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cai quan Thự vệ sự Luân Quận công, Thiên Bản An Cự Vũ Công Chấn phụng đốc tác.

Quang tiến Thận lộc Đại phu, Đông các Hiệu thư Xuân Trạch nam, Phúc Lộc Nam Nguyễn, Nguyễn Tiến Triều phụng nghĩ.

Quang tiến Thận lộc Đại phu, Cai hợp Thị nội Thư tả Binh bộ lang trung Hương Thọ nam, Gia Lâm Đình Luân, Lê Công Chính phụng tả.

Được dịch nghĩa:

BÀI KÝ BIA ĐIỆN NAM GIAO

Tế Giao (1) lại đặt tên điện Chiêu Sự là vì sao? Là vì nơi đó phụng sự Thượng đế. Làm sáng tỏ lễ Tế Giao thì việc trị nước dễ như chỉ bảo trên lòng bàn tay. Kính nghĩ, nước Đại Việt ta xây dựng mở mang trong trời đất muôn dặm như vậy. Đóng đô, xây thành rõ ràng việc xây dựng đất nước; Chọn hướng chính vị, tỏ lòng cung kính với trời. Lấy góc phía Nam thành để dựng điện Nam Giao Chiêu Sự. Vào sớm mồng một đầu năm nghênh tế ở đây. Lễ ấy cử hành trải qua bao đời vẫn giữ, nhưng xây dựng chưa được hoàn hảo, tô điểm cũng chưa thật tinh xảo, chưa đủ để báo ơn trời lớn lao. Cầu mong công trình này có được một quy chế từ xưa chưa có, làm được một việc từ xưa chưa ai làm, hẳn là phải đợi ở bậc Thánh vương có khí trượng vượt qua người thường!

Nay Đại nguyên soái Chưởng quốc chính, Thượng sư Thái phụ, Đức công Nhân uy, Minh thánh Tây vương (2). Trời cho thông tuệ, trung hậu nghiệp nhà, tiếp nối Vương nghiệp, trợ giúp Hoàng đồ, phò giúp Đương kim Hoàng thượng (3) giữ vững ngôi vua, nối được phúc lành, lại ủy sai Nguyên soái Điển quốc chính Định Nam vương (4), quyết đoán mọi việc, mở mang trị bình.

Thường nghĩ, bậc vương giả, trên vâng mệnh trời đất, dưới vỗ về triệu dân. Biết kính trời thì thịnh trị có thể bền vững, thái bình có thể giữ mãi. Vậy nên thời và điềm, không phải được bắt đầu ở trời sao. Hàng năm vào ngày mồng một tháng Giêng mùa xuân, tự thân phò xa giá Hoàng thượng dẫn các quan triều nghiêm chỉnh đến sân điện, tiến hành đại lễ, cung kính cung kính hết mức, còn cho rằng như thế cũng chưa đủ. Thế là bèn ra uy quyết đoán, chọn lấy ngày lành, tập trung các thợ. Cột xà chọn lựa gỗ tốt; Mực thước theo cung Trường Sinh (5). Tháo bỏ các thứ cũ xưa, dựng xây toàn công phu mới. Đến tháng 9 mùa thu năm Quý Mão (1663) niên hiệu Cảnh Trị thứ 1 thì khởi công, đến cuối năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664) thì hoàn thành. Nền xây bằng gạch, trụ dựng cột đá. Đao cong rực rỡ, đầu rồng dưới mái sóng đôi. Góc uốn huy hoàng. Chân ngao vững vàng cân đối. Rỡ ràng quy mô đổi mới. Hiên ngang xây lại đất trời. Ngôi điện này không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đương thời, còn muốn truyền mãi cho đời sau. Thế là bèn thuê thợ khắc đá truyền cho đời sau để biết được tấm lòng của Vương thượng, cung kính giữ bên trong, khiêm nhượng biểu hiện ở ngoài. Công thực dày, đức thực lớn. có công đức ấy hẳn sẽ có phúc thọ ấy. Phúc của trời, lộc trời dư dật. Thọ bởi trời ban, tuổi thọ trời cho. Ngàn phúc trăm phúc con cháu muôn ngàn đời dài mãi và cả nghiệp Đế, nghiệp Vương, mệnh trời ban cho dài mãi.

Kính cẩn ghi lại.

Ngày tốt Quý Mùi tháng 10 mùa đông, năm Vĩnh Trị (6) thứ 4 Hoàng triều (1679).

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tham tụng, Công bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Duệ Quận công Hồ Sĩ Dương (7), người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, cung kính nhuận chính.

Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cai quan Thự vệ sự, Luân Quận công Vũ Công Chấn, người An Cự, huyện Thiên Bản vâng làm đốc công.

Quang tiến Thận lộc Đại phu, Đông các Hiệu thư, Xuân Trạch nam, người xã Nam Nguyễn, huyện Phúc Lộc Nguyễn Tiến Triều vâng lệnh

soạn thảo.

Quang Tiến Thận lộc Đại phu Cai hợp Thị nội Thư tả, Binh bộ Lang trung, Hương Thọ nam, người Đình Luân, huyện Gia Lâm Lê Công Chính vâng lệnh viết chữ.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử đất nước, Đàn Nam Giao Thăng Long không còn nữa nhưng những giá trị linh thiêng và di vật còn sót lại chứa đựng nhiều giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc của thời Lê Trung Hưng.

- Hoa văn được trang trí trên tấm bia thể hiện đề tài đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng.

- Minh văn khắc trên bia cho biết rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng điện Nam Giao. Nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an.

- Tấm bia đã trải qua nhiều thế kỷ, chứng kiến nhiều sự đổi thay của lịch sử đất nước, là vật chứng lịch sử về những giá trị thiêng liêng của quốc lễ truyền thống.

- Tấm bia còn cho hiểu biết hơn về những giá trị lịch sử kinh thành Thăng Long xưa trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long - Đại Việt dưới các thời Lý – Trần – Lê.

-Tấm bia nằm trong quần thể hệ thống Trung bày ngoài trời và không gian tưởng niệm tại BTLSQG như một minh chứng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam độc đáo, phong phú và hấp dẫn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích:

(1) Tế lễ Nam Giao: Nam nghĩa là phía Nam, theo quan niệm Phương Đông thì phía nam là hướng ánh sáng, nơi có ông Trời ngự, ngược với hướng bắc tăm tối. Riêng với người Việt còn hiểu là nước Nam (phần lớn các triều đại trong lịch sử nước ta chọn quốc hiệu có chữ Nam như Đại Nam, Nam Việt, An Nam....). Còn Giao nghĩa là giao hòa hay gặp gỡ.

Như vây Nam giao là nơi vua chúa và thần dân hướng về phía Nam (nơi có trời ngự), để tỏ gặp gỡ giao hòa với Trời qua việc dâng lễ vật để tỏ lòng hiếu kính, dâng sớ để trình tấu việc đất nước và cầu Trời ban cho nhiều điều tốt đẹp.

(2) Tây vương: tức Trịnh Tạc (1657 - 1682).

(3) Hoàng thượng đương kim: tức Lê Thần Tông (1649 - 1662).

(4) Định Nam vương: tức Trịnh Căn (1682 - 1709).

(5) Điện Trường Sinh: tên cung điện ở Trung Quốc thời Đường, nơi Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi ở.

(6) Vĩnh Trị: niên hiệu của vua Lê Hy Tông (1676 - 1680).

Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7667

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Chiếc ấm sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh

Chiếc ấm sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh

  • 06/12/2017 19:30
  • 6233

Trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có giới thiệu chiếc ấm đất của đồng bào ở Chiến khu Việt Bắc đã dùng để sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và hoạt động cách mạng ở Thái Nguyên năm 1945.