Sau lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu Quốc hội để định ra Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Sau lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu Quốc hội để định ra Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Việc Chính phủ Lâm thời ban hành một loạt các sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.
Ngày 6/1/1946 , Tổng tuyển cử diễn ra trong cả nước, nhân dân ta từ bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, không kể già, trẻ, trai, gái, từ 18 tuổi trở lên, nô nức đến các nơi bỏ phiếu như một ngày hội. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, trung bình là 89%, có nơi lên đến 95%. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Sài Gòn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. (Ảnh tư liệu)
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta thực sự là một cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm làm chủ đất nước của nhân dân ta. Nó đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ ta, đồng thời góp phần làm nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của thể chế chính trị ở Việt Nam, đó là thời kỳ nước ta có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. (Ảnh tư liệu)
Trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phần Lịch sử cận hiện đại, tại phòng số 9 về Cách mạng Tháng 8 đang trưng bày một hiện vật có liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội khóa I. Đó là Hòm phiếu của nhân dân xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946.
Hòm phiếu, nhân dân xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946. (Ảnh chụp HV)
Hiện vật trên thật đơn sơ, giản dị, chỉ là một chiếc hòm gỗ hình chữ nhật, để mộc không sơn, có chiều dài 37cm, rộng 20,5cm và cao 22 cm, nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa sâu xa của sự kiện lịch sử cách đây gần 70 năm tại một xã thuộc tỉnh Quảng Bình ở miền Trung Tổ quốc. Hòm phiếu được sưu tầm về bảo tàng từ gia đình cụ Hoàng Học ở xóm Thanh Long, xã Thanh Hóa, Quảng Bình. Cụ kể lại: hôm đó, nhân dân xã Thanh Hóa lần đầu tiên bỏ lá phiếu của mình vào thùng phiếu này để bầu đại biểu quốc hội ở địa phương. Trong hoàn cảnh kháng chiến ở Quảng Bình, những hòm phiếu khác đều bị thất lạc, riêng cụ đã có ý thức giữ lại hòm phiếu này và bảo quản trong vòng 10 năm và đến ngày 8/7/1956 thì trao tặng Hòm phiếu đó cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Đây là chiếc hòm phiếu duy nhất minh chứng về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại một tỉnh miền Trung của đất nước, địa phương gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất và diễn ra nhiều chiến sự ác liệt giữa ta và địch. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, hiện vật trên còn thể hiện tấm lòng của người dân luôn tin tưởng hướng về sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu.
Gần 70 năm đã trôi qua, kể từ lần đầu tiên công dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình, đến nay đã 13 lần nhân dân ta vinh dự thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng đó. Chiếc hòm phiếu bầu cử tại xã Thanh Hóa, tỉnh Quảng Bình mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ là một hiện vật quý, gợi nhắc chúng ta nhớ lại ngày 6/1/1946, một ngày vẻ vang trong lịch sử Quốc hội nước nhà, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hồng Thanh – Vĩnh Hạnh (Phòng QLHV)
Nguồn:
1.Hồ sơ hiện vật ký hiệu BTCM.398/ĐM.61
2.60 năm Quốc hội ViệtNam: Tài liệu phục vụ tuyên truyền nhân kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946-6/1/2006).Ngô Đức Mạnh (cb), Nguyễn Viết Lểnh, Lê Lục. NXB Chính trị quốc gia, H, 2006.