Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2017 19:10 5595
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ nhưng anh dũng và thắng lợi vẻ vang của mình, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quí báu về tinh thần cũng như về vật chất của các nước anh em và bè bạn khắp năm châu như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Cu Ba, Triều Tiên, Mông Cổ, Thụy Điển, Liên Xô, Bungari ...v.v...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ nhưng anh dũng và thắng lợi vẻ vang của mình, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quí báu về tinh thần cũng như về vật chất của các nước anh em và bè bạn khắp năm châu như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Cu Ba, Triều Tiên, Mông Cổ, Thụy Điển, Liên Xô, Bungari ...v.v...

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ khá nhiều hiện vật của các nước đã nói ở trên. Chúng tôi xin giới thiệu một hiện vật của nước Cộng hoà Nhân dân Bungari. Đó là Quyển sách lưu chữ ký của nhân dân tỉnh Vác-na (Bungari) ký tên ủng hộ phong trào chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Hiện vật này mang ký hiệu BTCM 8841/ Gy. 6350, được đóng bìa cứng màu xanh sẫm, gáy được bọc bằng vải màu đen, kích thước 29 x 21 cm, dầy 485 trang. Mặt bìa dán nhãn giấy trắng có hàng chữ đánh máy “Baphencku okpúr và chữ “Tỉnh Vác na”. Quyển chữ ký này được đóng bằng giấy màu vàng ngà. Trên đầu mỗi trang giấy có dòng chữ in sẵn bằng tiếng Bungari được dịch sang tiếng Việt: “Lấy chữ ký ủng hộ lời kêu gọi của Hội nghị Stốckhôm về việc quân đội Mỹ phải chấm dứt chiến tranh vô điều kiện ở min Nam Việt Nam hoặc dòng chữ Lấy chữ ký ủng hộ lời kêu gọi của Hội nghị Stốckhôm về việc quân đội Mỹ phải chấm dứt chiến tranh vô điều kiện ở min Nam Việt Nam, Lào và Campuchia" để cho nhân dân chỉ việc ký tên vào. Trên những trang giấy là hàng ngàn chữ ký với nhiều loại mực khác nhau của nhân dân 80 làng, thị trấn trong tỉnh Vác-na (Bungari). Có những trang còn đánh số thứ tự để biết được số lượng người ký tên. Đây là một trong những tập chữ ký của nhân dân Bungari hưởng ứng chiến dịch thu thập chữ ký đòi đế quốc Mỹ rút ngay toàn bộ quân đội khỏi miền Nam Việt Nam do Uỷ ban đoàn kết với Việt Nam của Bungari phát động từ ngày 10-5 đến ngày 10-6-1970 trên toàn nước Bungari. Chính sự ủng hộ quí báu này đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều này cũng chứng minh cho thấy sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam - một nước tuy nhỏ bé và thua kém đế quốc Mỹ về kinh tế, vũ khí, nhân lực nhưng vẫn đánh thắng một kẻ thù to lớn đó là đế quốc Mỹ. Đó là nhờ vào yếu tố tinh thần, vào cuộc chiến đấu chính nghĩa, có sự ủng hộ lớn lao của nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa.

Bìa tập chữ ký của nhân dân tỉnh Vác-na (Bungari) ký tên ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Trở lại những ngày đầu khi Việt Nam và Bungari đặt mối quan hệ ngoại giao ngày 8-2-1950, nước Cộng hoà Nhân dân Bungari chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng, quan hệ giữa Việt Nam và Bungari không chỉ dừng lại ở những mối quan hệ chính trị, ngoại giao mà đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, y tế... Năm 1957, chính phủ và nhân dân Bungari đã gửi vải, thuốc, giầy dép... cho Việt Nam với giá trị khoảng 17 triệu rúp. Đỉnh cao của mối quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn này là các Hiệp định trao đổi kinh tế và văn hoá được ký kết hàng năm, là các cuộc thăm hữu nghị chính thức giữa những người đứng đầu của hai nước. Thất bại liên tiếp trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Hành động của đế quốc Mỹ đã bị dư luận thế giới lên án đòi Mỹ phải chấm dứt các cuộc ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, rút quân khỏi miền Nam đồng thời biểu thị tình đoàn kết với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Bungari ở giai đoạn này là sự ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi của tất cả các tầng lớp, lứa tuổi ở Bungari. Tại thủ đô Sôphia đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình của nhân dân và sinh viên lên án cuộc chiến tranh của Mỹ. Họ giương cao những biểu ngữ “đả đảo bọn hiếu chiến Mỹ, Giônxơn là tên giết người”. Phong trào ủng hộ Việt Nam ngày càng phát triển và mang tính quần chúng. Họ còn tổ chức nhiều “Tuần lễ ủng hộ Việt Nam” biểu thị tình đoàn kết với nhân dân ta. Trong những “Tuần lễ ủng hộ Việt Nam” này, ngoài các hoạt động mít tinh, biểu tình, quyên góp ủng hộ Việt Nam còn tổ chức nói chuyện về tình hình Việt Nam, triển lãm giới thiệu cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân ta. Một hình thức khác nữa ủng hộ nhân dân Việt Nam là việc tổ chức các “Toà án xã hội” kết tội đế quốc Mỹ. Tại các diễn đàn, đại diện các tầng lớp xã hội phát biểu ý kiến tỏ rõ thái độ của mình đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với Việt Nam ở Stốckhôm (Thụy Điển) lần thứ 5 vào tháng 3-1970, lời kêu gọi nhân dân thế giới tổ chức một chiến dịch quốc tế thu thập chữ ký đòi đế quốc Mỹ rút ngay toàn bộ quân đội khỏi miền Nam Việt Nam đã được phát động. Hưởng ứng lời kêu gọi này, Uỷ ban đoàn kết với Việt Nam của Bungari đã tổ chức chiến dịch thu thập chữ ký từ ngày 10-5 đến ngày 10-6-1970, được 5.784.198 chữ ký trên toàn đất nước Bungari. Hoạt động ủng hộ Việt Nam của nhân dân Bungari về vật chất cũng vô cùng quí báu. Nhân dân lao động Bungari đã tích cực hưởng ứng hoạt động này. Cảm động biết bao khi khi một cụ già ở thành phố Ácđinơ đã đem toàn bộ số tiền hưu trí ba tháng ủng hộ Việt Nam. Một nông dân ở Vơlingơrat viết thư lên Trung ương Đảng tỏ ý muốn gửi tặng nhân dân ta toàn bộ số tiền tiết kiệm 450 lêva của mình. Tổng cộng trong 7 năm từ 1967 -1973, phong trào ủng hộ Việt Nam của Bungari đã gửi tặng nhân dân ta một số lượng hàng hoá trị giá hơn 5 triệu lêva, phần lớn là vải, quần áo, thực phẩm.

Một trang của tập chữ ký.

Trong những năm 1973-1975, phong trào ủng hộ Việt Nam nhằm vào các mục tiêu: Đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, giúp nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại. Thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975 của nhân dân ta là thiên anh hùng ca vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân đồng thời cũng là một trang chói lọi trong lịch sử cách mạng thế giới. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những tình cảm cách mạng trong sáng, sự ủng hộ và giúp đỡ quí báu của nhân dân Bungari anh em đã và đang giành cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Quyển chữ ký này cũng như hàng trăm hiện vật của nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã và đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ rất cẩn trọng. Mỗi dịp đưa ra trưng bày, sưu tập hiện vật đặc sắc này đều thu hút rất lớn khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài. Đây là một bằng chứng cụ thể cho tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam- Bungari và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Bungari đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tình đoàn kết này sẽ mãi mãi bền vững và ngày càng phát triển.

Trịnh Hồng Thanh (Phòng QLHV)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7661

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Chiếc đài bán dẫn Sony xác nhận thông tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” – đưa đến quyết định giải phóng Côn Đảo ngày 1/5/1975

Chiếc đài bán dẫn Sony xác nhận thông tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” – đưa đến quyết định giải phóng Côn Đảo ngày 1/5/1975

  • 06/12/2017 19:06
  • 5434

Vào khoảng cuối năm 2011, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đón tiếp một vị khách người Pháp cùng đoàn làm phim của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương. Qua giấy giới thiệu được biết vị khách người Pháp đó tên là André Menras, một người đã gắn bó với đất nước Việt Nam từ rất lâu, và từ đây bên cạnh các thông tin ghi trong hồ sơ hiện vật tại kho lưu giữ của bảo tàng, một số thông tin về chiếc radio hiệu Sony được dần hé mở thêm.