Gốm Bát Tràng được hình thành vào thế kỷ 13 - 14, phát triển đến triều Nguyễn (thế kỷ 19-20). Gốm Bát Tràng phong phú, đa dạng về loại hình như: đồ thờ (khay trang trí tứ linh, mâm trang trí phượng, hoa cúc, tượng hộ pháp, lư hương, chân đèn…), đồ gia dụng (nậm rượu, bát điếu, bình vôi, lọ)… và thuộc các dòng men như: men rạn, men rạn kết hợp vẽ lam, men nâu, men vàng và men nhiều màu.... Hoa văn trang trí trên gốm với các đề tài như: tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai)… hoặc các đề tài truyền thống như lá đề, hồi văn, lông công.... Ngoài ra, một số đề tài còn thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Việt cũng như sự giao lưu với nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Với những giá trị đó, sản phẩm gốm Bát Tràng vẫn được duy trì phát triển. Đến nay, đồ gốm Bát Tràng không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế đất nước.