Mộc bài Đa Bối được phát hiện vào đầu tháng 9 năm 1962 tại thôn Bái Thượng (trước gọi là Đa Bối), xã Thụy Phúc, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Nội dung mộc bài Đa Bối được khắc chìm theo dọc thân cột gỗ, ghi việc nhà vua dùng đất công cấp cho công thần theo chế độ “điền trang, thái ấp”. Điền trang là những trang trại lớn của các quý tộc nhà Trần, do quý tộc trực tiếp quản lý, sử dụng sức lao động của gia nô, nô tì, có quyền thừa kế. Đó là bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu của tầng lớp quý tộc, còn thái ấp là ruộng đất do nhà vua ban cấp cho các quý tộc và triều thần có công. Quy mô một thái ấp tương đối nhỏ (tương đương khoảng 1,2 xã). Đặc biệt, trên mộc bài còn có chữ “Đồng” được viết bằng chữ Nôm (vốn là loại chữ do người Việt sáng tạo dựa trên cơ sở chữ Hán để ghi lại tiếng nói dân tộc) đã phần nào minh chứng việc sử dụng chữ Nôm thời kỳ này. Như vậy, mộc bài Đa Bối không chỉ là hiện vật lịch sử quan trọng, quý hiếm phản ánh chế độ ruộng đất “điền trang, thái ấp” thời Trần mà còn là minh chứng việc sử dụng chữ Nôm của nước ta vào những thế kỷ XIII - XIV mà trước đây chúng ta chỉ biết tới qua sử sách.