Cư dân Sa Huỳnh chính là những người thợ tài hoa trong việc chế tác gốm. Đồ gốm Sa Huỳnh được phát hiện nhiều trong những khu mộ táng, đa dạng về loại hình và kiểu dáng như: bát bồng, nồi, bình, đèn… hoa văn trang trí phong phú: văn in mép vỏ sò, văn chải, văn in chấm, văn sóng nước... Đặc biệt, sự phổ biến của hoa văn in mép vỏ sò tạo nên dấu ấn văn hóa vùng sông nước của cư dân Sa Huỳnh. Nhiều đồ gốm còn được tô màu đỏ và tô đen ánh chì rất độc đáo. Kỹ thuật làm gốm Sa Huỳnh được kết hợp kỹ thuật bàn xoay, kỹ thuật dải cuộn, kỹ thuật hòn đập, bàn kê và kỹ thuật xử lý bề mặt (miết láng). Như vậy, gốm văn hóa Sa Huỳnh là sự kết tinh của quá trình lao động, tìm tòi của cư dân bản địa, là sản phẩm tạo hình đầy mỹ quan, sáng tạo và chính đồ gốm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hóa này.