Bảo vật quốc gia:
Trống đồng Hoàng Hạ, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay
Phát hiện năm 1937 tại Hoàng Hạ, Phú Xuyên, Hà Nội, trống đồng Hoàng Hạ cũng là một trong những trống đồng Đông Sơn đẹp, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí tinh xảo, gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân trống. Mặt trống chờm ra khỏi tang, chính giữa đúc nổi mặt trời 16 tia, xung quanh là 15 vành hoa văn gồm các loại: hình học, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến, đặc biệt là băng hoa văn chủ đạo mô tả người hóa trang, cảnh sinh hoạt, 6 chiến thuyền chuyển động từ trái sang phải; trong đó có người chèo thuyền, những chiến binh tay cầm vũ khí; cảnh xử tử tù binh; xen giữa các thuyền là những hình chim lạc. Tang trống phình, đúc nổi hình thuyền, người hóa trang, chim mỏ dài..., thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi. Trống đồng Hoàng Hạ là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Cổ Loa. Với những băng hoa văn trang trí độc đáo, sống động, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Đông Sơn; biểu đạt sinh động và sâu sắc tâm thức của cư dân trồng lúa nước. Trống đồng Hoàng Hạ thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.