Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2016 21:20 2240
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có giới thiệu chiếc ấm đất của đồng bào ở Chiến khu Việt Bắc đã dùng để sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và hoạt động cách mạng ở Thái Nguyên năm 1945.

Vào giữa tháng 5/1945 phong trào cách mạng trong cả nước phát triển mạnh, điều kiện cần thiết cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Trước tình hình khẩn trương, mặc dù đang bị ốm nặng, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn cố gắng làm việc, trong tâm trí Người luôn thường trực vấn đề giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, vì vậy Người vẫn quyết tâm về Tân Trào để dự Đại hội Quốc dân chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Trên đường về Tân Trào, Người còn rất yếu có, lúc phải dùng cáng. Khi qua Thái Nguyên, Người đã không thể đi tiếp, phải nghỉ tạm ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Tại đây, Người không chỉ được các đồng chí trong Trung ương chăm sóc mà còn được nhân dân địa phương bao bọc chở che. Đặc biệt, Người đã được gia đình bà Hoàng Thị Đậu chăm sóc và chữa bệnh. Bà Đậu đã vào rừng tìm các loại lá thuốc quý gia truyền và dùng chiếc ấm của gia đình mình đang dùng để sắc thuốc hàng ngày, chăm sóc cho Bác. Sự tận tình của gia đình bà Đậu cùng với tình thương yêu đùm bọc các đồng chí Trung ương và nhân dân đã giúp Người dần bình phục. Người đã tiếp tục hành trình về Tân Trào để dự Đại hội quốc dân. Tại Đại hội đã kịp thời phát động nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Thắng lợi của Đại hội quốc dân chính là tiền đề cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Chiếc ấm sắc thuốc của gia đình bà Đậu năm xưa giờ đây đã trở thành một hiện vật quý của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mang ký hiệu 128/S.ll, có kích thước: Cao 10 cm; đường kính miệng 8 cm. Đó là một ấm đất được nung thủ công giống như bao ấm đất mà người dân Việt Nam thường dùng. Trải qua thời gian, khi được sưu tầm về Bảo tàng lưu giữ và bảo quản, chiếc ấm không còn nắp đậy, nhưng thân ấm vẫn còn lành nguyên, những mảng nhọ ám khói đen do đun sắc thuốc nhiều lần còn bám xung quanh ấm.

Ấm, bà Hoàng Thị Đậu ở xã Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên dùng sắc thuốc cho lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người bị ốm ở Thái Nguyên, năm 1945.

Qua hiện vật này, chúng ta thấy được tình cảm của gia đình bà Đậu nói riêng và của nhân dân các dân tộc ở chiến khu Việt Bắc nói chung với lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến gian khổ. Sau này, khi về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn luôn viết thư thăm hỏi, động viên đồng bào. Người không quên từng địa danh, địa chỉ, từng người dân và tỏ rõ tình cảm nhớ mong, biết ơn đồng bào đã chở che cho Người cùng các đồng chí trong Trung ương và Chính phủ hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Phương (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8082

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Về tấm bia đàn Nam Giao thời Lê ở Hà Nội

Về tấm bia đàn Nam Giao thời Lê ở Hà Nội

  • 08/02/2016 18:08
  • 3430

Theo những kết quả nghiên cứu, đàn tế trời được xây dựng vào thời Lý (năm 1152) ở phường An Thọ, huyện Thọ Xương (Thăng Long – Hà Nội). Đàn còn được gọi là đàn Hoàn Khâu hay Viên Khâu. Đây là đàn được lập ngay sau khi triều nhà Lý lập kinh đô ở Thăng Long (Hà Nội). Đến thời Hậu Lê, khi còn ở Thanh Hoa (Thanh Hóa), đàn Nam Giao được xây dựng ở cửa Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).