Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/12/2014 14:47 3742
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Để chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng cho Tổng khởi nghĩa, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.

Đội gồm 34 người, 31 nam và 3 nữ, biên chế thành ba tiểu đội. Đây là đơn vị lực lượng vũ trang chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Họ là những chiến sỹ ưu tú, dũng cảm, kiên cường được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và một số đồng chí đi học nước ngoài về. Người đội trưởng đầu tiên - đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, quê ở Quảng Bình. Đồng chí đã thoát ly gia đình, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng từ năm 13 tuổi, và được chọn làm liên lạc cho Người trong suốt những năm Người hoạt động ở Thái Lan. Hoàng Sâm cũng chính là bí danh của Trần Văn Kỳ do đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt năm 1940, khi đồng chí Kỳ gặp lại Bác ở Tĩnh Tây (Trung Quốc). Sau lần gặp gỡ quan trọng này, Hoàng Sâm cùng 40 đồng chí khác trở về nước hoạt động. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Cao Bằng. Tháng 5-1941, Hoàng Sâm được Bác giao nhiệm vụ tổ chức đón các đại biểu về dự hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám qua đường Lạng Sơn. Cuối năm 1941, Đội du kích Cao Bằng được thành lập, gồm 12 người, Hoàng Sâm được cử làm đội phó. Giữa năm 1942, Hoàng Sâm được giao làm đội trưởng Đội vũ trang Cao Bằng. Lúc này Hoàng Sâm mang một bí danh khác là Trần Sơn Hùng. Đội trưởng Đội vũ trang Cao Bằng nổi tiếng là người gan dạ và có nhiều biệt tài như phi ngựa không cần yên cương, bắn súng bằng cả hai tay, không quản hiểm nguy vào tận sào huyệt dẹp phỉ, hạn chế sự phá phách của các toán phỉ, tạo điều kiện cho các Hội cứu quốc của Việt Minh ở vùng Lục khu phát triển.

Đồng chí Hoàng Sâm (trái) cùng đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc,

năm 1947. (Ảnh tư liệu)

Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân phát triển thành đại đội, Hoàng Sâm được cử làm đại đội trưởng, trực tiếp chỉ huy các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu và Nà Ngần lần hai.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Hoàng Sâm chỉ huy Đội Giải phóng Quân các châu Ngân Sơn, Chợ Ró. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Hoàng Sâm tham gia xây dựng khu giải phóng Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông được giao nhận những trọng trách mới: Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến, Khu trưởng Chiến khu 2, Khu 3 và tên tuổi của ông được nhắc đến bởi nghệ thuật cầm quân sắc sảo, bởi những cuộc đấu trí, đấu mưu với kẻ thù. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc khâm phục và truyền tụng nhiều câu chuyện có thật mà như huyền thoại về tài năng quân sự, bản lĩnh của tướng Hoàng Sâm. Năm 1948, trong đợt phong tướng đầu tiên của quân đội ta, Hoàng Sâm được phong hàm thiếu tướng. Ông tiếp tục tham gia chỉ huy mặt trận Trung Lào, rồi chỉ huy tiếp quản Sơn Tây, Hà Đông, Hải Phòng. Ông đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh quân khu Hữu Ngạn, Quân khu III, Tư lệnh quân khu Trị Thiên-Huế. Tháng 12-1968, Hoàng Sâm đó hy sinh tại chiến trường Bình-Trị-Thiên ở tuổi 53, khi mà tài năng quân sự đang ở đỉnh cao và tỏa sáng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản nhóm hiện vật lịch sử cách mạng do Ty Văn hoá Cao Bằng chuyển giao cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (trước đây) vào tháng 7-1958. Ngoài một số hiện vật của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã sử dụng trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, còn có một hiện vật đặc biệt, đó là Chiếc bát dùng để ăn cơm của đồng chí Hoàng Sâm, người Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân. Hiện vật có số đăng ký 8275/ ĐM.235.

Bát tre, đồng chí Hoàng Sâm tự làm dùng sinh hoạt hàng ngày trong thời gian hoạt động tại Cao Bằng, từ năm 1942-1944.

Tuy có chức năng sử dụng giống những chiếc bát khác – một loại đồ dùng sinh hoạt hàng ngày nhưng kỷ vật mà chúng tôi muốn giới thiệu trong bài viết nhỏ này rất đặc biệt - cả về chất liệu, cách chế tạo, người làm và sử dụng nó trong cuộc sống sinh hoạt.

Chiếc bát được chế tác từ một đoạn của thân cây tre - loài cây rất quen thuộc của người dân Việt Nam. Bát có đường kính miệng 9,5 cm, bằng đúng đường kính của thân tre. Đáy bát chính là phần mấu tre, được khắc vành. Chiều cao bát 7 cm, lòng đáy bát rộng 5,5 cm. Đồng chí Hoàng Sâm đã tự tay làm ra chiếc bát này và dùng để ăn cơm trong thời gian đồng chí hoạt động tại Cao Bằng, từ năm 1942 đến 1944.

Chiếc bát ăn cơm là kỷ vật duy nhất một thời của thiếu tướng Hoàng Sâm - người đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân năm xưa còn lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hiện vật tuy nhỏ bé, giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về một thời kỳ đầy gian khó nhưng oanh liệt của vị tướng tài ba Hoàng Sâm.

Tường Khanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8082

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Những kỷ vật của mẹ Suốt - người chèo thuyền trên sông Nhật Lệ

Những kỷ vật của mẹ Suốt - người chèo thuyền trên sông Nhật Lệ

  • 27/10/2014 08:51
  • 7500

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng, là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được coi là “yết hầu” của mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.