Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/10/2014 08:51 7509
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng, là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được coi là “yết hầu” của mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Trong đó Đồng Hới là một trong những nơi đầu tiên ở Quảng Bình đế quốc Mỹ chọn làm trọng điểm đánh phá với ý đồ nhằm làm nhụt ý chí xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam của nhân dân ta cũng như hòng hủy diệt thị xã xinh đẹp bên bờ sông Nhật Lệ. Quê hương Quảng Bình là nơi đã sản sinh ra rất nhiều những anh hùng trong kháng chiến trong đó có mẹ Suốt.

Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 và lớn lên ở làng Vạn Chài, Phú Mỹ nay là Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Mẹ sinh trưởng trong một gia đình ngư dân nghèo, lớn lên phải đi ở cho địa chủ 18 năm, sau Cách mạng tháng Tám mẹ mới lấy chồng làm lẽ.

Mẹ Suốt đang chèo thuyền đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, Quảng Bình được coi là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và hải quân Mỹ, trong đó đặc biệt chúng bắn phá ném bom cầu phà, các bến sông… nhằm hạn chế và thủ tiêu sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lúc này mẹ đã 60 tuổi. Theo tiếng gọi của quê hương đất nước khi có giặc ngoại xâm, mẹ xung phong nhận công việc chèo đò ngang qua sông Nhật Lệ. Một trong ba nhiệm vụ của tổ: “Phòng cháy chữa cháy, cấp cứu tải thương và giao thông đi lại”. Ngày 7-2-1965, tức ngày mồng 6 Tết Ất Tị, giặc Mỹ đã huy động 160 lần máy bay phản lực hiện đại ồ ạt tấn công đánh phá các vùng lân cận và thị xã Đồng Hới. Đây là trận oanh tạc lớn mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ đối với nhân dân ta nói chung, Đồng Hới nói riêng. Biến căm thù thành hành động cách mạng, cả thị xã Đồng Hới, cả làng cát nhỏ bé Bảo Ninh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu với máy bay Mỹ. Trên sông Nhật Lệ, đạn bom của máy bay Mỹ dội xuống đày đặc, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội, mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn một mình chèo đò chở bộ đội qua sông, bất chấp cả những lần máy bay bổ nhào, phóng rốc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, thuyền mẹ vẫn qua lại nối đôi bờ, vận chuyển đạn ra tàu chiến của hải quân, đồng thời làm nhiệm vụ đảm bảo giữ vững đường dây liên lạc giữa Đồng Hới với Bảo Ninh. Sau trận chiến ác liệt ấy, đò của mẹ vẫn tiếp tục nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua sông trong những năm tháng đánh Mỹ đầy cam go ác liệt. Ngày mồng 1-1-1967, mẹ được tặng danh hiệu Anh hùng lao động với chiến công hiển hách phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ đã hy sinh ngày 11-10-1968 trong khi làm nhiệm vụ.

Nhân dân quê hương Quảng Bình tôn vinh mẹ, đã dựng tượng Mẹ Suốt ngay bên dòng sông Nhật Lệ với dáng đứng hiên ngang cùng năm tháng, như một huyền thoại về tinh thần chiến đấu dũng cảm của phụ nữ Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tượng đài mẹ Nguyễn Thị Suốt bên dòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình.

“…Tàu bay mày bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò…

Mẹ đi trọn một đời mình
Sông bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”

Đó là những câu thơ trong bài Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu viết về bà mẹ Việt Nam anh hùng, người đã không khuất phục mưa bom bão đạn đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ - Quảng Bình trong những năm 1965 - 1966.

Các kỷ vật vô cùng quý giá của mẹ Suốt hiện đang được trưng bày tại phòng số 22 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 216 Trần Quang Khải, Hà Nội.

Nón lá và mảnh vải, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã dùng để ngụy trang khi chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình.

Khách tham quan Bảo tàng được tận mắt chiêm ngưỡng những kỷ vật như: nón lá, mảnh vải dù ngụy trang đều không khỏi bồi hồi xúc động kính phục Mẹ - người phụ nữ anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Hình ảnh Mẹ sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước.

Nguyễn Hương (Tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8084

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Sắc màu văn hóa qua sưu tập tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tại BTLSQG

Sắc màu văn hóa qua sưu tập tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tại BTLSQG

  • 18/10/2014 14:04
  • 3686

Như tất cả chúng ta đều biết, tặng quà là một hành vi văn hóa, hơn nữa nó còn là một nghệ thuật và cũng là dịp để thể hiện tấm lòng. Việc tặng quà cần phù hợp mục đích, ý nghĩa và mang lại niềm vui cho người nhận. Để làm được điều này, bạn cần biết được ý nghĩa ẩn chứa bên trong những món quà. Bất cứ món quà nào cũng biểu thị ý nghĩa riêng của người tặng, hoặc là lời cảm tạ, lời chúc phúc, hoặc là tấm lòng hiếu thảo hay tình yêu, tình bằng hữu…