Như tất cả chúng ta đều biết, tặng quà là một hành vi văn hóa, hơn nữa nó còn là một nghệ thuật và cũng là dịp để thể hiện tấm lòng. Việc tặng quà cần phù hợp mục đích, ý nghĩa và mang lại niềm vui cho người nhận. Để làm được điều này, bạn cần biết được ý nghĩa ẩn chứa bên trong những món quà. Bất cứ món quà nào cũng biểu thị ý nghĩa riêng của người tặng, hoặc là lời cảm tạ, lời chúc phúc, hoặc là tấm lòng hiếu thảo hay tình yêu, tình bằng hữu…
Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: “Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam” giới thiệu bộ sưu tập tặng phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam được tặng từ năm 1946 đến những năm 60 của thế kỷ XX đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Từ năm 1994, những hiện vật tiêu biểu, độc đáo trong bộ sưu tập hiện vật này đã được trưng bày, giới thiệu tại hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng. Bộ sưu tập bao gồm hơn 100 hiện vật nguyên gốc, quý hiếm làm từ nhiều chất liệu khác nhau phản ánh những đặc trưng văn hóa các vùng miền trên đất nước Việt Nam và nhiều nước thuộc các châu lục trên thế giới như: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.
Mỗi tặng phẩm trong bộ sưu tập không chỉ đơn thuần là quà tặng có giá trị về mặt lịch sử mà còn mang giá trị tinh thần và mỹ thuật rất cao, mang những nét độc đáo và đặc trưng riêng của mỗi quốc gia, vùng miền và thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn, sự gắn bó, niềm tin tuyệt đối của nhân dân Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn của nhân dân, bạn bè thế giới dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, bộ sưu tập tặng phẩm đang được giới thiệu tại phòng số 28 và 29 hệ thống trưng bày thường xuyên BTLSQG tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội, trong đó phải kể đến những hiện vật tiêu biểu như:
1- Lư hương (bằng than), Công nhân mỏ than Cẩm Phả, Quảng Ninh tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và nói chuyện với cán bộ và công nhân mỏ than Cẩm Phả ngày 30-3-1959. Sau này tặng phẩm được chuyển từ Văn phòng Chủ tịch nước về bảo tàng lưu giữ. Lư hương được làm từ khối than kip-lê (than đá) với thành phần chính là cacbon, cấu tạo của loại than này gần giống như cấu tạo của kim cương nên còn được gọi là “Kim cương đen”. Người chế tác phải chọn loại than nguyên chất, già, chắc, không lẫn tạp chất mới đảm bảo chất lượng để tạo hình, tạo khối. Loại than này khi xẻ ra rất dễ bị mẻ hay vỡ vụn, cho phép sai số rất nhỏ. Do đó, các công đoạn từ đục, đẽo, gọt, tỉa cho đến đánh bóng sản phẩm đều làm bằng tay và đòi hỏi sự chuẩn xác. Để tạo ra được một sản phẩm đẹp, hấp dẫn, các “nghệ nhân” cần phải chính xác và kiên trì, tỉ mỉ. Lư hương bằng than là tặng phẩm rất ý nghĩa bởi đó là biểu tượng của vùng đất mỏ, của công nhân mỏ than Quảng Ninh kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lư hương, công nhân mỏ than Cẩm Phả, Quảng Ninh tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30-3-1959.
2- Hộp và khay sơn mài, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, nhân dịp Người sang thăm hữu nghị. Triều Tiên là đất nước có nghề thủ công mỹ nghệ phát triển. Trong đó các chất liệu như: kim loại, gỗ, sơn mài và đất nung là các vật liệu chính được sử dụng nhiều nhất. Như chúng ta đã biết, nghề sơn mài xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, rồi phát triển ra các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Việt Nam … Qua hai tặng phẩm sơn mài của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy nét độc đáo và đặc trưng của nghề thủ công mỹ nghệ sơn mài ở Triều Tiên - đó là kỹ thuật khảm trai. Đề tài trang trí trên hai tặng phẩm là chim, thú, thiên nhiên …với hình khắc họa trên nắp Hộp là Cung Cảnh Phúc – một cung điện nổi tiếng, trung tâm chính trị của đất nước Triều Tiên.
Hộp và Khay sơn mài, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1959.
3-Tượng Phật (đồng), tặng phẩm của nhân dân Can-cút-ta, Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người sang thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 4/2/1958 đến ngày 14/2/1958 theo lời mời của Chính phủ Ấn Độ. Trong chuyến thăm, Người đã 2 lần dừng chân tại Can-cút-ta và được chính quyền sở tại tiếp đón trọng thị. Tặng phẩm này được chuyển từ Văn phòng Chủ tịch về Bảo tàng vào tháng 7/1959. Nhắc đến Ấn Độ, chúng ta không thể không nói đến Phật giáo, đây là cái nôi hình thành những tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Phật giáo. Tượng đức Phật Thích ca Mầu ni được tạo tácngồi trên đài sen, tay kết ấn Địa xúc (tay phải đặt trên đầu gối, đầu những ngón tay duỗi ra tiếp xúc với đất, tay trái đặt trên đùi trái, gan bàn tay hướng lên trên). Khuôn mặt được tạc rất thanh tú, lông mày cong, đôi mắt nhìn xuống như hướng về chúng sinh, miệng đang mỉm cười, chính giữa trán có một chấm tròn. Những cuộn tóc xoắn ốc và nhục kế trên đỉnh đầu được thể hiện rõ ràng, sắc nét. Ngài mặc áo cà sa để trần một bên vai. Qua phong cách tạo tác, chúng ta thấy những nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc tượng Phật giáo cũng như nét đặc trưng của văn hóa Ấn Độ nói chung.
Tượng Phật, nhân dân Can-cút-ta, Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1958.
4-Ấm Samovar, Chính phủ Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người sang thăm hữu nghị vào năm 1957. Tặng phẩm này được chuyển từ Văn phòng Chủ tịch về bảo tàng lưu giữ. Đây là loại đồ dùng truyền thống của người Nga dùng để đun sôi và giữ ấm cho trà. Từ Samovar trong tiếng Nga cũng có nghĩa là “đun sôi”. Ấm Samovar được làm bằng kim loại hay gốm, có một hộp gió ở trên hoặc dưới ấm, có vòi và tay cầm thay cho quai ấm, có một chiếc ống kim loại ở giữa. Để đun nước trong Samovar, người ta cho vào trong ống kim loại ở giữa những nguyên liệu như: than, củi hay gỗ đã được đốt. Ấm trà được đặt trên ống kim loại đó để làm nóng. Ấm Samovar thực sự là biểu tượng cho sự nồng ấm trong gia đình và lòng hiếu khách của người Nga đồng thời cũng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Với ý nghĩa như vậy, chiếc ấm Samovar thực sự là một tặng phẩm ý nghĩa và độc đáo của Chính phủ Liên Xô dành tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm nồng ấm của nhân dân Liên Xô dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam – Liên Xô.
Ấm Samovar, Chính phủ Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957.
5- Mô hình tháp Eiffel, Nhân dân Pháp tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959. Tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của nước Pháp. Sau hơn một trăm năm tồn tại, hình ảnh nước Pháp và Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp và Paris.Ngoài ý nghĩa cách mạng khoa học, kỹ thuật, tháp Eiffel còn là biểu tượng và là niềm tự hào của người dân Pháp và Paris. Đây thực sự là một tặng phẩm ý nghĩa của nhân dân Pháp gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháp Eiffel, nhân dân Pháp tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1959.
6-Tượng Nàng Tiên Cá, Liên đoàn Lao động Đan Mạch tặng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV vào năm 1975. Đất nước Đan Mạch nơi bắt nguồn của những câu chuyện cổ tích “Nàng tiên cá” của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Hans Christian Andersen. Tượng “Nàng tiên cá” đã được dựng lên tại bến cảng Copenhagen từ ngày 23/8/1913 và trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ của thành phố mà còn là biểu tượng của cả đất nước Đan Mạch. Nàng tiên cá đã mang những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về nhà văn Andersen và đất nước Đan Mạch đến với mọi người trên khắp thế giới. Đây thực sự là một tặng phẩm đẹp, ý nghĩa và chứa đựng nhiều giá trị trong đó mà nhà nước Đan Mạch muốn gửi đến nhân dân Việt Nam.
Tượng Nàng Tiên cá, Liên đoàn Lao động Đan Mạch tặng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV vào năm 1975.
7- Tranh thành Rome, tặng phẩm của Đảng Cộng sản Ý tặng Đại hội V Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982. Thủ đô Rome của Ý từng là trung tâm của nền văn minh Phương Tây và trung tâm của Giáo hội Công giáo La Mã. Thủ đô Rome là biểu tượng của nước Ý với những cảnh đẹp như Lâu đài Saint’s Angelo, Đấu trường La mã, điện Patheon, giếng phun Trevi, đài phun nước Piazza Di Spagna, đài tưởng niệm Vittorio Emanuele II. Tới đây, bạn sẽ tham quan điện Vatican, hay còn gọi là "quốc gia trong quốc gia", nơi có quảng trường thánh Peter, Đại giáo đường thánh Peter. Bức tranh phần nào cho thấy một nước Ý tráng lệ và cổ kính, nơi khởi nguồn của nền văn hóa phương Tây từ thời cổ đại.
Tranh Thành Rome, tặng phẩm của Đảng Cộng sản Ý tặng Đại hội V Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1982.
8-Tranh, đoàn đại biểu nhân dân Pháp tặng đoàn Chính Phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơ- ne-vơ (Thụy Sĩ), tháng 7/1954. Bức tranh với hình ảnh chim bồ câu – biểu tượng của tình yêu, hòa bình và hạnh phúc; cùng với những dòng chữ Amour (Tình yêu), De la vie (Cuộc sống), Pour la paix (Hòa bình) … giống như sứ giả mang đến một thông điệp mà nhân dân Pháp muốn gửi tới Chính phủ Việt Nam rằng, họ cũng mong muốn cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Bức tranh đã thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của tất cả người dân trên thế giới cũng như tinh thần đoàn kết giữa nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam.
Tranh đoàn đại biểu Pháp tặng đoàn Chính Phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơ- ne-vơ (Thụy Sĩ), tháng 7/1954.
9-Tranh, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản PháptặngĐại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, năm 1982. Bức tranh với hình ảnh người lính Pháp và bộ đội Việt Nam đang bắt tay nhau, phía sau là hình ảnh Tháp Rùa và một góc thành phố ở Pháp cùng với hình ảnh người nông dân Pháp và nông dân Việt Nam đang lao động, sản xuất. Bức tranh phần nào cho cho ta thấy vượt qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ, gắn bó, hợp tác Việt - Pháp đã được hình thành, vun đắp, hướng tới tình hữu nghị và hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai dân tộc. Điều đó càng thêm ý nghĩa bởi năm nay (2014), chúng ta kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Pháp.
Tranh, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản PháptặngĐại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, năm 1982.
Ngoài những hiện vật tiêu biểu trên, trưng bày còn giới thiệu nhiều tặng phẩm như: khăn thêu thổ cẩm, bộ đồ văn phòng, chậu bạc, đèn bàn, bộ đồ trà, bộ đồ cà phê … là tặng phẩm của nhiều quốc gia cũng như Việt kiều và nhân dân trong nước gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội.
Tuy chỉ là những món quà nhỏ bé nhưng nó lại thể hiện tình cảm lớn lao, tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó - cơ sở nền tảng duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia trên toàn thế giới trong thế kỷ trước. Hơn nữa, bộ sưu tập tặng phẩm còn giúp cho công chúng hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn những đặc trưng văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia – những sắc màu văn hóa đa dạng trong cộng đồng văn hóa trên toàn thế giới.
Thùy Chinh (Phòng GD,CC)