Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2013 09:51 5267
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
1. Tranh “Trận Tầm Vu”

Ký hiệu 19018/ ĐD 1234.

Của họa sỹ Nguyễn Hiêm, sáng tác năm 1948.

Hiện vật lưu giữ kho Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng LSQG)trước năm 1975.

Giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958.

Kích thước: 62 x 82cm.

Tác giả ghi lại một khoảnh khắc của trận Tầm Vu – Một trận đánh nổi tiếng ở Nam bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp – Với bố cục chặt chẽ tác giả diễn tả hình ảnh anh bộ đội và du kích đang từ cánh đồng chạy băng lên tiêu diệt một đoàn quân địch có xe tăng, pháo đi càn. Tác giả vẽ đặc tả hình ảnh 1 chiến sỹ mình ở trần, mặc quần đùi, trong tay đang cầm mã tấu đang cùng đoàn quân xông lên giết giặc. Cả bức tranh là hình ảnh sống động thông qua các tư thế chạy của chiến sỹ bộ đội vượt qua cánh đồng lúa cũng như khói lửa trong trận đánh

Tác giả sinh năm 1917 (mất 1976).

Quê quán: Châu Đốc, An Giang.

Dân tộc: Kinh.

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Sài Gòn – Gia Định.

Tham gia cách mạng năm 1940. Vào Đảng 1948.

Khen thưởng:

- Huân chương kháng chiến hạng hai.

- Huân chương kháng chiến hạng ba.

- Huy hiệu thành đồng tổ quốc.

- 3 Huân chương chiến sỹ vẻ vang.

- Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật.

Giải thưởng:

- Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958.

- Giải thưởng lớn triển lãm Mỹ thuật tạo hình các nước XHCN 1958 – 1959

- Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.

Tác giả là Hội viên Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957.

Tác phẩm chính:

- Trận Tầm Vu – Bột màu, (62 x 82 cm) sáng tác năm 1948.

- Hành quân đêm – Sơn dầu (100 x 150 cm) sáng tác năm 1958.

- Qua chiến trường cũ – Sơn dầu (150 x200cm) sáng tác 1958.

- Ghé thăm nhà – Sơn mài ( 60 x80 cm) sáng tác năm 1958.

- Đào kênh - Bột màu (70 x 50 cm) sáng tác năm 1958.

Nhập kho cơ sở Bảo tàng CMVN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) 3-6-2004.

Tầm Vu lúc đó thuộc xã Thạnh Hóa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành, cách thành phố Cần Thơ 17 km về phía Tây nam. Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta đánh 4 trận lớn trên địa bàn Tầm Vu, nên trận Tầm Vu ngày 20-1-1946 được gọi là “Trận Tầm Vu 1”. Trong trận phục kích này đoàn xe của Pháp từ Rạch Gòi về Cần Thơ ngày 20-1-1946, bộ đội ta diệt 2 xe và 4 lính Pháp, trong đó có đại tá Dessert, chỉ huy quân Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Đây là viên sĩ quan cao cấp đầu tiên của Pháp bị diệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.Những thông tin về tác giả được ghi chép theo hồ sơ thẩm định bổ sung thông tin tranh tượng của BTCMVN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện 8- 2003.

2.Tranh “ Cuộc đấu tranh của thợ mỏ”

Ký hiệu 19019/ ĐD 1235.

Tác phẩm của họa sỹ Bùi Đình Lan.

Sáng tác năm 1985.

Tác phẩm đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mua bổ sung nội dung trưng bày của bảo tàng

Kích thước 95 x100cm.

Với bố cục chặt chẽ, Tác giả thể hiện một cuộc đấu tranh của những người thợ mỏ Việt Nam với chủ tư bản trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Tiền cảnh của bức tranh là hình ảnh một nhà máy và một tòa nhà làm việc của chủ tư bản đang bị đông đảo công nhân mỏ bao vây xung quanh để tham gia một cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm.Trung tâm bức tranh là hình ảnh người đại diện cho công nhân tham gia đấu tranh đang vung tay, đấu lý với chủ .Tác giả đã thành công khi diễn tả được khí thế đấu tranh của những người công nhân mỏ và lột tả được tâm trạng hoang mang lo sợ của tên chủ trước sức mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tác giả sinh năm 1930.

Quê quán: Thạch Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Giải thưởng:

- Giải ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985.

- Ba lần đoạt giải A giải thưởng văn nghệ Hạ Long từ năm 1975- 1990.

- Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nghành Hội họa từ năm 1978.

Những thông tin về tác giả được ghi chép theo hồ sơ thẩm định bổ sung thông tin tranh tượng của BTCMVN (nay là bảo tàng lịch sử quốc gia) và Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện 8- 2003.

Nhập kho cơ sở biên bản cuộc họp ngày 3-6-2004.

3. Tranh “ La Văn Cầu”

Ký hiệu:19015/ ĐD.1234

Tranh sơn dầu của họa sỹ Lê Vinh sáng tác năm 1958.

Tác phẩm có trước năm 1975.

Kích thước (60x80cm).

Tác phẩm được sáng tác nhằm ngợi ca hành động anh hùng của đồng chí La Văn Cầu trong trận đánh Đông Khê mở đầu chiến dịch Biên Giới (1950) khi bị thương nặng ở tay đồng chí đã nhờ đồng đội chặt đứt hẳn để tiếp tục chiến đấu.

Trong Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua lần thứ nhất, năm 1952 tại Việt Bắc, đồng chí La Văn Cầu đã được phong tặng danh hiệu anh hùng quân đội.

Trong tác phẩm tác giả khắc họa hình ảnh anh hùng La Văn Cầu mặc dù bị thương mất cánh tay phải nhưng vẫn dũng mãnh ôm quả mìn băng chạy xông lên, vượt qua khói lửa và hàng rào dây thép gai để tiêu diệt kê thù..

Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, quân ta đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất, anh bị đau chân vẫn kiên quyết xin đi chiến đấu. Trận đánh gặp khó khăn, đơn vị bạn bị thương vong nhiều, anh động viên anh em trong tiểu đội (hầu hết là tân binh), băng bó và cõng hết thương binh về nơi an toàn. Trên đường rút về căn cứ, địch nhảy dù phản kích, mặc dù chân đau và đuối sức, anh vẫn vác khẩu pháo 12 ly 7 thu được của địch về tới đơn vị. Trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (1950), La Văn Cầu được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiện vụ phá hàng rào và đánh Lô cốt đầu cầu (cửa mở trận đánh). Phá được hai hàng rào thì hai đồng chí xung kích bị thương. Địch tập trung hỏa lực dữ dội và cửa mở, phá hủy mất của ta một số bộc phá ống. Anh nghĩ ngay phải dành bộc phá đánh lô cốt, nên động viên anh em trong tổ gỡ mìn của địch và dũng cảm xông lên dùng mìn phá nốt hai hàng rào cuối cùng.. Song tình huống diễn ra càng phức tạp hơn, khi tiến đánh lô cốt thì anh em đã bị thương tất cả, chỉ còn lại một mình anh. Không ngần ngại, anh ôm bộc phá xông tới lô cốt đầu cầu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ “đột phá khẩu” của tổ. Nhưng khi vượt rào đến được giao thông hào thứ ba thì anh bị thương, ngất đi. Tỉnh dậy, thấy cánh tay phải của mình bị địch bắn gãy nát, nghĩ đến trọng trách chưa hoàn thành, anh quay trở lại khẩn thiết yêu cầu đồng đội chặt đứt cánh tay cho khỏi vướng víu, rồi tiếp tục xông lên đánh tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn đồn địch, kết thúc thắng lợi trận Đông Khê.

Tấm gương của La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn đại đoàn và trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta mở ra từ chiến dịch Biên Giới năm 1950.

La Văn Cầu được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá La Văn Cầu đã nghỉ hưu, trở về với đời thường, nhưng phẩm chất của người anh hùng mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo./.( Báo Cao Bằng)

Một số thông tin về Họa sỹ Lê Vinh

Sinh ngày 13/12/1923.

Quê quán: Đồng Nai.

Dân tộc: Kinh.

Địa chỉ: 3 A Ngô Thời Nhiệm. F6- Quận 3.TP Hồ Chí Minh.

Hội viên nghành Hội họa năm 1957.

-Tốt nghiệp trường Trung học Mỹ thuật Gia Định 1941.

- Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiêp Hà Nội.

Giải thưởng Mỹ thuật

- Giải nhất sơn mài năm 1960.

- Giải ba triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958.

Tác phẩm chính:

- Bế Văn Đàn- Tranh lụa (60 x80) 1958.

-Tổ săn tàu - Tranh lụa ( 60 x80) 1958.

- Nam Kỳ khởi nghĩa – Sơn mài ( 110 x140) 1960 .

- Đánh chiếm đồi A1 – Sơn mài ( 90 x120) 1964.

- Du kích Củ Chi - Sơn mài ( 90 x120) 1980.

- Đánh chiếm Hóc Môn.

Những thông tin về tác giả được ghi chép theo hồ sơ thẩm định bổ sung thông tin tranh tượng của BTCMVN (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện 8- 2003. Nhập kho cơ sở biên bản cuộc họp ngày 3-6-2004.

Hoàng Thị Hội (phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7626

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Đồ gốm men thời Lý-Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Đồ gốm men thời Lý-Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

  • 02/08/2013 16:38
  • 9618

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều hoạt động sưu tầm khảo cổ được diễn ra ở khu vực thành Thăng Long cổ. Nhiều gốm men và đồ đất nung ở đây đã được thu thập về bảo tàng Loui Finot, mà xuất xứ tìm được ở nhiều nơi như Quần Ngựa, Đại yên, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã, Cống Vị…mang rõ đặc điểm nghệ thuật thời Lỳ-Trần. Rất nhiều trong số những hiện vật đó được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đăng ký vào hệ thống những bảo vật Quốc gia.