Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/07/2013 14:28 11983
Điểm: 4/5 (2 đánh giá)
Trước những âm mưu và hành động trắng trợn của Pháp, ngày 18, 19/12/1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng tại một ngôi nhà ở làng Vạn Phúc – Hà Đông và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến vào 20 giờ ngày 19/12/1946.

Tại Hà Nội, công sự, chiến lũy được dựng lên khắp mọi nơi, tất cả mọi lực lượng, với mọi loại vũ khí trong tay tích cực tham gia kháng chiến. Thanh niên nam nữ của 36 phố phường đã cùng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, Tự vệ chiến đấu... đứng lên đánh Pháp theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và Pháp diễn ra rất quyết liệt ngay từ những ngày đầu, bộ đội Việt Minh với vũ khí thô sơ và ít ỏi chống lại đội quân thiện chiến của Pháp với vũ khí hiện đại đã diễn ra ác liệt. Lúc đó, toàn mặt trận Hà Nội, tính cả tự vệ thì Việt Minh có khoảng hơn 2000 cây súng với ít đạn. Mỗi tiểu đoàn Việt Minh chỉ có 2 đến 3 khẩu trung liên, từ 2 đến 3 khẩu tiểu liên và carbin, còn lại toàn là súng trường mà cũng không đủ, đạn thì thiếu, lựu đạn cũng ít, bom thì một số không nổ. Mỗi tiểu đội chỉ có 3 đến 4 khẩu súng trường, còn hầu hết là mã tấu. Trong chiến đấu, bộ đội Việt Minh đã sáng tạo, dùng chai sỏi, chai vôi bột để đánh bộ binh, dùng pháo đùng, pháo tép để nghi binh.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, hình ảnh quyết tử quân thủ đô dùng bom ba càng đánh xe tăng Pháp đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược trong những tháng ngày quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

Bom ba càng- quyết tử quân Thủ đô dùng chống xe tăng Pháp trong những ngầy đầu Toàn quốc kháng chiến, 12/1946 (hiện vật hiện đang trưng bày tại phòng 11, giai đoạn kháng chiến chống Thực dân Pháp (1946-1954).

Bom ba càng là một loại vũ khí chống tăng do xưởng quân giới Việt Nam sản xuất năm 1946. Bom ba càng được thiết kế với kíp kích nổ bằng va chạm theo nguyên tắc đầu đạn lõm, không quá phức tạp trong việc chế tạo nên phù hợp với thời điểm đó. Bom có dạng hình phễu, nhồi bằng thuốc nổ hoặc thuốc bom (7–10 kg), có vành gang gắn ba càng sắt; đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm: hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn. Khoảng lõm ở đáy hình côn khi nổ sẽ khiến cho sức nổ hướng vào lớp thép xe tăng. Đuôi bom có một lỗ dùng để tra cán dài khoảng 1,2m. Người ta phải lắp 3 điểm chạm (3 kíp) để đề phòng có cái kíp nào "xịt" vì không có nhiều cơ hội cho các chiến sỹ cảm tử tiếp cận với xe tăng.

Khi đánh bom, động tác phải dứt khoát, tay trái hoặc tay phải nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45 độ về phía trước, cách mục tiêu 2 - 3m hạ bom ngang tầm vai hai tay lao bom vào vị trí đã chọn, phải bảo đảm ba càng bom cùng lúc chạm trên mặt phẳng của mục tiêu ( xe tăng, xe bọc thép bánh hơi chọn nơi thành bên hông xe, dưới tháp pháo…) để bộ phận gây nổ kích nổ chuẩn xác. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép một phần dội ngược lại phía sau hất người đánh bom bật ngửa xuống đường, tổ cứu hộ phải sẵn sàng ngay lập tức ra hỗ trợ chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn.

Khi xuất kích, tiếp cận mục tiêu chiến sỹ phải được sự yểm trợ tối đa của hỏa lực, khống chế, vô hiệu hóa hỏa lực trên xe cơ giới và áp đảo tiêu diệt lực lượng bộ binh đi cùng.

Ðánh bom ba càng phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi sức công phá của bom rất lớn và tỷ lệ thương vong cũng rất cao. Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn mọi bề, thời gian gấp rút, lại chưa có vũ khí chống tăng hiệu quả, cho nên bom ba càng được sản xuất với số lượng hạn chế và chỉ sử dụng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Biết rõ hành động này là cực kỳ nguy hiểm, là sẽ hy sinh vì phải lao cả người và bom vào xe tăng thì sức công phá mới có hiệu quả cao nhất, nhưng rất nhiều chiến sĩ vẫn viết đơn tình nguyện xin được làm nhiệm vụ vinh quang đó, xung phong gia nhập đội “Cảm tử quân” vì được chiến đấu bảo vệ Thủ đô là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm thiêng liêng khi Tổ quốc cần.

Trong những ngày đầu chiến đấu trong vòng vây tại Hà Nội, 10 đội cảm tử quân được thành lập, với tổng cộng khoảng 100 đội viên. Họ được biết với tên gọi là chiến sĩ quyết tử quân, khác với đa số chiến sỹ khác là Vệ quốc quân hoặc tự vệ Hà Nội. Chiến sĩ quyết tử quân thường mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ, cầm bom ba càng, có khi được tổ chức truy điệu sống trước khi ra trận.

Trải qua 60 ngày đêm (19/12/1946 đến 18/2/1947) chiến đấu anh dũng, sáng tạo và quyết liệt, quân dân Thủ đô đã làm tròn nhiệm vụ cầm cự, giam chân địch trong thành phố để bảo vệ và sơ tán cơ quan đầu não cách mạng, bước đầu đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng của Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại Hà Nội, 12/1946.

Hiện nay, trên hệ thống trưng bày giai đoạn cận-hiện đại của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và giới thiệu đến khách tham quan quả bom ba càng do xưởng quân giới Việt Nam sản xuất năm 1946.Và một bức ảnh “cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng địch trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, 12/1946”. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh (tức Nguyễn Văn Lang, anh ruột chiến sĩ cầm bom ba càng) kể lại. Người chiến sỹ trong ảnh là anh Nguyễn Văn Thiềng, bí danh Trần Thành Thiềng, sinh năm 1927, tại số nhà 44 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh là đoàn viên thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, đã tốt nghiệp trường Quân chính Bắc Sơn được biên chế về tiểu đoàn 212, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Đây là nơi phân phối vũ khí cho lực lượng vũ trang mặt trận Hà Nội. Ngày 23/12/1946, Pháp cho xe tăng theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu của ta, anh Nguyễn Văn Thiềng đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu – Trần Quốc Toản. Ngay chiều hôm đó, địch lại cho xe tăng và bộ binh mở cuộc tiến công lớn vào trận địa của ta nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực. Anh Thiềng tiếp tục đánh bom ba càng nhưng bom không nổ, lính Pháp trên xe tăng bắn liên tiếp về phía anh, anh đã hy sinh ngay trong trận đánh. Thi hài của anh được chôn cất cẩn thận ngay tại sân sau Bộ Tổng tham mưu.

Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu cũ), Ba Đình, Hà Nội.

Hình ảnh cảm tử quân thủ đô đánh bom ba càng đã được ghi vào sử sách, trở thành tấm gương, niềm tự hào và động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sĩ. Tại Bảo tàng LSQG hiện nay đang trưng bày tác phẩm “Người năm ấy” của tác giả Nguyễn Phú Cường, khắc họa hình ảnh chiến sĩ quyết tử quân thủ đô ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp, tác phẩm đạt giải ba triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, gây xúc động cho khách trong nước và quốc tế khi đến thăm.Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội có haitượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và bên đền Bà Kiệu – Hoàn Kiếm, tái hiện hình ảnh người chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng trong tư thế sẵn sàng lao vào xe tăng địch như minh chứng cho ý chí quật cường, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước của đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung và quân, dân thủ đô Hà Nội nói riêng trong 60 ngày đêm anh dũng.

Ngọc Anh (phòng GD-CC)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8076

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2013) - Một số báo chí cách mạng thời kỳ 1936-1939, hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ được đủ số.

Kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2013) - Một số báo chí cách mạng thời kỳ 1936-1939, hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ được đủ số.

  • 20/06/2013 23:05
  • 3541

Trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc lâu dài, gian khổ, oanh liệt của cách mạng Việt Nam, báo chí được coi là một vũ khí cực kỳ quan trọng. Cách mạng đòi hỏi phải có báo chí cách mạng, sinh ra báo chí cách mạng và sử dụng báo chí cách mạng làm vũ khí chiến đấu, thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển và giành thắng lợi trọn vẹn.