Bao gồm các báo được xuất bản trước tháng 12-1945 của Trung ương và các Ban trực thuộc Trung ương như: Ban Công Vận, Ban Nông vận, Ban tuyên truyền…của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đảng như Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Từ những năm đầu xây dựng tổ chức, tạo dựng phong trào đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, báo chí của Đảng nói chung và của Trung ương Đảng nói riêng luôn là một vũ khí sắc bén góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tổ chức, cổ động các chiến sĩ cách mạng và quần chúng chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Thời kỳ này, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng rất quan tâm tới báo chí cách mạng. Đối với các báo và tạp chí của Trung ương Đảng, một số nhà lãnh đạo đã trực tiếp quyết định việc ra báo, làm báo, viết bài và sửa bài, tổ chức in và phát hành báo. Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Xuân Thủy…đều là những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng.
Trong lịch sử báo chí cách mạng của Việt Nam, nếu tính từ báo Thanh Niên (1925) đến báo Cờ Giải Phóng (1945), báo và tạp chí do Trung ương Đảng (và các tổ chức tiền thân, các Ban của Trung ương) xuất bản, có tới gần 30 đầu báo. Nhưng do hoàn cảnh lịnh sử khắc nghiệt (xuất bản bí mật, luôn bị địch khủng bố, thiếu thốn các phương tiện…) báo và tạp chí do Trung ương xuất bản không còn được lưu giữ nhiều ở trong nước. Vì vậy, suốt hơn 50 năm qua, tuy rất quan tâm đến việc sưu tầm, gom góp, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay cũng chỉ còn lưu giữ được bản gốc của 5 loại báo do Trung ương xuất bản. Đó là:
Báo Búa Liềm (của Đông Dương Cộng sản Đảng) hiện còn lưu giữ được 3 số trong tổng số 9 số: số 3 ra ngày 1-11-1929, số 4 ra ngày 15-11-1929, số 5 ra ngày 11-12-1929
Báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 4, ra ngày 15/11/1929 .(Ảnh tư liệu BTLSQG)
Báo Tranh Đấu (của Đảng Cộng sản Việt Nam) không rõ ra được mấy số. Hiện còn lưu giữ được 1 số: số 1 ra ngày 15-8-1930.
Báo Tranh Đấu, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, số 1, ra ngày 15/8/1930 (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Báo Cờ Vô Sản (của Đảng Cộng sản Đông Dương) không rõ ra được mấy số. Hiện còn lưu giữ được 1 số: số 3 ra ngày 1-2-1931).
Báo Cờ Vô Sản, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 3, số đặc biệt, ra ngày 1/2/1931.(Ảnh tư liệu BTLSQG)
Báo Dân Chúng (của Đảng Cộng sản Đông Dương) hiện còn lưu giữ được 79 số trong tổng số 80 số, thiếu số 14. Số 1 ra ngày 22-7-1938, số 80 ra ngày 30-8-1939.
Báo Cờ Giải Phóng (của Đảng Cộng sản Đông Dương) hiện còn lưu giữ được12 số trong tổng số 33 số, đó là các số 2,3,4,5,6,8,10,11,12,13,14,15. Số 1 ra ngày 10-10-1942, số 33 ra ngày 18-11-1945.
Sưu tập các bản gốc báo của Trung ương Đảng xuất bản trước tháng 12-1945 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tuy chỉ có 5 đầu báo với gần 100 số, nhưng là những tài liệu rất quý cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thu Hà (phòng TRNT&KGTN)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.