Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/05/2013 16:33 3707
Điểm: 4/5 (2 đánh giá)
Chùa Báo Ân được dựng vào thời Lý, ở núi An Hoạch, còn gọi Núi Nhồi, Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Chùa do dân xã An Thạch dựng để báo ơn Thái Úy Lý Thường Kiệt. Chùa xây hoàn thành năm Canh Thìn (1100) đời Lý Nhân Tông, và được đặt tên là Chùa Báo Ân.

Chùa có văn bia do Chu Văn Thường soạn, đó là bia chùa Báo Ân nay được trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chùa hiện nay không còn, chỉ lưu lại văn bia của Chu Văn Thường. Nội dung văn bia ca ngợi chiến công của Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống.

Người đầu tiên phát hiện và khai thác tư liệu về Lý Thường Kiệt được viết trong văn bia chùa Báo Ân là Hoàng Xuân Hãn. Giáo sư đã nhận xét về tấm bia chùa Báo Ân:

Ông không nói tên người viết bia, vì “Bia mờ… mất tên người dựng”. Về năm lập bia, Hoàng Xuân Hãn “đoán” là năm Hội Phong thứ 9, canh thìn 1100.

“Bia rất mòn, nhưng ở ngạch còn tám chữ to và rõ: An Hoạch Sơn Báo Ân Bi Minh, nghĩa là bài minh bia chùa Báo Ân ở núi An Hoạch.. Bia tuy mờ mất niên hiệu và mất tên người dựng, nhưng vẫn còn đạt được…” ( Lý Thường Kiệt – Núi An Hoạch, chùa Báo Ân).

Người đầu tiên phiên âm, dịch nghĩa, khảo đính, chú thích toàn bộ văn bản bài văn bia ở chùa Báo Ân là GS. Đỗ Văn Hỷ, in trong thơ văn Lý Trần, tập 1, 1977.

Về niên đại của bia chùa Báo Ân, Đỗ Văn Hỷ cho rằng “có khả năng văn bia này làm từ 1100 đến 1101”.

Về tác giả bài văn bia chùa Báo Ân được Đỗ Văn Hỷ xác định là Chu Văn Thường giữ chức Thự mẫn thư lang, quản câu ngự phủ, Đồng trung thư kiện biên tu, kiêm coi việc quan huyện Cửu Chân, trấn Thanh Hóa, soạn thuật.

Trên mặt bia chùa Báo Ân, hiện nay được trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không ghi rõ niên đại nên cần được xác minh lại.

Nội dung văn bia khắc bài minh chữ Hán, có ghi lại việc xây dựng chùa Báo Ân. Công việc này do Thái uý Lý Thường Kiệt chủ trì với sự ủng hộ của tín đồ vùng Thanh Hoá.

Lý Thường Kiệt là vị tướng giỏi, có tài có đức phò tá vua và được vua rất trọng dụng.

Bản dịch văn bia có đoạn: “Nay có ông Thái úy họ Lý phò giúp vua thứ 4 nước Việt ta (…).Chỉ có ông giúp vua, quốc gia nhiều năm giầu mạnh. Đó là cái đạo của người bề tôi công tích rực rỡ để lại muôn đời.

Đến năm Nhâm Tuất, nhà vua đặc ân ban thêm cho ông một quận ở Thanh Hóa là ấp phong. Các châu mục nghe tiếng đều ngưỡng mộ. Muôn dân cùng mến đức.

Ở mạn tây nam huyện, có một quả núi, vừa cao vừa lớn, tên gọi là An Hoạch. Đây là nơi sản ra đá đẹp (…) dùng để làm bia, minh văn ấy còn lại vững chắc hàng nghìn năm. Vì thế Lý Công Thái úy sai người hầu dẫn người đi tìm trong núi ấy, chọn đá, trong 19 năm. Tiết tháo của ông đã được thực tế kiểm nghiệm nên dân chúng theo phục (…). Các hạng hiền, ngu, giàu nghèo ở xứ này đều phạt cỏ, san đất, dựng một ngôi miếu, gọi là chùa Báo Ân. Ở giữa đặt tượng Phật, dưới đặt tượng Bồ Tát, sắc ánh như vàng, đẹp như tranh vẽ. Khởi công làm chùa này từ mùa hè năm Kỷ Mão (1099) đến mùa hè năm Canh Thìn (1100) thì khánh thành.”

Bản dịch này dựa trên văn bản chữ Hán và đã được GS.Đỗ Văn Hỷ khảo đính, in trong tập Thơ văn Lý – Trần, kết hợp với bản dập văn bia chùa Báo Ân của BT LSQG đã được hiệu chỉnh vài chỗ. Chữ rất mờ nên chỉ đọc được 1 phần.

Bia chùa Báo Ân đã cho thấy: Lý Thường Kiệt rất quan tâm xây dựng công trình chùa tháp, ông có công lao rất lớn đối với sự phát triển Phật giáo thời kỳ này.

Bia chùa Báo Ân là một trong những hiện vật quý với những giá trị lịch sử - văn hoá to lớn đã và đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và bảo quản nhằm giới thiệu và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc trong quá khứ cho thế hệ ngày nay và mai sau.

Nguyễn Hương(tổng hợp)

Phòng Trưng bày ngoài trời

Các tài liệu tham khảo:

- Thơ văn Lý –Trần, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, 1977

- Văn bia đời Lý- Trần

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7641

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

200 lượng vàng mua áo len của Hồ Chủ tịch

200 lượng vàng mua áo len của Hồ Chủ tịch

  • 21/05/2013 09:30
  • 2603

Chiếc áo len màu be, cổ tròn là món quà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các chiến sĩ vào mùa đông năm 1946. Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã mang áo ra đấu giá chiều 18.12.1946 trong chương trình "Tuần lễ vàng".