Chiếc áo len màu be, cổ tròn là món quà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các chiến sĩ vào mùa đông năm 1946. Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã mang áo ra đấu giá chiều 18.12.1946 trong chương trình "Tuần lễ vàng".
|
Cụ Trương Văn Thìn với chiếc áo của Hồ Chủ tịch. Ảnh tư liệu. |
Cụ Trương Văn Thìn đã bỏ ra 3.500 đồng bạc Đông Dương (tương đương gần 200 lượng vàng) để mua chiếc áo đặc biệt này. Tại ngôi nhà ở 39 phố Thi Sách (Hà Nội), anh Trương Anh Tuấn, con trai thứ hai của cụ Thìn, cho biết sinh năm 1914, cụ Thìn từ thuở thiếu thời đã chí thú vào việc kinh doanh. Với đầu óc nhanh nhạy, chỉ trong thời gian ngắn, cụ đã là một trong những người buôn hạt giống lớn nhất miền Bắc. “Vua hạt giống” là từ chỉ về cụ Thìn thời bấy giờ. Không chỉ thế, cụ còn sở hữu khá nhiều biệt thự to và đẹp nhất Hà Nội cùng một cửa hàng bánh ngọt lớn.
Mùa đông năm 1946, toàn quốc kháng chiến nổ ra. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Vận động “Mùa đông binh sĩ” đã họp để phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ. Chiều 18.12.1946, tại Nhà hát Lớn, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng". Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đến dự. Tại buổi lễ, Chủ tịch đã cởi áo len đang mặc (do Chủ tịch được tặng) để tặng lại các chiến sĩ.
“Một vị lãnh tụ cởi chiếc áo đang mặc tặng các chiến sĩ, những người dân dốc hết gia sản của mình may áo tặng binh sĩ. Một đất nước, một dân tộc có người lãnh tụ như thế, có những người dân như thế có thể đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào”. Đấy là nhận xét của các sử gia nước ngoài về chiếc áo len Hồ Chủ tịch trị giá 200 cây vàng hồi năm 1946. |
Chiếc áo sợi pha len đã được Ban Vận động ủng hộ “Mùa đông binh sĩ” Hà Nội tổ chức đấu giá tại Nhà hát Lớn. Thể lệ cuộc đấu giá “vô tiền khoáng hậu”: Mỗi người muốn sở hữu chiếc áo khi trả giá đều phải nộp tiền vào quỹ, ai trả hơn nữa cũng bỏ tiền vào quỹ dành mua áo cho chiến sĩ... Cứ như vậy cho đến khi không còn ai trả giá cao hơn thì người cuối cùng được quyền sở hữu chiếc áo đó. Cụ Thìn may mắn lọt vào vòng giá cuối với số tiền là 3.500 đồng Đông Dương. Buổi đấu giá kết thúc, từ chiếc áo len đã thu được tổng số tiền là 4 vạn đồng Đông Dương.
Lúc đó, trong nhà cụ Thìn chỉ còn 1.000 đồng bạc Đông Dương. Không do dự, cụ đã bán ngôi nhà tại phố Nguyễn Gia Thiều và bảo vợ là bà Dung mang bán hết đồ tư trang (kiềng, xuyến vàng…) để có đủ 3.500 đồng bạc Đông Dương chuyển cho Ban tổ chức (bà Dung là con gái cụ Nguyễn Bân, người dạy học cho các thái tử nhà Nguyễn, hiện tên vẫn còn trong bảng vàng của hoàng cung Huế).
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình cụ Thìn tản cư về các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây... Trên đường tản cư luôn bị bọn lính đón đầu khám xét vơ vét của cải, nhưng gia đình vẫn giữ được chiếc áo an toàn. Một lần tản cư đến chùa Hương, bị địch bao vây, cụ Thìn bị bắt, áo quần tiền nong của gia đình bị lấy đi tất cả, vậy mà bà Dung vẫn giữ được tấm áo len vẹn toàn. Lần khác, trên đường chạy lên La Khê, Hà Tây (trước đây) gia đình cũng bị địch đón đầu, thu giữ nhiều đồ đạc tiền nong, nhưng lạ kỳ chiếc áo vẫn không bị mất.
Dù điều kiện khó khăn đến đâu, chiếc áo này vẫn được bảo quản một cách rất độc đáo mà chỉ có những người chuyên buôn hạt giống như cụ Thìn mới nghĩ ra là dùng hạt tiêu để chống mốc, chống côn trùng và vẫn có mùi thơm. Cuối năm 1949, gia đình cụ Thìn trở về Hà Nội. Ở phố Tràng Tiền, bà Dung giấu áo trên gác 2. Khi ở 52 Trần Nhân Tông, địch đến bắt cụ Thìn (do tham gia chống lệnh di cư vào Nam) và lục soát khắp nhà, nhưng chiếc áo vẫn nguyên vẹn.
Ngày 10.9.1969, sau tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Thìn quyết định đem áo len hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Năm 1995, Bộ Văn hóa đã trao tặng cho cụ Trương Văn Thìn Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.
. Theo Dân Việt