Đầu năm 1945, trước phong trào cách mạng trong tỉnh Quảng Ngãi phát triển sôi nổi, hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã quyết định: Khẩn trương đẩy mạnh các mặt công tác và chuẩn bị để làm cuộc cách mạng lớn hơn.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Ngày 11-3-1945, tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động cuộc khởi nghĩa ở một vùng rộng lớn mà trung tâm là Châu Ba Tơ. Sau khi thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban khởi nghĩa cử đại biểu tới gặp tàn quân Pháp bàn việc liên hiệp kháng Nhật, nhưng tên quan Ba và toàn ban chỉ huy Pháp ở Quảng Ngãi trần trừ không dứt khoát. Sau nhiều lần thương lượng không kết quả, chiều ngày 11-3-1945 Ban chỉ huy khởi nghĩa buộc phải hạ lệnh tước khí giới của toàn quân Pháp. Quân ta đánh vào Gi-Lăng, thu toàn bộ vũ khí, lính địch đầu hàng, ta thu được 17 khẩu súng, 15 thùng đạn và nhiều quân trang, quân dụng. Cuộc khởi nghĩa thành công, nhân dân làm chủ Ba Tơ và các xã trong châu Ba Tơ. Trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích Cứu Quốc quân Ba Tơ được thành lập. Đây là đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên sau ngày Nhật đảo chính Pháp và là tiền đề cho việc xây dựng các lực lượng vũ trang Nam Bộ.
Ngày 12 tháng 3 năm 1945, thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” trước sự kiện phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Đội du kích Ba Tơ đã tăng cường hoạt động và trở thành lực lượng nòng cốt trong cao trào kháng Nhật cứu nước và nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh khác.
Địa bàn đội du kích Ba Tơ, Quảng Ngãi thu được của phát xít Nhật, năm 1945 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng LSQG)
Hiện nay chiếc địa bàn trên được lưu giữ và đang trưng bày giới thiệu với công chúng tại phòng số 7, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia số 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Địa bàncó ký hiệu: 8441/KL 1009. Địa bànhình tròn, đường kính 5cm, còn nguyên vẹn, mặt hơi mờ, phía trên của chiếc địa bàn này có một chiếc móc tròn nhỏ, có thể dùng để treo khi cần thiết. Hiện vật đặt trên một bục gỗ được bọc bằng nhung đỏ. Trưng bày cùng chiếc địa bàn còn có các hiện vật khác là chiếc đồng hồ, du kích Ba Tơ Quảng Ngãi thu được của Phát xít Nhật năm 1945, lựu đạn của chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân đã sử dụng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8 năm 1945. Cũng tại phòng số 7 còn trưng bày Thông cáo của Bộ chỉ huy Cứu quốc Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi về việc thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, tháng 3 năm 1945.
Đồng chí Nguyễn Chánh, bí thư khu ủy Liên khu V, ủy viên Trung ương Đảng lao động Việt Nam, đã dùng địa bàn này trong thời gian lãnh đạo đội du kích Ba Tơ tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quảng Ngãi, thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Trung Bộ ngày 17-9-1945. Suốt trong những năm kháng chiến Đồng chí Nguyễn Chánh cũng đã dùng địa bàn này để đi vùng rừng núi chỉ huy mặt trận miền Tây liên khu V trong những năm 1946-1953. (Đồng Chí Nguyễn Chánh tức Nguyễn Chí Thuần, sinh năm 1914, quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là một vị tướng của quân đội nhân dân Việt Nam, đã có đóng góp lớn với cách mạng Việt Nam và kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến như một vị tướng tài năng. Đôi khi người ta cũng nhầm lẫn ông với một vị tướng khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Trung tướng Nguyễn Chánh (1917-2001, quê Bình Định, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần)).
Đồng chí Nguyễn Chánh (1914 - 1957), người chỉ huy đội du kích Ba Tơ năm 1945 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng LSQG)
Sau khi đồng chí Chánh ra nhận công tác ở Trung ương, đồng chí đã giao lại địa bàn này cho đồng chí Phạm Kiệt, tức T2 dùng đi hoạt động miền Tây liên khu V trong những năm 1953-1954.
Sau ngày hòa bình lập lại, đồng chí Kiệt đã giao lại cho Đồng chí X hoạt động ở Quảng Ngãi, đồng chí X đã gửi tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), ngày 22- 3-1959.
Đội du kích Ba Tơ trong buổi lễ tuyên thệ, 3/1945 (Ảnh tư liệu, Bảo tàng LSQG)
Mỗi khi qua đây, chúng ta không thể không bùi ngùi nhớ lại một thời lịch sử đã qua. Những hiện vật mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đang lưu giữ và trưng bày về đội du kích Ba Tơ thể hiện phần nào cuộc sống, chiến đấu và tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đó có đồng chí Nguyễn Chánh quyết định buộc Pháp phải đầu hàng trong chiến tranh Đông Dương và rút khỏi Việt Nam, biết tận dụng những chiến lợi phẩm của địch phục vụ cho mục đích chung của đất nước và đây cũng là một trong những hiện vật đã thu hút được sự chú ý của khách trong nước và khách quốc tế khi đến tham quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hoàng Thị Hội
Bảo tàng Lịch sử quốc gia