Mộ thuyền Việt Khê
Số đăng ký: LSb. 38456
Chất liệu: Gỗ
Kích thước:
+ Chiều dài: 476 cm
+ Chiều rộng: 77cm
+ Chiều sâu: 39 cm
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2500 - 2000 năm cách ngày nay
Quyết định công nhận số: 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính Phủ
Mộ thuyền được phát hiện tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, năm 1961.
Mộ thuyền Việt Khê
Mộ thuyền là hình thức mai táng khá phổ biến của cư dân Đông Sơn vùng châu thổ và duyên hải Bắc Bộ.
Mộ thuyền Việt Khê được tạo từ một thân cây gỗ lim khoét rỗng. Ngoài một số đồ tùy táng bị mủn nát (đồ dệt, đồ đan) còn có hơn 100 đồ tùy táng khác, hầu hết là chất liệu đồng, bao gồm: đồ dùng sinh hoạt (âu, bình, thố, chậu...), công cụ lao động (rìu, giũa, đục...), vũ khí chiến đấu (lao, giáo, kiếm, dao găm), nhạc cụ (trống, chuông, lục lạc...). Trong đó, có một số loại hình hiện vật khá độc đáo, đó là chiếc muôi đồng, trên cán có tượng người thổi khèn, mảnh da có dấu sơn (giả thiết là chiếc hộ tâm phiến da thuộc, được sơn màu), đồ gỗ... đã giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống kinh tế - xã hội của cư dân Đông Sơn, đặc biệt là về một số ngành nghề thủ công truyền thống như nghề đúc đồng, thuộc da, nghề sơn, nghề mộc. Những chiếc giáo đồng được cắt mũi, bẻ cong, thể hiện tín ngưỡng "chia của" cho người chết, nên người sống muốn làm "đau" những của cải ấy để cắt lìa chúng với thế giới dương gian - giống như tục đập vỡ đồ trong lễ bỏ mả của một số tộc người vùng Tây Nguyên hiện nay.
Với kích thước quan tài lớn, số lượng hiện vật phong phú đã cho thấy sự giàu có của chủ nhân mộ Việt Khê, phản ánh phong tục mai táng, quan niệm về cõi sống và cõi chết trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt cổ.