Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/02/2023 16:25 5573
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Bức tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” - năm 1946 được nữ điêu khắc gia đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Kim sáng tác vừa được công nhận bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022 theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946 ra đời vào tháng 5 năm 1946, đúng vào thời khắc mà Bác đang gánh vác sứ mệnh lãnh đạo toàn dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn “Thù trong giặc ngoài” trong những ngày đầu đất nước được độc lập. Tác phẩm đã đạt Giải thưởng trong Triển lãm "Mỹ thuật Tháng Tám" khai mạc ngày 18 tháng 8 năm 1946 tại Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một tuổi. Đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Nguyễn Thị Kim được lựa chọn để xét công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2000, gồm chùm tác phẩm: tượng đồng "Chân dung Bác Hồ", phù điêu sơn thiếp "Hạnh phúc", tượng đồng "Chân dung cháu gái", tượng gỗ "Nữ du kích", phù điêu "11 cô tự vệ thành phố Huế".

Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" do nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 là tượng bán thân, được đúc liền khối, rỗng. Cao: 46cm; Rộng vai: 45cm; Dày thân tượng: 20cm; Nặng 17 kg. Tác phẩm khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với chòm râu dài đang ngồi làm việc, dáng tĩnh lặng, đầu hơi cúi về phía trước thể hiện sự tập trung cao độ vào công việc, nét mặt đăm chiêu, vầng trán rộng hơi nhíu lại. 
 
 
Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946

Bối cảnh ra đời của tác phẩm và quá trình trở thành hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia:

Tháng 5 năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (Triển lãm "Mỹ thuật Tháng Tám"), Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Thị Kim đến Bắc Bộ phủ để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau hơn 20 ngày, mỗi ngày 2 tiếng từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, được ngồi gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phòng làm việc của Người ở Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã nặn xong tượng Bác bằng đất sét. Sau đó tượng được làm khuôn thạch cao và khuôn âm bản, đổ đồng nóng chảy vào khuôn, tạo nên tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" hoàn chỉnh. Dưới vai phải tượng khắc chữ Hán "" (Kim) và chữ Việt: "Ng.T. Kim - 1946" (tên tác giả và năm sáng tác).
 
 
 
Chữ "" (Kim) và "Ng.T. Kim - 1946" trên vai phải tượng
 Sau triển lãm, tượng được đặt ở Tòa báo Sự thật, số 114 phố Bạch Mai, Hà Nội. Nơi đây vốn là nhà thờ Tổ của gia đình chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim (họa sĩ Phạm Văn Đôn). Tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tòa báo Sự thật đã nhận chỉ thị phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Kim đã đào một hầm ngay dưới gầm bàn thờ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội, hòa bình lập lại. Ngày giải phóng Thủ đô, gia đình họa sĩ theo vị trí cất giấu để đào bức tượng Bác lên. Bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn nguyên vẹn màu đồng như thuở ban đầu. Lau chùi sạch sẽ, gia đình họa sĩ trang trọng đặt bức tượng Bác Hồ trên bàn thờ phủ nhiễu đỏ.
Khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành lập, năm 1959, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã quyết định trao tặng bức tượng cho Bảo tàng. Hiện nay, bức tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Đây là bức tượng được tác giả thực hiện quan sát mẫu và nặn trực tiếp để tạo ra tác phẩm, sau đó bức tượng được đúc đồng duy nhất một bản bằng hình thức khuôn phá. Bức tượng còn có một phiên bản được tác giả làm lại vào những năm sau này và đặt tại vị trí trang trọng trong ngôi nhà gia đình đang ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy nhiên, trên tượng phiên bản không khắc tên tác giả và năm sáng tác, thân bản phiên được đúc mặt trước, phần ngực, không có phần lưng.
- Giá trị đặc biệt của tác phẩm:
Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946 là tác phẩm điêu khắc đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do nữ điêu khắc gia đầu tiên và duy nhất của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhà hoạt động cách mạng sáng tác, được đúc bằng phương pháp đúc đồng truyền thống, vì vậy, tác phẩm đã ghi dấu ấn nhất định trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Với những giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, bức tượng đã đạt được giải thưởng cao quý của Nhà nước. Đây là bức tượng duy nhất được sáng tác trực tiếp tại phòng làm việc của Người ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, đây chính là nguồn sử liệu gốc giá trị, là hình mẫu cho các thế hệ họa sĩ sáng tác về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Hiện vật khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ dân tộc bằng ngôn ngữ điêu khắc giản dị, làm nổi bật thần thái một vị lãnh tụ đang lo toan trăm mối cho đất nước mới được độc lập. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép các họa sĩ đến Bắc Bộ phủ, sáng tác ngay tại phòng làm việc của Người là việc trước đó chưa từng có.
Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946 ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam khi đất nước mới giành được độc lập, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Bức tượng có ý nghĩa lớn vì liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước. Hơn nữa, tác phẩm là hình ảnh chân thực nhất về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. 
 
 
Phiên bản tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946
Bà Nguyễn Thị Kim là nhà điêu khắc đầu tiên được vinh dự trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã tập trung suy nghĩ, đầu tư sức lực, trí tuệ để thể hiện tác phẩm. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên, tạo niềm cảm hứng sáng tác trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Bà. Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim là một trong những họa sĩ góp những viên gạch đầu tiên xây dựng nền điêu khắc hiện đại Việt Nam. Bà là nữ điêu khắc gia đầu tiên và duy nhất được đào tạo chính quy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Bà được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, năm 2000. Họa sĩ Nguyễn Thị Kim là nghệ sĩ sớm đến với cách mạng, tiếp thu lý tưởng của Đảng, đem nghệ thuật của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngay trong thời kỳ đầu học tập tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1939 - 1944), bà đã tham gia hoạt động trong ban tuyên truyền, khánh tiết của Hội truyền bá quốc ngữ. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim cùng chồng là họa sĩ Phạm Văn Đôn là thành viên của Hội Văn hoá cứu quốc, trong Ban biên tập Tạp chí Tiền Phong - cơ quan ngôn luận của Hội Văn hoá cứu quốc, đồng thời vẽ tranh cổ động và triển lãm phục vụ kịp thời những yêu cầu của cách mạng.
Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946 của họa sĩ Nguyễn Thị Kim có đóng góp lớn trong các phong trào văn hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với những giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa tinh thần cao đẹp liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, được thế giới tôn vinh và những đóng góp tích cực cho nghiên cứu, truyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam, tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" - năm 1946 xứng đáng được tôn vinh và đã được công nhận bảo vật quốc gia.

Ths Lê Hồng Thu

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: