Số đăng ký: LSb. 5722
Chất liệu: Đồng
Kích thước:
+ Đường kính mặt: 79,3cm
+ Đường kính chân: 80cm
+ Chiều cao: 63cm
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2500 - 2000 năm cách ngày nay
Quyết định công nhận số: 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính Phủ
Trống được phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 1893, sau đó được đưa về thờ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tháng 4 năm 1903, Viện Viễn Đông bác cổ sưu tầm về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Trống Ngọc Lũ
Trống Ngọc Lũ là trống đẹp nhất trong những trống đồng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Trống có patin màu xanh xám gồm bốn phần: mặt, tang, thân và chân trống. Hoa văn trang trí tập trung ở mặt, tang và thân. Giữa mặt trống đúc nổi hình mặt trời 14 tia, xung quanh đúc chìm 16 băng hoa văn: hình học, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, đặc biệt là các băng trang trí diễn tả cảnh sinh hoạt, lễ hội (đánh trống đồng, cầu mùa, giã gạo), hươu, chim... vận động ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống cong phình đều, trang trí 6 hình thuyền chiến, các chiến binh, chim, thú... Thân trống hình trụ đứng trang trí hình người hóa trang nhảy múa trong ô hình chữ nhật. Chân trống choãi hình nón cụt.
Tất cả các đề tài trang trí trên trống phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Việt cổ. Với vẻ đẹp hoàn hảo, hình dáng hài hòa, cân đối, hoa văn tinh xảo, phong phú, trống Ngọc Lũ là hiện vật đặc sắc, quý hiếm, có giá trị trên nhiều phương diện về lịch sử và văn hóa Việt Nam, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim, đúc đồng của cư dân Đông Sơn. Các đề tài trang trí trên trống Ngọc Lũ đã hội tụ đầy đủ tri thức và quan niệm nhân sinh sâu sắc cũng như tài năng, nghệ thuật và tâm hồn của người Việt cổ, trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.