Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/10/2022 09:38 4466
Điểm: 4/5 (4 đánh giá)
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo

Số đăng ký: LSb. 34955

Chất liệu: Vàng
Kích thước: Cao: 11,9cm; Mặt ấn: 13,6cm x 13,7cm x 13,6cm x 13,7cm; Dày: 1,9cm
Trọng lượng: 8.983 gram
Niên đại: Đúc năm Minh Mệnh thứ 8, thời Nguyễn (1827).
Quyết định công nhận số: 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính Phủ
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo được đúc vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827), với chức năng là dâng tiến tên hiệu, huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, là hiện vật gốc. Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và hiện được lưu giữ, phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 
Ấn đúc bằng chất liệu vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng.
Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:
- Bên phải: Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, 1827).
- Bên trái: Thập tuế kim, trọng nhị bách tam thập tứ lượng tứ tiền tam phân. (Vàng 10 tuổi, nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân).
Mặt ấn đúc nổi 6 chữ Triện: Hoàng đế tôn thân chi bảo. 
 
 
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo
 
Mặt ấn đúc nổi 6 chữ Triện: Hoàng đế tôn thân chi bảo

Đây là ấn vàng có trọng lượng lớn nhất trong bộ sưu tập ấn triện bảo vật hoàng cung triều Nguyễn cũng như của các triều đại phong kiến Việt Nam hiện biết.  Ấn có hình thức tạo tác, bố cục và trang trí đặc biệt, với quai ấn hình tượng rồng lớn, được tạo dạng khối tượng tròn, tinh xảođược tạo dáng rất khác biệt với hình tượng rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, tư thế oai vệ. Trong khi đó, hình thức của các kim ấn khác trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đa phần có quai ấn là hình tượng rồng theo tư thế đứng hoặc quỳ, đầu thẳng hay quay lại lưng, sừng dài, lưng cong, đuôi cụp lại với 7 hay 9 tia xoè hình ngọn lửa.

Bản dập mặt ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo
Bản vẽ ấHoàng đế tôn thân chi bảo bằng vàng 10 tuổi, gồm:
Đây là một trong những ấn được vua Minh Mệnh sau khi lên ngôi, tiếp tục cho đúc thêm để bổ sung vào hệ thống ấn tín của hoàng đế và vương triều, đồng thời cũng cho ban hành nhiều quy định, thể lệ trong việc chế tác và sử dụng ấn chương. Cụ thể: Tháng  10 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố nhận chỉ dụ của hoàng đế trông coi việc đúc 5 chiếc ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Khâm văn chi tỷ, Duệ vũ chi tỷ, Trị lịch minh thời chi bảo
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo với hình thức rồng độc đáo, quý hiếm, mang đặc trưng cung đình triều Nguyễn, được tạo tác bằng kỹ thuật đúc, khắc và gia công nghiêm cẩn, cầu kỳ. Ngoài những quy định về số móng, trong điển chế của triều Nguyễn còn có quy định về số vảy dương -âm, số khúc cuộn của rồng khi biểu trưng cho hoàng đế... Đây là tư liệu quý góp phần nghiên cứu về “ngự xưởng”, nghệ thuật cung đình triều Nguyễn nói riêng và nghệ thuật thời Nguyễn, đỉnh cao của nghệ thuật cung đình trong dòng chảy, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời đây là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, được sử dụng trên các văn bản tôn phong, gắn với những điển lễ quan trọng của vương triều, trở thành nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mệnh nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam nói chung. 
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: