Tượng hai người cõng nhau thổi khèn, đồng, văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay
Pho tượng được nhà khảo cổ học Olov Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và được chuyển về bảo tàng năm 1935.
Khối tượng thể hiện một vũ công đang nhảy múa, trên lưng là một nhạc công đang say sưa thổi khèn. Hai người đều được mô tả với y phục giản đơn, đầu chít khăn, khuyên tai to, nổi rõ.... Người cõng dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo tiếng khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng tạo thành một thực thể thống nhất hài hòa, sống động. Có thể đây là khối tượng được gắn (hoặc tay cầm) trên nắp đồ dùng sinh hoạt, được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất của người Việt cổ.
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn không chỉ phản ánh trình độ đúc đồng tuyệt vời của những nghệ nhân Đông Sơn mà còn phản ánh nền nghệ thuật phát triển rực rỡ, đa dạng với sự phát triển của các loại hình như: điêu khắc (tượng tròn), âm nhạc (dùng khèn), nhảy múa... và còn cung cấp cho chúng ta tư liệu quý để nghiên cứu về trang phục, trang sức, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Đông Sơn.