Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/07/2016 19:56 2975
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
(Phần 3 và hết) Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.

11. Bia điện đàn Nam giao – minh chứng lịch sử của đất nước, có ý nghĩa linh thiêng và di vật còn sót lại chứa đựng nhiều giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc của thời Lê Trung Hưng.

- Hoa văn được trang trí trên tấm bia thể hiện đề tài đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng.

- Minh văn khắc trên bia cho biết rõ về ý nghĩa lịch sử và quá trình xây dựng điện Nam Giao. Nơi vua và triều thần tiến hành đại lễ vào đầu xuân hàng năm, cầu cho quốc thái dân an.

- Tấm bia đã trải qua nhiều thế kỷ, chứng kiến nhiều sự đổi thay của lịch sử đất nước, là vật chứng lịch sử về những giá trị thiêng liêng của quốc lễ truyền thống.

- Tấm bia còn cho hiểu biết hơn về những giá trị lịch sử kinh thành Thăng Long xưa trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, đời sống văn hóa tâm linh của Thăng Long - Đại Việt dưới các thời Lý – Trần – Lê.

- Tấm bia nằm trong quần thể hệ thống trung bày ngoài trời và không gian tưởng niệm tại BTLSQG như một minh chứng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam độc đáo, phong phú và hấp dẫn.

Bản ảnh Bia điện đàn Nam giao.

12. Bia đá Võ cạnh: vật chứng cổ nhất nói về sự du nhập của Phật giáo vào Đông Nam Á.

Đây là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Champa. Bia được khắc bằng chữ Phạn cổ cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương triều Tiền vương quốc Nam Chăm.

* Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của tiểu vương quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang ngày nay), còn kinh đô của tiểu quốc Bắc Chăm (theo sử Trung Hoa còn gọi là Lâm Ấp) đóng ở Simhapura - vùng Trà Kiệu ngày nay. Sau đó vào khoảng thế kỷ VI, hai tiểu vương quốc này hợp nhất thành vương quốc Champa (Simhapura được chọn làm kinh đô).

* Minh văn còn cho biết sự du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm khá sớm (khoảng thế kỷ I sau công nguyên) và giới tăng lữ tiểu vương quốc này.

* Bia Võ Cạnh là vật chứng cổ nhất Đông Nam Á nói về sự du nhập của Phật giáo.

* Minh văn khắc trên bia được đánh giá là cổ nhất ở Đông Nam Á.

* Bia được giới thiệu trong nhiều ấn phẩm ở Việt Nam và thế giới.

Bản ảnh Bia đá võ Cạnh

13. Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo triều Nguyễn

- là loại ấn vàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến triều Nguyễn.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo được chế tạo bằng chất liệu quý (vàng 10 tuổi), kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt trong tổng số 85 chiếc ấn của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều.

- Ấn Sắc mệnh chi bảo là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với vương triều nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Bản ảnh Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo.

Mặt ấn Sắc mệnh chi bảo.

14.‘Đường Kách Mệnh”, văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuốn “Đường Kách mệnh” được xuất bản vào năm 1927 do đồng chí Nguyễn Văn Hoan sưu tầm và trao cho Viện Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được in tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Năm 1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước cho dân tộc. Tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho Cách mạng Việt Nam khi tiếp cận với “Bản sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Từ nhiều góc độ, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự phù hợp giữa lý luận của Cách mạng vô sản với nhu cầu giải phóng dân tộc ở trong nước với cuộc cách mạng vô sản. Chính Người đã biên soạn các bài giảng chính trị cho các lớp huấn luyện cách mạng. Đến đầu năm 1927 các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở khóa huấn luyện về sau đã trở thành bộ cẩm nang quý giá định hướng cho mọi hành động của phong trào cách mạng thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo.

- “Đường Kách mệnh” đặt nền tảng về tìm hướng mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin với nhiều biện pháp sáng tạo phù hợp gắn với quá trình chuẩn bị về chính trị tư tưởng về tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

- “Đường Kách mệnh” định hướng con đường đi cho dân tộc ta, cho thế hệ các Đảng viên của Đảng phải luôn gắn giải phóng dân tộc với Cách mạng vô sản, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, có mối quan hệ biện chứng với nhau.

- “Đường Kách mệnh đề cập một cách sâu sắc đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng qua các thời kỳ. Trong đó, đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng có tư cách đạo đức được coi là vấn đề mấu chốt có tính quyết định.

- “Đường Kách mệnh có giá trị định hướng phương pháp tổ chức cách mạng.

“Đường Kách mệnh” xứng đáng được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của Cách mạng Việt Nam, định hướng cho mọi hoạt động cách mạng của phong trào cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo. Hơn 80 năm qua, kể từ khi tác phẩm “Đường Kách mệnh” ra đời những thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được trong hơn 20 năm đổi mới vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đều được bắt nguồn và gây dựng từ những giá trị lý luận Cách mạng và khoa học của tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Những tư tưởng cách mạng có tính thuyết phục của tác phẩm còn có tác dụng cổ vũ, giáo dục các thế hệ thanh niên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng dân tộc.

15. “Nhật ký trong tù”, di vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Anh hùng Giải phóng Dân tộc – Danh nhân Văn hóa thế giới (được tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận năm 1990 nhân 100 năm ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh)

Tác phẩm “Nhât ký trong tù” gắn liền với sự xuất hiện tên tuổi Hồ Chí Minh và tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Sách “Hồ Chí Minh – Biên niên sử, tập 2,1930-1945. NXB Chính trị Quốc gia” có in: “ngày 13 tháng 8 năm 1942. Buổi tối, với tên mới Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng Cách mạng của người Việt Nam là lực lượng Đồng minh” đến ngày 27 tháng 8 năm 1942 và bị bắt giữ. Trong suốt 13 tháng cầm tù (từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943) bị giải qua 18 nhà giam ở 13 huyện tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Người đã viết tập thơ “Ngục trung nhật ký”. Với 133 bài thơ chữ Hán trong đó có 126 bài theo thể Tứ tuyệt của thơ Đường. Tác phẩm đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật Bản…

Tập thơ biểu hiện nhân – trí – dũng cốt cách của người chiến sĩ thi ca, mang giá trị nhân văn của người chiến sĩ Cộng sản suốt đời phấn đấu cho một lý tưởng cao đẹp: giành độc lập cho dân tộc, nhân dân hạnh phúc, và “Nhật ký trong tù mang nặng “những suy nghĩ ưu tư của một tâm hồn lớn, một tâm hồn cao thượng và nhân ái. Tập thơ ngời lên những cảm xúc vừa mạnh mẽ, vừa tế nhị, vừa chân thực vừa lãng mạng vượt lên khỏi khung cảnh lao tù”.

“Nhật ký trong tù”, được coi là tác phẩm lớn của nhân loại, một kho báu kinh nghiệm sống và chiến đấu, có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất và đạo đức làm người cho mọi thế hệ mai sau.

16. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, hịch cứu nước của Tổ quốc, là áng hùng văn của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Sau khi xâm phạm Hiệp định sơ bộ 6-3-1945 và Tạm ước 14-9-1946, lập Chính Phủ Nam kỳ tự trị, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11-1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Ngày 20-11-1946, quân Pháp chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn mở đầu kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Từ đầu tháng 12/1946 trở đi tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, quân Pháp chiếm thêm Hải Dương, khiêu khích Hà Nội và nhiều nơi khác. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp yêu cầu tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, tránh đổ máu, Người cũng gủi thư cho các nước Anh, Mỹ, Liên Xô, nêu rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu, quân Pháp liên tục nổ súng tại nhiều nơi ở Hà Nội, đặc biệt gây ra cuộc thảm sát đâm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh. Trong các ngày 18 và 19 tháng 12 chúng liên tục gửi cho Chính phủ ta các “Tối hậu thư” vô lý như “sẽ chiếm đóng Sở tài chính và nhà viên Giám đốc Sở Giao thông, tước vũ khí lực lượng tự vệ Hà Nội, trao quyền duy trì an ninh ở Hà Nội cho quân đội Pháp… Tình thế ngặt nghèo đó buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ phải có lựa chọn đúng đắn, kịp thời. Ngày 3 đến 19/12, Chủ tịch Hồ Chí minh đã về làng Vạn Phúc (Hà Đông) sống trong ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây ngày 19 tháng 12, trên căn gác xép nhỏ, người đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 18 và 19-12-1946 tại Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị đã đi đến một quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến mở đầu ngay vào lúc 20 giờ đêm ngày 19-12-1946 tại Thủ đô Hà Nội.

Vào sáng ngày 20/12/1946, Đài tiếng nói Việt Nam (đặt ở Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Đông phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đồng thời báo Cứu quốc đăng trên trang đầu “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, và hàng nghìn áp phíc in toàn văn của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được phân phát các nơi trên toàn quốc. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối đúng đắn do Đảng vạch ra, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giết giặc bảo vệ nền độc lập. Ngay trong đêm 19-12-1946, tiếng súng giết giặc của Thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ mà anh dũng kéo dài tới 9 năm của nhân dân ta.

Bản “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được viết trên hai trang giấy kích thước 13,5cm x 20,5cm, đã ngả màu vàng theo thời gian.

- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được coi là văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân, lục lượng vũ trang ba thứ quân…

- Là hịch cứu nước của Tổ quốc, là một áng hùng văn sáng chói những nét đặc sặc của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Đây chỉ là con số đầu tiên trong chặng đường hành trình đi tìm Bảo vật của chúng tôi. Sẽ còn rất nhiều những di vật lịch sử, đại diện cho nhiều nền văn hóa của dân tộc sẽ được vinh danh. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của dân tộc, lịch sử đã để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay những giá trị truyền thống cả về vật chất và tinh thần tốt đẹp. Truyền thống đó được nuôi dưỡng qua ngàn năm lịch sử. Vinh danh công nhận những giá trị di sản văn hóa quốc gia làm chúng ta càng nâng niu những giá trị vật chất tinh hoa của dân tộc Việt còn đọng lại vĩnh viễn và trường tồn với thời gian.

Đinh Phương Châm, Hoàng Ngọc Chính

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

Bảo vật quốc gia được lưu giữ tại BTLSQG

  • 11/07/2016 20:47
  • 2464

(Phần 2) Ở mỗi một đất nước, mỗi dân tộc thì bảo vật là đại diện cho những giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc, kỹ thuật đặc trưng hay sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, và được xem như diện mạo văn hóa của mỗi quốc gia, bởi đó là những thành tựu đặc trưng của cả đất nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ấy. Bảo vật đó chính là nguyên khí, là linh hồn văn hóa của dân tộc. Hiện nay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ một số lượng lớn các quốc bảo đặc sắc nhất, ưu tú nhất trong cả nước. Mỗi một quốc bảo được lưu truyền lại cho thế hệ mai sau đều mang được đầy đủ những giá trị đại diện cho những tư tưởng lớn, thẩm mỹ tiêu biểu, chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển lịch sử đất nước và con người Việt Nam.